Ai cũng biết dùng kem chống nắng là BẮT BUỘC nhưng chọn loại nào, dùng thế nào mới đúng?

Một số loại mỹ phẩm tuy có sẵn SPF nhưng phải cần một lượng lớn mới đủ SPF cần thiết để bảo vệ da. Vì vậy, tốt hơn hết là nên sử dụng thêm kem chống nắng để 'tăng đô' bảo vệ da tốt nhất nhưng không nên trộn lẫn kem vào mỹ phẩm nhé!

Điểm mặt nhớ tên… thuật ngữ kem chống nắng

Trước khi chọn được loại kem phù hợp, chúng ta cần lưu ý 3 thuật ngữ sau trên bao bì:

SPF (Sun Protection Factor): Đây là chỉ số quan trọng nhất, thể hiện khả năng và thời gian sản phẩm bảo vệ làn da chống lại tia UVB.

- SPF 15 chống được 93% tia UVB trong 150 phút.

- SPF 30 chống được 97% tia UVB trong 300 phút.

- SPF 50 chống được 98% tia UVB trong 500 phút.

Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu trong phòng thí nghiệm. Thực tế, bạn cần phải quan tâm đến một thuật ngữ khác: Broad Spectrum (chống nắng phổ rộng).

Broad Spectrum (chống nắng phổ rộng): Tia cực tím chiếu đến da chúng ta có hai loại: UVA (tia cực tím bước sóng dài) và UVB (tia cực tím bước sóng ngắn). UVB chủ yếu gây cháy nắng, có thể thấy được các tác động của chúng trên bề mặt da và thâm nhập vào da ít sâu hơn. Ngược lại, UVA, chiếm 95% tia UV chiếu đến da, lại âm thầm tiến sâu vào bên trong gây lão hóa, nhưng chúng ta không thể cảm nhận được điều đó. Broad Spectrum là chỉ số thể hiện khả năng chống cả 2 loại tia, trong khi SPF chỉ bao hàm tia UVB.

PA (Protection Factor):Tương tự như Broad Spectrum, PA thể hiện khảnăng và thời gian chặn tia UVA của sản.

- PA+: Khả năng chống tia UVA ở mức 40 - 50% trong 2 - 4h.

- PA++: Khả năng chống tia UVA ở mức 60 - 70% trong 4 - 8h.

- PA+++: Khả năng chống tia UVA ở mức 90% trong 8 - 12h.

- PA++++: Khả năng chống tia UVA lên đến hơn 90% trong 12h - 20h.

Như vậy, các bạn trẻ nên chọn kem chống nắng phù hợp với da, có SPF 15+, chống nước và có độ chống nắng phổ rộng.

Dùng kem chống nắng thế nào để bảo toàn làn da qua mùa Hè?

1. Sử dụng hằng ngày

Trong thử nghiệm nổi tiếng Nambour Trial, một nhóm người sử dụng kem chống nắng hằng ngày, nhóm còn lại chỉ sử dụng khi họ muốn. Sau 4 năm rưỡi, nhóm người sử dụng kem chống nắng hằng ngày không có bất kì dấu hiệu lão hóa nào và ít có khả năng lão hóa hơn 24% so với nhóm còn lại. Họ cũng có khả năng bị ung thư da ít hơn 4 lần.

Ngoài ra, hội “trạch nam”, “trạch nữ” cũng không nên xem nhẹ kem chống nắng bởi đa số kính cửa chỉ đủ khả năng chống tia UVB. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử cũng có khả năng làm trầm trọng tình trạng đỏ và khiến da tiết ra các enzym phá vỡ collagenprotein elastin - theo bác sĩ Loretta Ciraldo, bác sĩ da liễu tại Aventura, Florida, chia sẻ với tạp chí Cosmopolitan.

2. Mix-match kem chống nắng và mỹ phẩm đúng điệu

Một số loại mỹ phẩm tuy có sẵn SPF nhưng phải cần một lượng lớn mới đủ SPF cần thiết để bảo vệ da. Vì vậy, tốt hơn hết là nên sử dụng thêm kem chống nắng để “tăng đô” bảo vệ da tốt nhất nhưng không nên trộn lẫn kem vào mỹ phẩm. Hỗn hợp kem - mỹ phẩm sẽ gây ra những lỗ hổng trong lớp chống nắng, khiến các tia UV dễ “luồn lách” hơn vào sâu bên trong da.

Kem chống nắng thường được thiết kế để bao phủ bề mặt da trần, vì vậy không nên sử dụng phía trên lớp mỹ phẩm bám dính trên da như phấn, kem nền, kem lót. Thế nhưng, đa phần kem chống nắng có chứa silicon, có tác dụng làm ổn định lớp trang điểmbên trên. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả, các sản phẩm chăm sóc da nên được phủ lên da trước lớp kem chống nắng. Từ đó, bạn nên apply các sản phẩm lên da theo trình tự: Sản phẩm chăm sóc da - kem chống nắng - lớp trang điểm.

Kem chống nắng hoạt động dưới dạng một lớp màng bao phủ bề mặt da, tuy nhiên rất dễ bị trôi khi dùng chung các sản phẩm có gốc dầu. Để giảm tính trôi, bạn nên dành nhiều hơn 8 phút để kem chống nắng khô lại và bám dính lên da, giúp bảo vệ da tốt hơn. Ngoài ra, cũng nên sử dụng mút trang điểm (beauty blender) để trang điểm, tránh trình trạng bôi quệt cả lớp kem chống nắng lẫn mỹ phẩm.

Thêm một lưu ý nhỏ cho bạnmuốn mix 2 loại kem chống nắng: Cần tránh mix kem có thành phần avobenzone với kem có octinoxate, titanium dioxidezinc oxide vì chúng sẽ ức chế lẫn nhau và làm mất tác dụng. Thay vào đó, hãy sử dụng cùng các loại kem có cùng thành phần trong những lần dặm kem.

3. Mặt bóng dầu vì kem chống nắng? Chuyện nhỏ!

Để giảm tình trạng bóng bẩy mỗi lần sử dụng kem chống nắng, bạn có thể dùng giấy thấm dầu, cho thời gian nghỉ giữa các lớp và sử dụng các sản phẩm trang điểm dạng bột phía trên. Nên nhớ thời gian tốt nhất để bôi kem chống nắng là 20 phút trước khi ra ngoài nắng, bạn nên cân nhắc kĩ thời gian make-up nhé!

4. Dặm kem sao cho đúng?

Kem chống nắng thường mất tác dụng do 3 nguyên do chính: Chúng bị rửa trôi bởi mồ hôi và dầu trên khuôn mặt, lớp kem bị mỏng dần và các phân tử trong kem bị phá vỡ dưới tia UV (đối với các loại kem đời cũ). Tuy nhiên, dặm kem cũng rất “khó nhằn” vì chúng dễ làm hỏng lớp trang điểm. Gợi ý bạn một số tip dặm kem dựa theo mức độ hoạt động trong ngày:

- Hoạt động nhiều: Trang điểm nhẹ + dặm kem lẫn make-up 2 tiếng/ lần + quần áo bảo vệ.

- Hoạt động bình thường: Trang điểm bình thường + kem chống nắng dạng bột hoặc xịt trên cùng trước khi ra ngoài + quần áo bảo vệ.

- Ít hoạt động: Trang điểm bình thường + không cần dặm kem + quần áo bảo vệ.

Jessica

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-cam-nang-teen/ai-cung-biet-dung-kem-chong-nang-la-bat-buoc-nhung-chon-loai-nao-dung-the-nao-moi-dung-1715273.tpo