Ai cũng có một hồn quê, nếp nhà

Làm việc tầng 16, nhà ở tầng 10, đi mua sắm trung tâm thương mại cả mấy chục tầng, trong nhịp sống hiện đại, chuyện ăn, ở, làm việc, mua sắm… của nhiều người gắn với những cao ốc hiện đại, chọc trời. Lũy tre, bờ đê, cây đa, giếng nước… dường như chỉ còn là một mảng ký ức xa xa và thi thoảng lại thoáng qua trong nỗi nhớ khi người ta chợt bắt gặp một quán cà phê hoài cổ nào đó trên đường phố; một quầy sách cũ im lìm bên đường, lác đác vài khách ra vô…

Giữa những hiện đại, công nghệ của nhịp sống ở thị thành, mạng xã hội bắt đầu xôn xao chuyện bỏ phố về quê, nuôi gà trồng thêm rau… khiến nhiều người thích thú chia sẻ và bình luận. Nhưng thực tế, về quê cũng không phải dễ khi bản thân chưa có khoản dự phòng đủ lớn. Có lẽ vì đó mà những tour du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn bắt đầu hút khách như một giải pháp để người ta tìm lại chút hương quê, nếp nhà thôn dã.

Những người vốn quen thành thị lại dành hẳn vài ngày cuối tuần với áo bà ba nâu, quần xăn tới gối, lội đìa, tát ao bắt cá, trèo cây hái dừa, lắc lư qua cầu khỉ… rồi tụm lại với bữa cơm miệt vườn, rau dưa, cà nướng, cá chiên… Không khí gia đình cũng chợt thân tình hơn khi ai nấy bỏ công việc sang một bên, chỉ còn cái tình thôn dã của một ngày làm dân quê.

Người ta không còn ngại ngần quần áo, phấn son hay bắt lỗi bắt phải chuyện ăn uống sao cho sang trọng, cầm ly rượu vang sao cho đúng cách. Ai nấy thoải mái khoác áo nâu, quần đen, ăn, uống, đứng, ngồi… tự nhiên, tùy thích. Cũng chính vì lẽ đó, mà những tour miệt vườn luôn có lượng khách ổn định và mức giá cuối tuần nếu có nhỉnh hơn thì khách vẫn vui vẻ trả để đổi lấy phút thảnh thơi nơi thôn dã.

Những quán cà phê xưa thu hút bạn trẻ tìm đến

Những quán cà phê xưa thu hút bạn trẻ tìm đến

Thanh Dũ, kỹ sư, dân thành phố chính hiệu, chia sẻ trong một chuyến về miền Tây chèo thuyền thúng: “Về miền Tây như về nhà mình vậy đó. Quê mình gốc dưới đây, giờ tất cả gia đình lớn bé gom về thành phố ở. Vậy mà, cứ về quê, về với dòng nước quê là như sống lại cả trời ký ức tuổi thơ”.

Trong nhịp sống hiện đại, hối hả, hồn quê, nếp nhà hay những miền ký ức xưa không hẳn là không còn giá trị hay bị bỏ quên sau những ồn ào phố thị, chỉ là nó được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Vì trong sâu thẳm mỗi người ắt hẳn luôn có một miền quê để nhớ.

Nói như thế, người ta sẽ đặt câu hỏi, vậy dân Sài Gòn - TPHCM chính hiệu thì có miền quê nào để nhớ? Câu trả lời chắc chắn là có, vì thị thành cũng có nội ô và ngoại thành, mỗi nơi mỗi vẻ. Và dân gốc sinh ra và lớn lên ở thành phố vẫn thích không khí miệt vườn, bởi cái tình chan hòa, xởi lởi và gần gũi.

Sau lớp áo thị thành hào nhoáng, những cung đường năm - bảy làn xe, những tòa nhà hiện đại, người thành phố vẫn thích điều mộc mạc, xưa cũ và thoáng nét chân quê. Bằng chứng là những quán cà phê xưa vẫn tấp nập khách; những chung cư cũ chứa trong lòng đủ kiểu quán xá, phong cách từ Tây sang mình để chiều lòng các vị khách, nhất là khách trẻ.

Và những món ngon, đặc sản quê nhà cũng có giá hơn khi bước chân lên phố và được người bán tiếp thị qua mạng xã hội, các kênh mua bán online. Miền quê, nếp nhà hay ký ức nào cũng có một giá trị trong đời sống thị thành và mỗi người, mỗi kiểu, mỗi cách để nhớ và tìm về.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ai-cung-co-mot-hon-que-nep-nha-720025.html