Ai cũng phải bước qua tuổi trẻ

Chúng ta luôn nghĩ thanh xuân thật đẹp với bao hoài bão và say mê. Nhưng đó cũng là lúc cuộc đời cho ta những cú đánh bất ngờ khiến kẻ cuồng vọng phải choáng váng.

Nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ Chetan Bhagat nhận được email của người hâm hộ. Ngay tiêu đề “Thư tuyệt mệnh” đã khiến tiểu thuyết gia phải giật mình. Nhưng đó không phải là một trò đùa, Chetan Bhagat biết rằng ở Ahmedabad, thị trấn xa xôi cách anh hàng nghìn cây số đang có một chàng trai cần được giúp đỡ. Và thế là câu chuyện ly kì mà cảm động Ba sai lầm của đời tôi ra mắt độc giả.

Ba chàng trai trẻ Gonvind, Omi và Ishaan đang chết dần chết mòn trong những năm tháng thanh xuân mệt mỏi và chán chường. Để có thêm vài đồng giúp đỡ gia, Gonvind đành phải đi làm gia sư, bởi cậu biết rằng ở thời buổi này chẳng còn ai thích món bánh khakra truyền thống của mẹ cậu nữa.

Omi cũng chẳng khá hơn. Không có tài cán gì đặc biệt, anh chàng phải đối mặt với việc sẽ trở thành một thầy tế trong tương lai để nối nghiệp cha cậu, nhằm mong kiếm chút ít sống cho qua ngày. Cứ nghĩ tới việc chết già và lầm rầm khấn bái và làm lễ trong mấy bộ đồ rộng thùng thình là anh chàng đã cảm thấy như cuộc đời mình sắp chấm dứt.

Còn Ishaan có vẻ là khá khẩm hơn hai người bạn của mình khi thi đỗ vào Học viện Quốc phòng, nhưng sau một năm vật lộn ở ngôi trường mơ ước của hàng chục nghìn thanh niên Ấn Độ, anh chàng xách hành lý về nhà vì chợt nhận ra rằng đó không phải là nơi dành cho mình. Từ đó Ishaan trở thành một kẻ vô dụng và cũng là cái gai trong mắt ông bố độc tài.

Tiểu thuyết Ba sai lầm của đời tôi của Chetan Bhagat.

Ngoài tuổi trẻ và tình bạn thì môn Cricket (bóng gậy) là điểm chung của ba chàng trai. Từ những phút bốc đồng đến khoảng thời gian tranh luận nảy lửa và cái kết là một kết hoạch khá chín chắn và chu toàn, ba chàng trai đã quyết định mở một cửa hàng bán dụng cụ chơi cricket.

Việc buôn bán ban đầu khá suôn sẻ, ba chàng trai hào hứng khi cửa hàng mang lại lợi nhuận. Họ ao ước có một cửa hàng lớn hơn ở khu trung tâm thương mại sầm uất với cửa kính sáng choang. Cả ba dồn hết số tiền họ có để đặt cọc vào cửa hàng trong mơ. Nhưng một trận động đất đã phá tan tất cả. Những chàng trai trẻ lại phải làm lại từ đầu.

Mỗi người đi theo một con đường riêng nhưng cả ba không từ bỏ giấc mơ với cricket. Anh chàng Govind quay lại với công việc gia sư. Lần này, học trò của anh chàng lại chính là Vydia, em gái của Ishaan. Phải khó khăn lắm Govin mới giúp cô nàng tìm được hứng thú với môn toán. Trái lại, bằng một cách rất dễ dàng, anh chàng đã “giúp” cô học trò của mình hào hứng với chuyện yêu đương.

Còn Ishaan, vốn chỉ là một cầu thủ cricket cấp trường nhưng cậu có tình yêu mãnh liệt với môn thể thao này. Ishaan luôn mong mỏi rằng: đội tuyển cricket của Ấn Độ sẽ giành chức vô địch ở những giải đấu lớn trên thế giới. Tình cờ Ishaan gặp Ali, cậu bé có phản xạ vô cùng nhanh nhạy. Đó chính là tố chất trời ban để trở thành một danh thủ cricket trong tương lai.

Nhưng đáng tiếc Ali chỉ thích chơi bắn bi. Dùng hết mọi chiêu trò, từ nịnh nọt đến dọa nạt cuối cùng Ishaan cũng truyền lại được tình yêu cricket cho Ali. Vì “tương lai” của cậu bé, ba chàng trai đã phải giở một chút “mánh khóe” để Ali được sang Australia và có cơ hội dành những suất học bổng của các câu lạc bộ cricket nổi tiếng ở xứ sở chuột túi.

Tiếc rằng mọi chuyện lại thất bại khi Ali nói rằng cậu bé chỉ hạnh phúc khi được chơi cricket ở Ấn Độ. Trở về, “ba chàng lính ngự lâm” lại gặp phải rắc rối mới khi vướng vào cuộc tấn công của hai đảng phái chính trị do cậu của Omi và bố của Ali cầm đầu. Dường như mọi chuyện đã đi quá xa tầm kiểm soát của các chàng trai? Họ yêu thể thao nhưng luôn vướng phải rắc rối bởi những chuyện chẳng liên quan gì đến thể thao.

Một cảnh trong phim Ba sai lầm của đời tôi.

Trong cuộc đời, thật may mắn nếu chúng ta tìm thấy một điều thiêng liêng mang tên là đam mê. Và rồi, đôi lúc ta tự hỏi: nếu đánh đổi quá nhiều để theo đuổi đam mê liệu có phải là quyết định đúng đắn? Nhưng tuổi trẻ vốn là như vậy, đam mê, thật nhiều nhiệt huyết và có cả sai lầm. Tuy bồng bột nhưng kiên định đến cùng thì có gì phải tiếc nuối.

Sau thành công của Ba chàng ngốc, Ba sai lầm của đời tôi lại là một bestseller tiếp theo của Chetan Bhagat. Với lối kể dí dỏm mà chân thành cùng cách tạo bất ngờ đúng lúc “người hùng của văn chương Ấn Độ” khiến độc giả cảm thấy không thể rời khỏi câu chuyện cho tới trang cuối cùng. Năm 2013, cuốn tiểu thuyết này đã được đạo diễn nổi tiếng người Ấn Độ Abhishek Kapoor chuyển thể thành phim với sự tham gia diễn xuất của nam diễn viên điển trai Sushant Singh Rajput.

Thụy Oanh

Nguồn VietQ: http://news.zing.vn/ai-cung-phai-buoc-qua-tuoi-tre-post819136.html