Ai chịu trách nhiệm, trả nợ cho đại dự án thua lỗ?

Ngày 22/10, báo cáo trả lời chất vấn cử tri về xử lý các đại dự án thua lỗ, Bộ Công thương khẳng định không bao che, dung túng.

Ai chịu trách nhiệm và trả nợ cho đại dự án thua lỗ?

Liên quan tới khoản lỗ lớn của Nhà máy sơ sợi Đình Vũ lỗ khoảng 2.343 tỷ và Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ khoảng 2.700 tỷ, cử tri Cà Mau yêu cầu Bộ Công thương làm rõ ai sẽ phải trả khoản nợ trên và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ và khoản vay này?

Ai là người chịu trách nhiệm và trả nợ cho các dự án thua lỗ?. Ảnh: VTV

Cử tri Cà Mau cũng yêu cầu Bộ Công thương làm rõ tính khả thi cũng như khả năng phục hồi của 4 dự án khác đang xin tiếp tục đầu tư? Trong trường hợp đầu tư tiếp mà không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời chất vấn của cử tri, Bộ Công thương cho biết, với khoản lỗ và khoản nợ phải trả của Dự án nhà máy đạm Ninh Bình do rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Những nguyên nhân chính được chỉ ra như lỗ theo kế hoạch; tiến độ bị kéo dài.

Ở nguyên nhân này, Bộ Công thương cho biết, chủ đầu tư và Nhà thầu đã đàm phán 15 lần nhưng chưa phân rõ trách nhiệm của các bên trong việc chậm tiến độ. Việc xử lý sẽ thực hiện theo quy định tại Hợp đồng EPC đã ký kết hoặc phân xử của Tòa án trong trường hợp hai Bên không thể thống nhất.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do biến động thị trường nguyên liệu; những năm đầu hoạt động nên sản xuất chưa ổn định; nghĩa vụ tài chính cao; chính sách thuế bất lợi...

Trong đó có nguyên nhân một phần do năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu, của chủ đầu tư và Nhà thầu Tư vấn quản lý dự án hạn chế.

"Đặc điểm của dây chuyền sản xuất là hệ thống khép kín, chạy liên tục, bất cứ một thiết bị, công đoạn nào sự cố là ảnh hưởng đến toàn hệ thống, trong khi đó, hệ thống khí hóa than là công đoạn rất quan trọng nhưng quá trình chạy thử kéo dài mới đạt được công suất thiết kế; một số thiết bị nguồn gốc Trung Quốc chưa đảm bảo độ tin cậy nên việc khâu nối giữa các nhóm thiết bị, công đoạn chưa tốt, làm giảm tính đồng bộ của toàn hệ thống dẫn đến khó khăn cho việc điều chỉnh, lựa chọn điều kiện công nghệ tối ưu, giảm tính ổn định, hiệu quả toàn hệ thống sản xuất", Bộ Công thương giải thích.

Bộ Công thương cho rằng, để xảy ra tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của dự án do các yếu tố chủ quan là trách nhiệm trực tiếp của Chủ đầu tư và Nhà thầu EPC, trong đó, Chủ đầu tư có trách nhiệm xử phạt những lỗi do Nhà thầu theo Hợp đồng EPC đã ký.

Cụ thể, chủ đầu tư có trách nhiệm trong việc dự báo thị trường phân bón không sát; không cập nhật dự báo theo diễn biến thị trường từ giai đoạn phê duyệt chủ trương đến quyết định đầu tư; trách nhiệm trong công tác quản lý dự án về chất lượng, tiến độ; kiểm soát nhà thầu... Chủ đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, xem xét các lỗi do chủ quan của mình để có hướng xử lý tiếp theo.

Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cơ cấu lại tổ chức, tiết giảm mọi chi phí để giảm giá thành sản xuất, đồng thời đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường phân bón (thuế GTGT, chính sách nhập khẩu…) tạo điều kiện cho sản xuất từng bước thoát lỗ.

Theo Bộ Công thương, do chi phí biến đổi hiện lớn hơn giá phân bón thị trường, tiêu thụ ure chậm do chưa vào vụ nên hiện tại, Công ty Đạm Ninh Bình đang ngừng sản xuất theo kế hoạch, dự kiến sang đầu năm 2017 sẽ tiếp tục sản xuất.

Xác định trách nhiệm của mình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý trong đó có giải pháp kiểm soát tài chính đặc biệt với Công ty Đạm Ninh Bình, nếu tiếp tục thua lỗ, Tập đoàn sẽ phải xây dựng phương án thực hiện bán nợ xấu hoặc phá sản theo quy định pháp luật.

Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO), Bộ Công thương cho hay, Dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, tuy nhiên do thời gian kéo dài, khả năng dự án đến thời điểm hiện nay không còn hiệu quả là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, với chức năng quản lý ngành, Bộ Công Thương đang rà soát tổng thể của dự án trong đó bao gồm tính hiệu quả kinh tế của dự án đến thời điểm hiện tại, từ đó đưa ra các phương án giải quyết cho dự án, đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan nếu dự án xảy ra thua lỗ hoặc có dấu hiệu vi phạm trong đầu tư.

Với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Bộ Công Thương đã thống nhất với đề xuất của PVN thực hiện theo phương án hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất. Trường hợp phương án này không thể thực hiện được, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bán Nhà máy; phương án cuối cùng là thực hiện phá sản theo quy định.

Với Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, PVN đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa điều kiện vận hành, lựa chọn thời điểm thích hợp để vận hành lại Nhà máy; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng, bảo quản máy móc để giảm thiểu việc xuống cấp do dừng lâu ngày. Trường hợp phương án này vẫn không hiệu quả, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án phá sản theo quy định.

Ở phần trả lời này, Bộ Công thương chưa đề cập tới người phải chịu trách nhiệm trả khoản lỗ hàng nghìn tỷ do hai đại dự án gây ra.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ai-chiu-trach-nhiem-tra-no-cho-dai-du-an-thua-lo-3367752/