Ai đang 'chống lưng' cho trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường ở Thái Nguyên?

Những ngày qua, bạn đọc phản ánh về Tòa soạn Báo Đời sống và Pháp luật về trang trại nuôi lợn quy mô lớn nghi của gia đình PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng?

Trang trại của gia đình PGĐ Sở NNPTNT `bức tử` sông Công?

Theo phản ánh của người dân, trang trại nuôi lợn này đặt tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên là của gia đình ông Ngô Văn Ban - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Trang trại này có quy mô chăn nuôi khoảng 1.000 – 1.500 con lợn nái và khoảng 10.000 con lợn thịt/lứa. Hiện chất thải, nước thải từ trang trại này đang xả trực tiếp ra sông Công. Trang trại lợn này không chỉ gây ô nhiễm ở xóm Soi Vàng mà ngay cả bà con sinh sống ở xóm Lam Sơn lân cận cũng không thể sinh sống yên ổn bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc ra.

Một số hộ dân sống gần trang trại rất bức xúc khi họ thường xuyên mất ăn mất ngủ bởi mùi hôi thối mà trang trại này gây ra. Nguồn nước ô nhiễm trong khi đó nước sạch lại không có. Để có nước sinh hoạt gia đình họ đã phải đầu tư máy lọc nước công suất lớn nhưng nước lọc xong vẫn có mùi vì nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm quá nặng.

Họ cho rằng, việc xả thải trực tiếp ra môi trường của trang trại gia đình ông Ban đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Đã có không ít người mắc phải những căn bệnh nan y về đường hô hấp do thường xuyên phải hít thở bằng nguồn không khí ô nhiễm từ trang trại này phát ra.

Theo ghi nhận của PV, các cửa xả tuôn ra dòng nước đen kịt khiến cho vùng nước hôi thối tỏa ra mùi nồng nặc gây tức ngực và buồn nôn dù chỉ ở hiện trường một thời gian rất ngắn. Theo quan sát của PV, bã phân và tạp chất thức ăn thừa từ trang trại nuôi lợn không hề được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Dòng sông Công, Thái Nguyên đang bị "bức tử" bởi trang trại nuôi lợn quy mô lớn

Chính quyền biết nhưng chưa giải quyết được?

Chủ tịch HĐND xã Tân Cương Nguyễn Thị Thanh Mai và Chủ tịch UBND xã Tân Cương Phạm Tiến Sỹ đều đã xác nhận với báo chí rằng Trang trại lợn gây ô nhiễm nêu trên là của gia đình ông Ngô Văn Ban – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh. Trang trại này, gia đình ông Ban thuê người chăn nuôi nên việc kiểm tra, giám sát của chính quyền rất khó.

Khi được hỏi vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường của trang trại nói trên, đại diện chính quyền cơ sở đã khẳng định với cơ quan báo chí rằng, xã đã nhận được phản ánh của bà con nhân dân nhưng trang trại này do Sở cấp phép nên hồ sơ xã không nắm giữ. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân UBND xã đã chủ động gọi điện chủ trang trại nuôi lợn đến làm việc nhưng ông nói bận và không đến.

Được biết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Thái Nguyên cũng đã có buổi làm việc giữa chủ trang trại, các cơ quan chức năng có liên quan. Trong biên bản ghi lại cuộc làm việc nêu trên đã nêu rõ những vi phạm của trang trại lợn này: không báo cáo cơ quan đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường về tiến độ thực hiện đề án bảo vệ môi trường, về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; không thực hiện một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, chưa hoàn thành việc xây dựng công trình xử lý nước thải theo đề án bảo vệ môi trường đã phê duyệt...

Dù người dân đã nhiều lần phản ánh những bức xúc do tác động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên lên các cơ quan chức năng của TP.Thái Nguyên cũng như UBND xã Tân Cương về việc này. Nhưng cho đến tận bây giờ tình trạng xả thải từ trang trại này vẫn không được giải quyết. Theo thời gian việc ô nhiễm môi trường ở đây đến nay càng trầm trọng. Từ đó, họ băn khoăn rằng, các cơ quan chức năng có thể đã "né tránh" hoặc "làm ngơ" khi biết rõ trang trại này của một quan chức ngành nông nghiệp của tỉnh.

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường

Trao đổi về nội dung này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Hành vi xả thải từ trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Ban nêu trên, nếu có đủ căn cứ xác định gây ô nhiễm nguồn nước, không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của nhân dân như nội dung bạn đọc phản ánh thì hộ gia đình này sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc là bị cảnh cáo nếu trong trường hợp vi phạm lần đầu hoặc là sẽ bị xử phạt không quá 1.000.000.000 đồng. Bên cạnh hình thức xử phạt chính thì hộ gia đình này cũng có thể sẽ bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Lê Minh Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: "Để khắc phục những hành vi gây ô nhiễm môi trường đã gây ra thì buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải yêu cầu hộ gia đình kinh doanh chăn nuôi thực hiện một trong những biện pháp khắc phục hậu quả trên. Hành vi vi phạm pháp luật của hộ gia đình có thể bị truy cứu trác nhiệm hình sự nếu như trước đó chủ cơ sở kinh doanh chăn nuôi lợn này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về gây ô nhiễm môi trường...".

Bên cạnh đó, Luật sư Lê Minh Đức cũng cho rằng, nếu đúng có việc một vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên để cho gia đình, vợ con mở trang trại quy mô lớn để chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường thì các cơ quan của Đảng căn cứ Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do UB Kiểm tra Trung ương ban hành để xem xét trách nhiệm.

Theo Quy định này, Đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội…Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn xem xét nguồn gốc hình thành tài sản là trang trại quy mô này có minh bạch hay không? Tài sản này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ của những đảng viên có liên quan không?

Về nội dung này chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên để câu trả lời sớm nhất tới bạn đọc.

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ai-dang-chong-lung-cho-trang-trai-nuoi-lon-gay-o-nhiem-moi-truong-o-thai-nguyen-53893.htm