Ai có thể giúp tháo gỡ ngòi nổ xung đột Israel-Palestine?

Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên từng ngày với các đợt nã pháo 'ăn miếng trả miếng' không khoan nhượng giữa Israel và phong trào Hamas. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp 'dập lửa', tránh nguy cơ xung đột Palestine-Israel bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Giao tranh giữa Hamas và Israel tiếp tục bước sang ngày thứ 8, gây thiệt hại nặng nề về vật chất và con người. Quân đội Israel ngày 17/5 đã bất ngờ không kích vào một tòa tháp ở khu vực lân cận Al-Rimal, một trung tâm y tế ở thành phố Beit Lahia ở Gaza. Vụ tấn công khiến ít nhất 3 người Palestine thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tổ chức tham vấn an ninh và kiên quyết từ chối hòa giải quốc tế. Ông Netanyahu nhấn mạnh rằng chiến dịch ở Gaza vẫn tiếp tục với toàn lực nhằm răn đe và ngăn chặn một cuộc xung đột trong tương lai với Hamas.

Người dân Palestine kiểm tra những ngôi nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích trong đêm của Israel ở thị trấn Beit Hanoun, phía Bắc Dải Gaza ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Người dân Palestine kiểm tra những ngôi nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích trong đêm của Israel ở thị trấn Beit Hanoun, phía Bắc Dải Gaza ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Đáp trả các cuộc không kích, Lữ đoàn Al-Qassam ở Gaza cảnh báo sẽ tiếp tục bắn tên lửa vào Tel Aviv nếu Israel không ngừng nhắm vào các tòa nhà dân cư. Trước đó, một loạt tên lửa đã được phóng từ Gaza về phía Israel. Cùng ngày, chính quyền Palestine đề nghị UNESCO mở cuộc điều tra về hành động của Israel nhắm vào các cơ quan truyền thông ở Gaza.

Cuộc xung đột kéo dài liên tục trong 8 ngày qua đã khiến hơn 218 người Palestine thiệt mạng trong đó có 58 trẻ em và 34 phụ nữ, hơn 5.600 người bị thương. 11 người Israel đã thiệt mạng trong đó có 2 trẻ em. Đây được coi là cuộc chiến đẫm máu nhất giữa Israel và các phong trào vũ trang ở Gaza kể từ năm 2014 tới nay. Nhiều thành viên, thủ lĩnh của các phong trào vũ trang ở Gaza bị tiêu diệt. Nhiều cơ sở hạ tầng, văn phòng của Hamas bị phá hủy. Cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo hay Liên đoàn Arab có thể hòa giải?

Nếu theo dõi tình hình khu vực Trung Đông, có thể thấy cuộc xung đột ở Gaza lần này là ác liệt nhất kể từ năm 2014 tới nay. Đáng chú ý, khác với các lần xung đột trước đây hay các vấn đề nóng khác của khu vực, trong cuộc xung đột Israel-Palestine lần này, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo hay Liên đoàn Arab đã sớm họp khẩn cấp và ra tuyên bố khẳng định lập trường quan điểm rõ ràng.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã lên án các cuộc tấn công của Israel và cho rằng đây là hành động là vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức khu vực và quốc tế có hành động hiệu quả nhằm gây áp lực lên Israel để ngăn chặn các vi phạm ở Jerusalem và các cuộc tấn công vào người dân Palestine.

Trước đó, Liên đoàn Arab cũng họp khẩn cấp ngoại trưởng và lên án mạnh mẽ hành động của Israel đồng thời cảnh báo rằng những cuộc tấn công này là một sự khiêu khích, có nguy cơ châm ngòi cho các hành động bạo lực đe dọa an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Tuyên bố của Liên đoàn Arab kêu gọi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế can thiệp để chấm dứt ngay lập tức các cuộc xung đột này, cũng như yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế tiến hành một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh.

Liên minh châu Phi, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng lên án mạnh mẽ việc Israel ném bom Dải Gaza và cho rằng những gì quân đội Israel đang làm chống lại người Palestine ở Đông Jerusalem là vi phạm luật pháp quốc tế.

Vai trò trung gian của Mỹ và Ai Cập

Trong nhiều năm qua, vai trò của Liên đoàn Arab gần như rất yếu hoặc mờ nhạt trong việc giải quyết các vấn đề lớn của khu vực. Trước hết, ngay trong nội bộ các nước thuộc Liên đoàn Arab cũng không mấy gắn kết trong giải quyết các vấn đề chung. Có thể các nhà lãnh đạo Arab hiện nay không còn coi trọng vai trò gắn kết của Liên đoàn hay sức mạnh của Liên đoàn trong việc hỗ trợ và can thiệp để giải quyết các vấn đề nội khối.

Thứ hai, các nước Arab thời gian qua đã chủ động đơn phương hành động theo các chiến lược hoặc chính sách riêng trên cớ sở lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Thứ ba, ngân sách cho hoạt động của Liên đoàn là do sự đóng góp của các khối mà trong đó chủ yếu là các nước giàu có ở vùng Vịnh. Nhưng ngay trong nội khối vùng Vịnh cũng có những bất đồng như giữa Arab Saudi, UAE với Qatar…

Chính vì vậy, các tuyên bố của Liên đoàn Arab đưa ra mới dừng ở mức ra tuyên bố mà chưa có những hành động cụ thể hoặc biện pháp mạnh như răn đe... Ngay cả chính quyền Palestine vừa qua cũng cho rằng các nước Arab vẫn chưa hành động mạnh mẽ để gây sức ép với Israel hay can thiệp ngừng cuộc chiến vào Gaza hiện nay.

Trong cuộc xung đột Israel và các phong trào vũ trang Palestine ở Gaza, Mỹ và Ai Cập thường đóng vai trò tích cực và hiệu quả để giải quyết vấn đề. Trung gian Ai Cập đã nhiều lần thành công trong việc dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel do có tầm ảnh hưởng và quan hệ tốt với cả hai bên.

Mỹ cũng góp phần đáng kể giúp giải quyết xung đột. Nhưng khi cuộc chiến leo thang, phía Mỹ ủng hộ quyền tự vệ của Israel và kêu gọi các bên kiềm chế mà chưa có tuyên bố nào gây sức ép với cả hai bên.

Những tín hiệu tích cực mới nhất về một lệnh ngừng bắn vừa được đề cập. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực ngay lập tức và sẵn sàng hỗ trợ nếu hai bên tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Một phái đoàn quan chức Ai Cập cũng đã tới Gaza từ gần một tuần nay và đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn.

Ngòi nổ Gaza chỉ được tháo khi Ai Cập và Mỹ trao đổi với các bên liên quan và đáp ứng các điều kiện cơ bản của hai phía. Israel yêu cầu các cuộc bắn tên lửa từ Gaza phải chấm dứt, đổi lại Hamas cũng yêu cầu Israel không ngăn cản người Palestine cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa…

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm này cũng rất khó khi mà các bên đã có những hành động vượt quá tầm kiểm soát. Israel tấn công phá hủy nhiều tòa nhà ở Gaza, tiêu diệt nhiều thành viên cấp cao của Hamas và phong trào kháng chiến Hồi giáo Jihad. Các phong trào này cũng bắn hơn 3.000 quả rocket vào Israel. Trước đó, Mỹ đã đồng ý cung cấp vũ khí và đạn dược chính xác cao cho Israel trị giá 735 triệu USD bất chấp sự leo thang của xung đột ở Trung Đông./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ai-co-the-giup-thao-go-ngoi-no-xung-dot-israel-palestine-858632.vov