Ai có quyền xử phạt người đại tiện, tiểu bậy trong thang máy chung cư?

Khạc nhổ, hút thuốc lá, đại tiểu tiện trong thang máy, bán hàng, đun bếp than tổ ong ở hành lang…những hiện tượng này đã và đang diễn ra tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội. Sự thiếu ý thức của một số cá nhân sống tại những tòa nhà cao tầng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân tại khu vực mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Biến thang máy thành…nhà vệ sinh

Chiều 25/6, cư dân sinh sống tại tòa nhà Capital Garden, quận Đống Đa, Hà Nội vô cùng bức xúc khi phát hiện trong thang máy có chất thải đại tiện. Ngay sau đó BQL lâm thời của tòa nhà đã xác định “thủ phạm” là một bé trai khoảng 8 tuổi sống trong tòa nhà, do đau bụng, bố mẹ lại vắng nhà nên đã đại tiện ra thang máy P2.

Đêm 22/6 tại thang máy PL06 thuộc tòa nhà CT2B, đơn nguyên 2 của chung cư Gelexia Riverside 885 Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra sự việc tương tự. Người dân chung cư khi đi thang máy phát hiện bãi nước màu vàng có mùi khai trên sàn thang máy nên đã báo cho BQL tòa nhà.

Kiểm tra camera an ninh, đơn vị quản lý tòa nhà phát hiện hai khách nữ đến một căn hộ tại tầng 27 của tòa nhà này chơi. Trong quá trình đi thang máy, một phụ nữ đã dùng mũ bảo hiểm che camera an ninh cho người còn lại tiểu tiện xuống sàn thang máy.

Vũng nước tiểu bị phát hiện trong thang máy chung cư Gelexia Riverside

Vũng nước tiểu bị phát hiện trong thang máy chung cư Gelexia Riverside

Sau đó, BQL tòa nhà đã mời chủ căn hộ có hai khách nữ đến chơi để làm rõ sự việc. Chủ hộ đã nhận trách nhiệm và chấp nhận nộp phạt 2 triệu đồng, mức phạt cao nhất theo quy chế quản lý tạm thời của khu chung cư này.

Trước đó, tài khoản mạng xã hội của cư dân ở một chung cư thuộc KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng đăng tải thông tin về việc có cư dân đã đi đại tiện ra cầu thang bộ tầng 26 của tòa nhà.

Không chỉ đi vệ sinh ra thang máy, thang bộ, một số cá nhân sống tại chung cư còn coi tầng dưới như nhà rác, thường xuyên ném túm nilon, bỉm, rác, thậm chí cả bao cao su từ cửa sổ, ban công xuống dưới. Có gia đình còn chiếm dụng hành lang, sân chơi chung làm của riêng chứa đồ, bán hàng, để xe….

Ngoài ra, mặc dù thang máy trong giờ cao điểm tại các chung cư luôn đông nghịt người nhưng một số phụ huynh vẫn cho con vào thang máy để ăn uống rồi bấm lên xuống liên tục. Có người còn khạc nhổ, hút thuốc lá trong thang máy, thường xuyên cãi vã ầm ĩ gây ảnh hưởng tới hàng xóm.

Một số hộ dân còn “hồn nhiên” hóa vàng mã, dùng bếp than tổ ong nấu nướng, nuôi chó thả rông ngay tại cầu thang chung làm ảnh hưởng không gian chung, gây ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy đã có không ít vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng tại các chung cư xuất phát từ sự thiếu ý thức của cư dân.

Ai có quyền xử phạt?

Mặc dù các khu chung cư đều có nội quy riêng, song trong nhiều trường hợp, việc Ban Quản lý (BQL), Ban Quản trị (BQT) tòa nhà đứng ra xử phạt đối tượng vi phạm không đúng quy định của pháp luật. Bởi, chỉ cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. BQT, BQL các tòa nhà không có quyền phạt hay áp dụng chế tài để cưỡng chế cá nhân gây ra những hành vi này – Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Thông thường, căn cứ, tiêu chí để BQT, BQL các chung cư áp dụng để xử lý hành vi vi phạm chính là “Quy chế vận hành, sử dụng nhà chung cư” do cư dân biểu quyết thông qua tại hội nghị nhà chung cư.

Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp xử lý các hành vi có thể gây hại cho cộng đồng thường chỉ là là nhắc nhở trực tiếp với người vi phạm, nặng hơn là đăng tải trên trang cộng đồng để cư dân biết, in thông báo, chứng cứ dán ở bảng tin các tòa nhà.

Để cảnh cáo cá nhân vi phạm, một số chung cư đã tiến hành cắt điện, nước từ chối không giữ xe đối với các hộ, cá nhân không chấp hành quy định của chung cư. Song những biện pháp này dễ dẫn phát sinh khiếu kiện do BQL, BQT không có quyền tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền được bảo đảm trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa bên bán và bên mua.

Cũng theo Luật sư Lê Hông Vân, tại mỗi tòa nhà cao tầng có tới hàng trăm, nghìn hộ dân với nhiều trình độ văn hóa khác nhau cùng sinh sống. Điều này nảy sinh nhiều phức tạp, trong đó nổi cộm là vấn đề sử dụng không gian chung, giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh chung cư.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại nội quy quản lý các tòa nhà chung cư vẫn chưa có sự thống nhất, thường phụ thuộc vào chủ đầu tư hoặc sự vận hành của ban quản lý tòa nhà chung cư. Không ít chung cư dù đã được đưa vào sử dụng một thời gian dài nhưng vẫn chưa có được nội quy hoàn chỉnh.

“Để đảm bảo an toàn cho cư dân, nâng cao chất lượng sống tại các chung cư, cơ quan chức năng cần có thêm biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh các hành vi gây mất an toàn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các BQT, BQL các toàn nhà trong việc giám sát, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm ở chung cư” – Luật sư Hồng Vân đề xuất.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ai-co-quyen-xu-phat-nguoi-dai-tien-tieu-bay-trong-thang-may-chung-cu/815704.antd