Ai đã cung cấp vũ khí mạnh sau bom hạt nhân cho ly khai Ukraine?

Những mảnh vỡ còn lại của đạn hỏa tiễn phóng ra từ hệ thống pháo phản lực BM-30 Smerch đã được Ukraine tìm thấy tại chiến trường miền Đông nước này. Điều này làm dấy lên nghi ngờ việc Nga đã âm thầm chuyển vũ khí hạng nặng này cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine.

Từ lâu, pháo phản lực phóng loạt được coi là loại vũ khí hủy diệt có sức mạnh chỉ đứng sau bom hạt nhân. Với khả năng phóng loạt nhiều quả đạn với sức công phá lớn, pháo phản lực có thể nhanh chóng phá hủy một khu vực rộng lớn.

Thậm chí ngay cả đoàn xe tăng dù hiện đại nhất cũng sẽ bị phá hủy chỉ trong phút chốc nếu trúng đòn tấn công từ các hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Trong số những hệ thống pháo phản lực phóng loạt hiện đại và mạnh nhất thế giới phải kể đến SM-30 Smerch do Nga phát triển và sản xuất.

Tuy nhiên điều ngạc nhiên là hệ thống này đã xuất hiện trong tay lực lượng dân quân miền Đông Ukraine. Trong nhiều cuộc đấu pháo, ly khai miền Đông đã dùng chúng để "nã" vào quân chính phủ khiến đối phương hiệt hại nghiêm trọng.

Ngay sau khi thu được bằng chứng BM-30 được phe ly khai sử dụng tại chiến trường miền Đông nước này, Ukraine đã cáo buộc Nga đã âm thầm cung cấp chúng cho quân ly khai.

Tuy nhiên một lần nữa Nga lại phủ nhận cáo buộc việc nước này hỗ trợ vũ khí cho lực lượng ly khai Ukraine. Đây không phải là lần đầu tiên Moscow phủ nhận dù có những bằng chứng khá thuyết phục như trường hợp xe tăng T-72B3.

Giới phân tích cho rằng ít có khả năng các quốc gia khác ngoài Nga chuyển loại vũ khí khủng khiếp này cho lực lượng dân quân miền Đông UKkraine.

Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-30 "Smerch" được phát triển vào thập niên 1980 và trang bị vào năm 1987, sau khi Liên Xô tan rã loại vũ khí này được Nga tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

Dù Ukraine cũng nắm giữ một số lượng nhất định BM-30 được thừa hưởng từ Liên Xô, tuy nhiên Nga cho rằng Kiev không đủ trình độ để sản xuất loại đạn dùng cho hệ thống này.

Thời điểm ra đời, BM-30 là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) mạnh nhất trên thế giới. Đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất

Ngoài khoảng 150 tổ hợp đang được biên chế trong lực lượng pháo binh, tên lửa Nga, BM-30 cũng hiện diện trong quân đội một số quốc gia khác.

BM-30 Smerch từng tham chiến tại Chechnya, Ukraine và hiện nay là Syria.

Tổ hợp BM-30 Smerch hoàn chỉnh được Bộ Quốc phòng Nga định danh là 9K58, xe phóng đạn có định danh 9A52.

Mỗi xe phóng đạn được trang bị 12 ống phóng cỡ nòng 300 mm.

Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản sử dụng loại đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km.

Các quả đạn đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác

BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp (FAE), đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.

BM-30 Smerch có khả năng phóng từng quả đạn riêng rẽ hoặc phóng theo loạt 3, 6 và 12 đạn.

Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương.

Một loạt phóng 12 đạn của BM-30 có thể bao phủ diện tích tới 67 hecta.

Đôi khi BM-30 Smerch còn được gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, với việc đầu đạn chống bộ binh đủ sức tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.

Xe phóng 9A52 có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang khai hỏa chỉ trong vòng 3 phút. Người điều khiển có thể ra lệnh phóng đạn từ trong xe hoặc từ xa. Một loạt phóng toàn bộ 12 đạn chỉ kéo dài trong 38 giây.

Bệ phóng được đặt trên khung gầm hạng nặng MAZ-543. Xe có tốc độ tối đa 60-65 km/h, có thể chạy liên tục 850 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Việc nạp đạn được tiến hành bởi xe nạp 9T234-2.

Loại xe này sử dụng chung khung gầm MAZ-543, được trang bị cần cẩu và 12 quả đạn dự trữ.

Quá trình nạp đạn kéo dài 36 phút. Mỗi tổ hợp BM-30 thường bao gồm 6 xe phóng 9A52 và 6 xe nạp 9T234-2.

Sau khi khai hỏa, các xe phóng sẽ rời trận địa và nạp đạn ở khu vực riêng để tránh đối phương phản pháo. Hệ thống điều khiển hỏa lực Vivari có thể hoạt động tự động hoặc do con người vận hành.

Hệ thống này được đặt trên một xe riêng, có khả năng chỉ huy 6 bệ phóng khác nhau. Nó có nhiệm vụ tính toán đường đạn và dữ liệu mục tiêu cho từng bệ phóng.

Năm 2007, Nga đã giới thiệu phiên bản 9A52-4 Tornado, dựa trên thiết kế của BM-30. Nó đóng vai trò bệ phóng pháo phản lực hạng nhẹ và đa năng hơn Smerch, với hỏa lực giảm xuống chỉ còn 6 ống phóng.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-ai-da-cung-cap-vu-khi-manh-sau-bom-hat-nhan-cho-ly-khai-ukraine-post461473.antd