Ai chịu trách nhiệm cho 'sơ hở' dẫn đến gian lận thi cử?

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã nhấn mạnh: 'Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục'.

“Với kỳ thi hai trong một xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. Ví dụ, năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là những điểm đen mà không nên có trong lĩnh vực nêu trên. Tôi chuyển toàn bộ băn khoăn của cử tri đến Chính phủ, Quốc hội và đề nghị chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới” - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Cũng quan tâm đến hai vấn đề dân sinh rất lớn là y tế và giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, trong báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 có nhắc đến những hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ. Sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT, vấn đề sách giáo khoa, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, an ninh bệnh viện một số nơi còn chưa bảo đảm v.v... gây ra bức xúc trong dư luận.

“Những thiếu sót này đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước đây và lần này một số vấn đề cá biệt trở lên nóng hơn trong 9 tháng vừa qua, như một loạt gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chính phủ đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới. Theo tôi những giải pháp này còn chưa có tính đột phá vì gần giống các giải pháp đã nêu kỳ họp trước. Cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn nêu.

Dẫn báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung thi THPT năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi: “Vậy ai chịu trách nhiệm cho sơ hở này? Hay lại là lỗi khách quan, lỗi do quy trình?”

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, chỉ rõ bộ phận hay cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả cũng như lấy lòng tin của nhân dân.

“Thực tế, khi tìm ra người chịu trách nhiệm chính của sai phạm, xử lý nghiêm thì sai phạm đó mới không tái phạm trong lĩnh vực đó, địa phương đó cũng như trên phạm vi cả nước. Các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh được chúng ta nhắc lại nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chưa giải quyết những thiếu sót hạn chế đã và đang tồn tại trong hệ thống y tế, giáo dục” – ông Hiếu phân tích và mong thời gian tới, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến 2 ngành an sinh xã hội quan trọng này.

“Trong báo cáo Chính phủ đã khẳng định, chúng ta đã thành công đang ghi nhận trong phát triển kinh tế khi người dân căn bản có cơm ăn, áo mặc thì người dân quan tâm nhất chính là bảo đảm sức khỏe của mình, người thân và chăm lo học tập cho con em. Tôi mong Chính phủ tăng cường đầu tư và theo dõi giám sát, nâng cao chất lượng 2 ngành này để số ngoại tệ khổng lồ chạy ra nước ngoài phục vụ chữa bệnh và du học ngày càng giảm theo thời gian”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.

“Theo tôi, nếu con số này được công bố chính xác sẽ nhiều đại biểu Quốc hội ngạc nhiên. Chính phủ thống kê hàng năm con số này lấy làm chỉ tiêu định hướng cho phát triển bền vững” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/ai-chiu-trach-nhiem-cho-so-ho-dan-den-gian-lan-thi-cu-617817/