Ai cũng hứng 'bẩn', nhưng mỹ phẩm chống ô nhiễm quá đắt

Xu hướng mới nhất trong làng công nghiệp mỹ phẩm hứa hẹn sẽ đối phó với những thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Nếu bạn có đủ tiền mua.

Phù thủy Mary Poppins hạ cánh xuống một cửa hàng hoa với… khẩu trang. Không khí ô nhiễm, các “ninja” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường. Nhưng mỹ phẩm chống ô nhiễm thì vẫn khó tiếp cận.

Ảnh: Green Peace UK

Đầu tháng 3/2016, công ty mỹ phẩm Nhật bản Shiseido đã đưa ra một bảng quảng cáo khổng lồ ở Madrid. Trên đó là hình ảnh màu hồng đặc trưng và có lọ serum Ultimune, trông như rất nhiều quảng cáo sản phẩm chăm sóc da khác. Nhưng ở góc dưới bên trái là dòng chữ tuyên bố rằng tấm bảng, với titanium dioxide, sẽ giúp “thanh lọc” không khí xung quanh, loại bỏ chất gây nhiễm từ ôtô và CO2 ra khỏi bầu khí quyển.

Cùng năm đó, các nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia công bố nghiên cứu cho thấy nitơ điôxít (NO2), một chất ô nhiễm phát sinh từ những thứ như khí thải xe hơi, nhà máy điện, có thể hình thành các đốm đen trên da. Sau đó, vào tháng 6/2016, tờ New York Times đã xuất bản hướng dẫn về các sản phẩm chăm sóc da nhằm bảo vệ làn da khỏi tác động của ô nhiễm.

Chăm sóc da chống ô nhiễm, có vẻ như, đã chính thức lên sàn. Nhưng liệu nó có thực sự đi vào tay những người cần nó nhất?

Những năm gần đây, chăm sóc da đã phát triển thành văn hóa và công nghiệp. Kể từ tháng 7/2016, những người đăng kývào nhóm chăm sóc da trên Reddit, SkincareAddiction, đã tăng gấp đôi. Năm 2017, doanh số mỹ phẩm chăm sóc da ở Mỹ tăng 45%. Tính trên toàn cầu, ngành công nghiệp mỹ phẩm chăm sóc da đạt giá trị 130 tỷ USD, và dự báo tăng lên 135 tỷ USD vào năm 2021.

Cũng trong khoảng thời gian đó, ô nhiễm – đặc biệt là ô nhiễm không khí – tăng lên hàng ngày, ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Năm 2016, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy: ô nhiễm không khí đã gia tăng 8% chỉ trong 5 năm. Các khu đô thị lớn - như Bắc Kinh và Delhi, ô nhiễm hạt – loại ô nhiễm nguy hiểm có thể thâm nhập sâu vào phổi – thường xuyên đạt mức nguy hiểm.

Ở Mỹ, sau cuộc bầu cử, chính quyền Trump bắt đầu tháo dỡ các quy định về môi trường nghiêm ngặt, bãi bỏ Kế hoạch Điện sạch – đặt giới hạn phát thải chặt chẽ hơn cho các nhà máy điện, và ké Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về môi trường.

Ảnh: Unearthed@Twitter

Kết hợp với nhau, sự gia tăng ô nhiễm cùng với nhu cầu ngày càng cao trong các sản phẩm chăm sóc da tạo nên cơ hội tiếp thị hoàn hảo cho các thương hiệu mỹ phẩm. Mùa thu năm 2017, Business of Fashion tuyên bố rằng: đối với các nhà thiếp thị mỹ phẩm, “chống ô nhiễm” là xu hướng mới, tương tự như “chống lão hóa” vậy.

Đột nhiên, các dòng sản phẩm chăm sóc da xa xỉ như Shiseido, Sunday Riley, Murad và Kiehls đã ra mắt sản phẩm dán nhán “chống ô nhiễm”, hứa hẹn rằng tăng cường sức khỏe cho da, bảo vệ làn da khỏi sự ô nhiễm và những điều kiện gây ra ô nhiễm như sương mù và ozone. Họ kỳ vọng rằng có thể đẩy mạnh hơn nữa con số 4 triệu USD đạt được trong nửa đầu năm 2017 từ phân khúc này, chỉ tính riêng ở thị trường Anh.

Nhưng không ai trong số đó nói sản phẩm chăm sóc da chống ô nhiễm là những thứ như dầu rắn. Các thành phần phổ biến nhất được tìm thấy trong các sản phẩm chống ô nhiễm – các chất chống oxy hóa như Vitamin C hoặc Vitamin E, hoặc các chất nhẹ nhàng có trong trà xanh – được chứng minh là có lợi cho da. Tuy nhiên, những chất này từ lâu đã được đóng gói trong các sản phẩm mỹ phẩm mà không hề có lời nào về việc chống lại, hay đảo ngược, thiệt hại từ ô nhiễm.

Ảnh minh họa

Ảnh: lovelanner.com

Đặc biệt, Vitamin C là thành phần chính trong sản phẩm làm sáng da, thậm chí cả tông da – có thể có liên quan đến việc giảm đổi màu hoặc sắc tố do ô nhiễm. (Nhưng có ít bằng chứng cho thấy những sản phẩm hứa hẹn tạo nên hàng rào bảo vệ khỏi ô nhiễm thực sự có hiệu quả trong việc chống lại tổn thương da.)

Trong khi một số sản phẩm chăm sóc da chống ô nhiễm có nhiều thành phần được khoa học chứng minh là chất chống oxy hóa, chúng vẫn kế thừa một thông điệp bất thành văn rằng: Với mức giá “hợp lý”, bạn có thể mua được “tấm bùa bảo vệ”.

Mặc dù một số người có thể tiếp cận, nhưng các sản phẩm chống ô nhiễm, có thể lên đến hàng trăm đô la chỉ cho vài ounce, thường bỏ qua những người cần chúng nhất: nhóm thu nhập thấp có lịch sử gánh chịu ô nhiễm công nghiệp của toàn thế giới.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà hầu hết sản phẩm chăm sóc da chống ô nhiễm được sinh ra ở châu Á, nơi các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Delhi thường bị che phủ trong lớp bụi dày đặc. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 70% số ca tử vong do ô nhiễm không khí mỗi năm là ở châu Á-Thái Bình Dương. Đó là một vấn đề ngành chăm sóc da không chú ý. Chẳng hạn, năm 2016, hơn một phần ba sản phẩm chăm sóc da chống ô nhiễm mới được tung ra ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Biển quảng cáo “cách ly” ô nhiễm của Shiseido.

Ảnh: linkedin

Hầu hết các sản phẩm chống ô nhiễm này được tiếp thị hướng tới những người sống ở châu Á, hứa hẹn bảo vệ họ khỏi tác động của ô nhiễm đô thị. Ví dụ, thương hiệu chăm sóc da Hàn Quốc Tony Moly cung cấp một sản phẩm có tên Dust and the City, hứa hẹn là hàng rào vật lý chống lại các chất gây ô nhiễm, khóa lớp trang điểm trong khi che chắn da khỏi các bụi nhỏ trong không khí.

Nhưng việc tiếp thị chăm sóc da chống ô nhiễm cho cư dân thành phố đã bỏ qua hàng triệu cư dân nông thôn vẫn còn đang sống với bếp than, bếp củi, cũng như những người có khuynh hướng hít phải một lượng lớn ô nhiễm không liên quan đến nông nghiệp. Năm 2014, thu nhập bình quân của một hộ gia đình nông thôn Trung Quốc là 10.489 NDT, tương đương 1.693 USD. Trong khi đó, một sản phẩm chăm sóc da phổ biến của công ty 5YINA, hứa hẹn làm dịu da bị tổn thương, có giá 145 USD cho 30ml.

Nhưng nếu việc tiếp thị ở châu Á bỏ qua nhóm bị tổn thương nhất, thì tiếp thị ở châu Âu lại là vấn đề khác. Không giống châu Á, nơi ô nhiễm phổ biến đến mức ít phân biệt giữa các cộng đồng dân cư, thì ở những nước như Mỹ, những khu vực đông dân da trắng sinh sống lạ những nơi có chỉ số tốt nhất, tương ứng với đó là mức thu nhập.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đưa ra năm 2018, các cộng đồng người Mỹ gốc Phi bị phơi nhiễm hạt bụi siêu nhỏ gấp 1,54 lần so với dân sô nói chung, trong khi các cộng đồng da màu nói chung bị phơi nhiễm gấp 1,28 lần. Nhóm sống dưới mức nghèo khổ bị phơi nhiễm gấp 1,35 lần.

Trong bối cảnh đó, các sản phẩm chăm sóc da chống ô nhiễm lại cực kỳ đắt đỏ. Trong số 5 sản phẩm chống ô nhiễm bán chạy hàng đầu của Sephora, rẻ nhất là một tấm mặt nạ dùng một lần có giá 6 USD. Bốn sản phẩm còn lại không cái nào dưới 20 USD. Đắt nhất là kem dưỡng ẩm C.E.O của Sunday Riley giá 65 USD cho 1.7 ounce (gần 50g).

Ảnh minh họa

Ảnh: enfntsterribles

Nhìn chung, những người sống dưới mức nghèo khổ thường tiếp xúc ô nhiễm nhiều hơn người giàu. Một lọ kem dưỡng ẩm 65 USD là quá xa xỉ. Hơn nữa, chăm sóc da chống ô nhiễm được quảng cáo là bảo vệ chống lại tác động ô nhiễm hàng ngày lên thị dân chắc chắn không phải là sự cứu nguy cho ô nhiễm không khí gần các nhà máy điện, bãi rác hoặc đường cao tốc (đây cũng là khu vực tập trung đông dân da màu).

Điều đáng báo động nhất trong tăng cường tiếp thị mỹ phẩm chống ô nhiễm là: sự thúc đẩy vô tội vạ dẫn đến gây nhầm lẫn về cái gọi là “chống ô nhiễm”. Không có ô nhiễm, không bán được hàng. Tức là sản phẩm có thể giảm tác động của ô nhiễm, nhưng công ty có thực sự tham gia chống ô nhiễm hay không thì lại là chuyện khác.

Vì lẽ đó, những công ty như Dow (chính là cái tên nổi tiếng với bê bối chất độc màu da cam) vừa đầu tư nghiên cứu chăm sóc da vừa đồng thời kêu gọi nới lỏng các quy định về môi trường và hóa học lỏng lẻo ở Hoa Kỳ.

Mỹ phẩm chống ô nhiễm là một sự xoa dịu, chứ không phải giải pháp. Chí ít, nó quá đắt để được gọi là giải pháp.

Lục Kiếm

Theo Racked

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/ai-cung-hung-ban-nhung-my-pham-chong-o-nhiem-qua-dat-82003.html