Ai dám cưới một dòng sông?

Bạn có dám cưới một dòng sông không? Chắc chắn chỉ cần nghe câu hỏi này thôi bạn cũng sẽ sửng sốt mà nghĩ rằng chỉ có kẻ 'không bình thường' hay đầu óc 'có vấn đề' mới có ý nghĩ muốn cưới dòng sông. Vâng, là dòng sông chứ không phải một con người. Ấy vậy mà nhà văn Nguyễn Văn Học lại 'cả gan' muốn cưới dòng sông. Anh không ngần ngại thốt lên: 'Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé!'

1. “Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé?” là tập tạp bút mới của tác giả Nguyễn Văn Học, vừa được NXB Văn hóa-Văn nghệ, in và phát hành. Tựa sách được gợi hứng từ câu thơ của Nguyễn Bính, tác giả Nguyễn Văn Học đã sử dụng với một niềm mong ước con người cộng sinh với thiên nhiên, đặc biệt hơn là các dòng sông.

Xuất thân từ vùng chiêm trũng huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Học yêu sông, yêu quê và phải chứng kiến con sông quê bé nhỏ chảy quanh làng bị ô nhiễm nặng, chính do bàn tay con người. Rồi sau này đi làm báo, đến những miền đất xa, anh đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu về những con sông, con suối. Người đọc dễ dàng nhận ra những con sông đó được hiện lên với sự soi rọi khá đa chiều. Cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Đọc tạp bút của anh, thấy ký ức về những con sông hiện lên, ngồn ngộn, vừa lãng mạn vừa da diết. Vừa hoang hoải đắm đuối vừa tiếc nuối. Văn Học đã trải ký ức của mình lên các con sông, gợi nhớ về những kỷ niệm với sông, với chiều sâu văn hóa mà qua hàng trăm năm các con sông đã được bồi đắp. Nên sông trong tạp bút của Nguyễn Văn Học vừa là nhân vật chính, vừa là chủ thể của sự xúc cảm và sáng tạo. Sông lại là đối tượng để biểu đạt, chưng cất và làm thăng hoa những cảm xúc của một người sáng tác yêu sông. Ký ức ấy luôn dắt mỗi người có một suy nghiệm trong lòng về dòng sông tuổi thơ, con sông chảy quanh làng đã trở thành nhân vật trong thơ ca nhạc họa.

Nguyễn Văn Học không chỉ dám vượt qua cái “không bình thường” mà còn dám “ngoại tình” với dòng sông!? Vì sao, có cái gì hấp dẫn của dòng sông mà lại có thể thu hút và khiến anh dám vượt qua tất cả? Cuốn tạp bút “Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé!” chính là câu trả lời xác đáng và rõ ràng nhất.

Đọc tập tạp bút của tác giả, bạn sẽ thấy những dòng sông như những cô con gái đầy sức quyến rũ, xinh đẹp và duyên dáng nhưng không kém phần mạnh mẽ. Đó là những sông Hồng, sông Mã hùng vĩ, uy nghi mà đầy thơ mộng. Là những dòng suối chảy dài, luồn lách “như những mạch máu âm thầm chảy và nuôi dưỡng mỗi cánh rừng, mỗi bản làng để làm nên cuộc sống và tạo nét văn hóa đặc sắc cho người dân tộc thiểu số...” để Tây Bắc trở thành nơi có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn bao lữ hành, bao phượt thủ sẵn sàng bỏ mặc phố thị ồn ào mà về với rừng núi, suối sông. Hay là những con sông quê yêu dấu mang đầy kỉ niệm của cả thời thơ ấu lẫn lúc mới lớn biết yêu và cả khi đã trưởng thành, đi xa và trở lại. Cả niềm vui, nỗi buồn khi sông đã cùng với người qua gắn bó qua bao thế hệ mà nay nhiều dòng sông đã bị bức tử hay đang ngắc ngoải thống thiết kêu cứu.

Những dòng sông chính là những người bạn tri kỉ, tâm giao, là những “nàng thơ” đẹp đẽ, có hình hài, có đời sống, có sắc, có hương, có mùi để Nguyễn Văn Học phải say mê, yêu mến đến mức muốn cưới dòng sông. Cưới sông để thêm yêu, để được cộng sinh với thiên nhiên, với những mạch nước trong ngần thuở nào. Cưới sông, để thêm trân quý và thỏa mãn tình yêu với sông. Bởi anh đã luôn ý thức được rằng: “Người chọn về với sông là người khao khát những miền bình yên, ở nơi những dòng sông quê bé nhỏ, nhẫn nại. Bởi tự bao giờ, sông có nước, sông có đời sống, có sắc và hương. Có lúc sông lại như một người con gái không giấu được vẻ đẹp và trinh bạch, khi cả đời chung thủy tưới tắm cho những cánh đồng, tiễn chim đi trú đông rồi chờ xuân ấm trở về…” và “mùi của con sông quê mà tôi đang đi tìm, chính là mùi bình yên, của những giây phút trong trẻo tâm hồn còn sót lại. Cùng đó nữa là kho ký ức, phải được gửi sông giữ hộ, sông gối đầu lên, khi ta trở về thì sông nhắc hộ”.

Không chỉ với những dòng sông mà dường như với mỗi sự đổi thay, cựa mình của những điều giản dị như cái cây, cái cỏ, cái nắng, cái gió… dù rất nhỏ cũng khiến anh quan tâm. Phải là một người nhạy cảm, tài năng và yêu thiên nhiên lắm mới có thể cảm nhận được những điều bình dị ấy. Bằng nỗi trăn trở, đau đáu, từ yêu mến, cảm phục trước những gì thiên nhiên đem lại cuộc sống yên bình, đẹp đẽ cho con người đến những nuối tiếc đến xót xa khi những giá trị của thiên nhiên bị coi thường, bị vứt bỏ, bị bức tử. Nhà văn Nguyễn Văn Học đã khiến chúng ta phải giật mình, thức tỉnh và cũng sẽ man mác buồn thương, tiếc nuối, thậm chí còn xấu hổ bởi trong mỗi chúng ta, ít nhiều chẳng có chút tình yêu thiên nhiên, nhưng đôi khi do vô tình hay hữu ý mà cũng đã “góp phần” gây hại thiên nhiên!?

2. Nếu bạn chưa cảm thấy yêu thiên nhiên, chưa có được tâm hồn nhạy cảm để có thể cảm nhận được những cái “màu con gái” của dòng sông, những mùi vị của vạt nắng, của cỏ thơm hay phố phường, đồng ruộng… thì nhà văn Nguyễn Văn Học đã giúp ta không chỉ cảm nhận được những điều đó mà còn nhận biết được chân giá trị văn hóa của từ những cái rêu phong, những gốc cây cổ thụ, những cổng làng, giếng nước, sân đình, hay chỉ là một “góc sân như là một kho tàng nhân từ” nhưng mở ra cả “một khoảng trời thơ ấu để lớn lên và khát vọng”. Và hơn thế nữa, nơi ấy còn tạo ra “khoảng trời rộng trong lòng, để biết yêu người như yêu chính mình”. Để rồi từ đó, chúng ta biết “thiên nhiên dạy những điều kỳ diệu”, yêu hơn những cánh chim, những bông hoa… để không chỉ trân trọng và yêu thiên nhiên hơn mà còn nhen lên những cảm xúc, tình cảm, giúp con người gần nhau hơn. Và khi ấy, những giá trị của thiên nhiên, những giá trị văn hóa bình dị nhất sẽ được giữ gìn, phát triển!

Trong số 39 bài tạp bút, ngoài đề tài sông ngòi, tác giả Nguyễn Văn Học cũng xoáy vào chủ đề văn hóa, làng cổ, không gian xưa cũ với lối ứng xử văn hóa, nhân văn. Đó thật sự lại là những đề tài mà anh đã trải nghiệm trong những chuyến đi, đã quan sát, viết bài và nay thể hiện bằng một giọng điệu khác - tạp bút. Bạn đọc lại được biết đến những lối ứng xử nhân nghĩa trong những ngôi làng cổ ngoại thành Hà Nội, những thôn xóm đẹp nên thơ nơi miền Kinh Bắc, những bóng cổ thụ thâm nghiêm như những cụ già hiền từ; những chiếc giếng cổ trăm năm gợi nhớ một thời đã xa. Hay là những vùng bãi bồi đầy hoa cải trắng và vàng…

3. Chúng ta đã và đang được chứng kiến môi trường ngày càng ô nhiễm ở cả thành thị lẫn nông thôn, cả từ miền xuôi đến miền núi; nào là hạn hán, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở... rồi thì rác thải, bãi thải ô nhiễm, bốc mùi. Nguyên nhân rõ ràng phần lớn là do con người. Vậy bạn và tôi có phải là người ngoài cuộc? Nếu bạn đã cầm và đọc xong cuốn sách này thì câu trả lời hẳn đã rõ. Với sự tự ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm người cầm bút, nhà văn Nguyễn Văn Học đã luôn thổn thức, khắc khoải và thấy mình phải có nghĩa vụ viết về vấn đề môi trường. Viết về chim chóc, trong bài “Thiên nhiên dạy những điều kỳ diệu”, anh thốt lên, xót xa: “Ở ngoài kia, đất lành… chim chết. Những chú chim bị săn đuổi, bằng nhiều cách. Đôi bàn tay của một số người thực dụng, hoặc vì lợi nhuận, họ đang tàn sát thiên nhiên. Điều đó đã khiến cuộc sống này buồn đi biết bao nhiêu, bớt đẹp biết bao bởi tiếng chim cứ bị vắng dần. Biết bao loài trở nên tuyệt chủng. Tại sao con người có thể vô tình đến thế. Họ đầu độc chính môi trường sống của mình, và ngay cả những điều kỳ diệu nhất, là các vườn chim, vườn cò, là những thứ mà cuộc sống ban tặng, để con người sống chan hòa, bình yên…”

Trước cuốn sách này, anh đã xuất bản tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”, rồi tập tản văn “Chạm cốc với dòng sông” đều đề tài môi trường, thiên nhiên và ca ngợi sự cộng sinh giữa con người và thiên nhiên. Nhưng dường như chưa đủ, anh còn muốn viết nhiều hơn nữa và muốn nhiều người cùng vào cuộc hơn nữa để cho “Con sông thắp xanh cuộc đời” và cho “Có bông hoa thở trong hồn người”. Là một người đi nhiều và được chứng kiến nhiều những hậu quả của thiên nhiên trước bàn tay con người, anh không thể cầm lòng khi thấy những dòng sông đang kêu cứu vì cát tặc, vì ô nhiễm mà dần trở thành nỗi sợ của con người. Rồi còn biết bao người mất ruộng vườn, nhà cửa thậm chí cả tính mạng khi bờ sông sụt, núi lở? Có lẽ vì thế mà nhà văn muốn cưới dòng sông, như một biểu tượng của thiên nhiên, môi trường tự nhiên, để được là của riêng mình, để cùng chung tay bảo vệ, chở che, yêu thương và nâng niu!?

“Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé!”, có thể bạn sẽ không thốt lên như thế khi đọc xong cuốn sách này. Nhưng chắc chắn trong tâm hồn bạn sẽ cựa quậy những chồi non hạnh phúc, ấm áp, yên vui, những cảm xúc yêu thương từ những điều bình dị, mộc mạc, gần gũi của thiên nhiên và cuộc sống.

Trần Đức Hiển

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ai-dam-cuoi-mot-dong-song-tintuc414070