Ai có thể nói khác? Vang lên từ sâu thẳm

Ca dao xưa, chính là sản phẩm tinh thần của người bình dân. Đặc trưng nổi bật của ca dao (và của cả văn học dân gian nói chung) là truyền miệng. Chính bởi đặc trưng này, nên ca dao thường có những dị bản (bản khác). Tôi cho rằng, những bản khác nhau ấy của ca dao, thường chỉ là một vài từ, nhưng nó cho thấy sự phong phú của ca dao về mặt hình thức, đa dạng về vùng miền trong sự tiếp nhận và sử dụng văn bản.

Đọc Tạp chí Văn số 5.6 2003, thấy có bài viết của tác giả X (xin được bỏ tên thật), “Về cái duyên của một chữ”, chúng tôi xin được có đôi lời trao đổi thêm.

Ở bài viết này (Cái duyên của một chữ), tác giả X đã bình giải so sánh cái hay và cái dở của chữ “Ơi” và chữ “về” trong câu ca dao có dị bản sau đây:

“Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!”

Hoặc một bản khác:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!”

Tác giả X viết: “Mà rõ ràng, theo cảm nhận của mình thì chữ “ơi” kia không hay bằng chữ “về”. Nó có vẻ vô duyên thế nào ấy…Cái chuyện “tóc tơ căn vặn tấc lòng” đáng yêu như thế làm sao có thể nói to lên được nhỉ? Làm sao có thể ở cách xa nhau, gọi nhau mà hỏi, mà bộc lộ tình cảm gắn bó lứa đôi như thế? Cái chữ “ơi” để gọi kia nó làm phá hỏng, phá vỡ cái không khí lưu luyến tiễn đưa, cái giọng điệu nhỏ nhẹ của đôi tình nhân bên nhau cũng chẳng còn”…Rồi tác giả X lại kết luận: “Chỉ cần thay đổi bằng một chữ “về” thôi là ta thấy câu nói hoàn toàn có thể thì thầm nhỏ nhẹ bên nhau. Khi thuyền sắp rời bến về nơi nó xuất phát, bến đã căn vặn thuyền và bộc lộ tình cảm của mình. Lúc đó, bến và thuyền chưa thể xa nhau để phải gọi gần nhau, kề bên nhau, ai gọi nhỉ, dù đó là lời gọi âu yếm nũng nịu cũng khó đồng tình. Cái chữ “về” ấy mới giữ được cái duyên của lời căn vặn bày tỏ”…

Xin được thưa rằng, mọi so sánh đều khập khiễng! Các nhà triết học bảo thế. Và tôi cũng nói thế. Trong trường hợp này, tác giả X đã thực hiện một so sánh còn khập khiễng hơn và thậm chí, còn hơi bị ngô nghê nữa, kiểu như so sánh vẻ đẹp của hoa hậu châu Phi (da đen) với hoa hậu châu Âu (da trắng) vậy!

Các nhà sưu tầm nghiên cứu ca dao chẳng phải họ đã sai lầm khi đã trung thành chép vào tài liệu lưu trữ tới 7 lần chữ “thuyền ơi” trong các câu ca dao khác nhau (những dị bản). Nghĩa là có khoảng 7 câu ca dao có chữ “thuyền ơi” (Thuyền ơi có nhớ bến chăng / Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền), mà hầu như người Việt nào cũng thuộc, mặc dầu nó cũng có vài ba cái dị bản, chỉ riêng với một chữ “về” (Thuyền về có nhớ bến chăng / bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!).Trên thực tế, dân gian đã sử dụng nó (chữ “ơi”) như một chữ hay nhất trong các chữ có thể đặt vào chỗ ấy:

“Thuyền ơi có nhớ bến chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!”

Chúng ta đều biết, ca dao thường sử dụng những cặp hình ảnh đối lập, như một sự đối lập của các cặp phạm trù, diễn đạt một cách tinh tế những trạng thái tâm lý, những cấp độ và sắc màu tình cảm vô cùng cùng phong phú và tế nhị của người bình dân. Phổ biến hơn cả là các cặp hình ảnh Nước-Non, Thuyền-Bến…Cũng như “Nước”, “Thuyền” trong câu ca dao trên là một hình ảnh “động”. Nước chảy, thuyền trôi…và đó là bản chất của chúng. Những hình ảnh này trong ca dao thường được dùng làm hình ảnh ẩn dụ, chỉ người con trai với bản tính “động”, thích di chuyển, thích nay đây mai đó. Tóm lại nghĩa là tính không ổn định. Nhưng “Bến” (cũng như “Non”) trong ca dao thì ngược lại. Đó là những hình ảnh “tĩnh”, được dùng làm hình ảnh ẩn dụ chỉ người phụ nữ với bản tính ưa sự ổn định, phẩm chất thủy chung, kiên định trong tình yêu, nhưng lại luôn ở thế bị động trong cái thứ tình cảm vô hình vô ảnh mà rất nhiều ma lực này!

Vậy nên câu ca dao:

“Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!”

Ngoài nghĩa cụ thể, nghĩa hiển minh, tường minh, hay còn gọi là nghĩa “đen”, còn, và chủ yếu còn là nghĩa hàm ẩn, nghĩa “bóng”. Theo nét nghĩa này, ta như thấy có hai nhân vật trữ tình thấp thoáng, như một cặp tình nhân, có thể đã thành vợ thành chồng, rồi vì một lý do nào đó phải xa nhau. Hoặc như cũng có thể là một mối tình mới ở dạng “cam kết”, thề nguyền…Nhưng có điều chắc chắn là họ cũng đã từng gắn bó tình cảm sâu sắc trong cuộc sống, trong tình yêu lứa đôi. Bây giờ là trong hoàn cảnh xa cách. Một người ra đi vì trăm ngàn lý do kia, chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ người con trai, nhân vật trữ tình được nói ở bài ca dao này. Thuyền ra đi, có thể cũng sẽ ghé vào một bến bờ xa lạ, rồi cũng có thể quên đi bến cũ…Anh như con thuyền đi mãi, đến nơi này nơi khác, ghé qua bến này bến khác, mải vui với phồn hoa đô hội, và do vậy cũng có thể dần dà quên đi người con gái ở quê nhà đã từng hẹn non thề biển, đang đợi anh, ngóng trông anh từng ngày trong nhớ thương đằng đẵng…

“Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!”...

Đây là tiếng gọi thiết tha của “Bến” với “Thuyền”, nghe da diết làm sao, khắc khoải làm sao! Đồng thời, sau câu hỏi dường như đơn phương ấy, chính là ý chí quyết liệt của “Bến” trong cuộc tình có vẻ mong manh vì những trở ngại của không gian mênh mông, của thời gian đằng đẵng. Thuyền ra đi, có thể ghé vào bến mới, có thể cắm sào nơi bến mới, có thể nguôi quên bến cũ, có thể…Cho nên, tiếng gọi “Thuyền ơi có nhớ bến chăng?” cứ vang lên từ sâu thẳm nơi trái tim của bến, nghe thiết tha tê tái làm sao! Chữ “ơi” là một chữ cảm thán, nghe nhẹ tênh, nhưng lại có sức chứa nội hàm ghê gớm. Có trách móc nhẹ nhàng, có nhớ thương sâu thẳm, có hờn giận chênh chao và có cả đau đớn xót xa nữa. Một dòng ca dao chỉ có sáu chữ thôi (Thuyền ơi có nhớ bến chăng?), nhưng mỗi chữ đều có vị trí và nhiệm vụ riêng, được tung vào không gian mênh mông, vào một nơi xa xôi nào đó ở phía vô tận vô cùng, như một câu hỏi chưa có hoặc không bao giờ có câu trả lời, nghe da diết xót xa lắm. Dòng ca dao thứ hai (Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền), lại hàm nghĩa khác, dường như mạnh mẽ hơn, khẳng định ý chí quyết liệt, nhất mực thủy chung đợi chờ của “Bến”, của người ở lại…

Hoàn toàn không phải là một cuộc chia tay trực tiếp. Câu ca dao trên đây chính là tiếng lòng, là tâm trạng đau đáu nhớ thương của người phụ nữ trong hoàn cảnh xa cách người mình yêu dấu, vang lên từ sâu thẳm trái tim mình. Người đọc, người nghe thấy hiện lên sừng sững một vọng phu kiên trinh, một phẩm chất người phụ nữ ngày xưa thật đáng trân trọng. Không có tiếng trả lời. Nhưng chắc rằng từ một nơi xa xôi nào đó ở cuối chân trời, thuyền vẫn còn nhớ về bến và nhất định sẽ trở về, chứ còn sao nữa ?

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ai-co-the-noi-khac-vang-len-tu-sau-tham-76370