'Ai chết giơ tay' Bản điện ảnh : Vượt qua cái bóng 'linh dị' của Hongkong, tinh tế trong từng chi tiết

Nhiều khi tôi hay nói đùa khi xem tác phẩm của Huỳnh Lập rằng :'Chắc anh chàng này phải có đầu to bằng cái bồ', nếu không thì chẳng thể cho ra đời những tác phẩm tinh tế thế được. Với 'Pháp sư mù', tôi lại càng muốn khẳng định rằng suy nghĩ của mình là đúng.

Bản điện ảnh của bộ phim web-drama Ai chết giơ tay - Pháp sư mù đã chính thức ra rạp vào ngày 6/11. Sau khi nhận được rất nhiều sự chú ý từ web-drama, bản điện ảnh đã nhận không ít áp lực khi nhiều người kỳ vọng vào một "Tinh Lâm hậu truyện" kịch tính, hồi hộp, kinh dị và ma quái.

Và quả thật khi vừa ra rạp, "Pháp sư mù" đã nhận đủ những ý kiến trái chiều từ khen cho đến chê của khán giả. Có những người thất vọng vì nó không đủ kinh dị, có những người cảm nhận được sự sâu sắc của bộ phim. Có những người mong chờ "Pháp sư mù" giống như "Ai chết giơ tay phần 2" và rồi thất vọng khi nó không như mình mong muốn. Thế nhưng web-drama là chuyện của web-drama. Còn phim điện ảnh "linh dị" nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

"Pháp sư mù" không phải là phim kinh dị

Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định, chắc chắn "Pháp sư mù" không phải là một bộ phim kinh dị. Như ngay từ đầu bản thân Huỳnh Lập có nói, đây là bộ phim "linh dị", tức là "tâm linh" xen lẫn những điều "li kỳ", "kỳ dị". Nó không phải tác phẩm để thỏa mãn những con người thích những điều ghê rợn, những màn hù dọa đau tim.

Chắc hẳn nhiều người đã vô cùng bỡ ngỡ khi nghe về thể loại phim này. Thậm chí có người còn cho rằng Huỳnh Lập "bịa" ra thể loại "linh dị" để "hợp thức hóa" bộ phim nói về tâm linh của mình. Nhưng không, những ai là fan của phim HongKong, điển hình như tôi hẳn đều đã xem qua "Âm dương lộ", loạt phim về Cương Thi của huyền thoại Lâm Chánh Anh, hoặc quen thuộc nhất là "pháp sư bắt ma" của Châu Tinh Trì, hay thâm chí loạt phim Liêu trai chí dị. Đấy đều là thể loại linh dị cả.

Thể loại Linh dị thường thể hiện sự liên quan giữa con người và thế giới tâm linh, nhân quả báo ứng hơn là những màn hù dọa.

Thể loại Linh dị thường thể hiện sự liên quan giữa con người và thế giới tâm linh, nhân quả báo ứng hơn là những màn hù dọa.

Trong "linh dị", "kinh dị" chỉ chiếm một phần rất nhỏ mà thôi. Thứ tạo nên dòng phim này chính là mối quan hệ giữa con người và thế giới tâm linh qua những câu chuyện li kỳ đậm chất "liêu trai", phảng phất đâu đó chút truyền thuyết dân gian. Và nếu xét theo yếu tố đó, "Pháp sư mù" đã đạt đủ mọi tiêu chí của một bộ phim "linh dị" thực sự. Người xem không thể đòi hỏi những thứ quá ghê rợn trong một bộ phim thể loại này, vì đấy không phải bản chất của nó.

Kịch bản đậm chất tâm linh, câu thoại lại vô cùng..."Huỳnh Lập"

Tôi nghe không ít lời khen chê của mọi người khi bước ra khỏi rạp phim. Có người chẳng hiểu phim đang nói về gì, có người cảm thấy kịch bản quá rời rạc, nhiều chi tiết "hài không cần thiết". Nhưng đối với tôi, đây là một kịch bản vô cùng thông minh, thể hiện đẳng cấp "đầu to bằng cái bồ" của Huỳnh Lập.

Không một giây nào trong phim tôi cho rằng nó là thừa thãi. Từ những phong tục tập quán về tổ tiên, ông bà, nghi lễ cúng bái, quan niệm về "hữu duyên...vô duyên" và cả những truyền thuyết được người xưa truyền miệng, cho đến cách mà Huỳnh Lập biến tấu nó đi đều vô cùng tinh tế. Có thể nói "linh dị" Việt vừa nổ phát súng đầu tiên đã tìm được ra con đường cho riêng mình, con đường mà những người đam mê tâm linh một chút, tìm hiểu kỹ dòng phim linh dị một chút đều bị thuyết phục. Bởi lẽ nó thực sự chỉnh chu và mang màu sắc tâm linh thuần Việt.

Kịch bản có phần dễ hiểu, thế nhưng như tôi nói từ ban đầu, "Pháp sư mù" là thể loại phim linh dị chứ không phải "trinh thám" mà cần những cú twist hay "kinh dị" mà cần những điều quá kịch tính. Một kịch bản "dễ hiểu" sẽ là thứ mà các bộ phim "linh dị" cần để điều hòa nhịp đô phim vì bản thân "linh dị" nó đã vô cùng kỳ bí. Nếu khán giả phải vừa suy nghĩ xem phim sẽ có cú twist thế nào, kết thúc ra sao vừa phải nghĩ xem vì sao diễn viên lại rải muối, lá bùa kia có tác dụng gì, đây là nghi thức, nghi lễ gì thì tâm trí đâu để thưởng thức những cái "nhỏ nhặt" được lồng ghép ?

Có những chi tiết tôi vô cùng ấn tượng như khi Huỳnh Lập khéo léo đưa những điều vô cùng "đời" và phản ánh hiện thực vào trong phim. Quả thật, Lập hơi "tham vọng" khi đưa bao nhiêu điều nhức nhối về "tâm linh thời hiện đại" vào phim như việc cúng bái vô tội vạ, phóng sinh để cả bao ni lông, quá sùng bái sự mê tín "phi tâm linh". Kể cả các chi tiết về tình cảm gia đình, tình yêu được Huỳnh Lập đưa vào kịch bản của mình cũng tạo nên ý nghĩa đặc biêt. Đấy cũng chính là những gì "linh dị" thường hướng tới, một sự nhân văn sâu sắc đằng sau các câu chuyện li kỳ về thế giới tâm linh.

Ngay những đoạn thoại hài hước, rất "đời", đời từ câu chữ cho đến tình tiết phim cũng làm tôi nể phục. Ai nói "thoại phim" không được "điện ảnh" thì tôi không đồng ý. Chẳng có một quy chuẩn nào về việc "thoại" sao cho điện ảnh cả. Huỳnh Lập đã để lại trong "Pháp sư mù" rất nhiều câu thoại đậm chất tâm linh như :"Hỡi những thiện hồn thiện vong, nghe lời ta thỉnh mau mau đáo tràng" và anh chàng này cũng để lại luôn chất "đời", chất hài của riêng mình trong phim, đấy mới là cái tạo nên thương hiệu của Huỳnh Lập.

Huỳnh Lập từng bật mí anh bị ảnh hưởng không ít bởi sự nghiệp diễn xuất của Châu Tinh Trì, nhưng có lẽ với "Pháp sư mù", Huỳnh Lập đã thoát hoàn toàn đươc cái bóng của vua hài và tạo nên cho bản thân mình một con đường diễn xuất rất riêng.

Vì sao các diễn viên thực lực đều có lúc diễn rất "kịch" ?

Tôi theo dõi NSND Ngọc Giàu, Việt Hương, Đại Nghĩa, Huỳnh Lập, Quang Trung, Hạnh Thảo,... không ít qua các bộ phim, các chương trình kịch sân khấu, tôi có thể khẳng định nếu muốn họ "diễn như không diễn", "thật như ngoài đời" không phải quá khả năng. Dàn diễn viên thực lực của "Pháp sư mù" đủ tầm để làm được điều đó. Thế vì sao "Pháp sư mù" vẫn mang chút hương vị của "kịch" dù có những đoạn rất "đời".

Dù dư sức diễn "thật như đời" ở mọi hoàn cảnh, thế nhưng "cường điệu" cũng là một phần trong bản chất của "linh dị".

Điều này thì lại phải bàn về bản chất của "linh dị" pha chút hài hước, đó chính là sự "cường điệu" trong diễn xuất, một sự sắp đặt có chủ ý chứ không phải do thực lực diễn viên hay do sự "non tay" trong việc viết lời thoại. "Chuyên gia bắt ma" của Châu Tinh Trì cũng rất kịch, trong khi anh ta hoàn toàn có khả năng diễn vô cùng tự nhiên. Một kịch bản đậm màu kỳ bí thì tất nhiên phải có những câu thoại "kịch". Cứ thử tự mình nói ra câu "Hỡi những thiện hồn thiện vong,...", đố ai lại nói được câu thoại ấy một cách "đời". Sự "cường điệu" xen lẫn "đời thường" là bản chất của "linh dị", cũng là linh hồn của thể loại phim này, mà nếu không như thế, sẽ không ra được đúng cái chất linh dị.

Tôi đã không rời mắt một giây nào của bộ phim, kể cả phần After Credit vì tôi tin rằng, với cá tính của Huỳnh Lập, anh ta sẽ không để bất cứ giây nào trong phim của mình trôi qua một cách vô nghĩa. Để trông chờ "Pháp sư mù" là một bộ kinh dị khiến người ta hồi hộp hay một bộ phim hành động kịch tính, một bộ phim có cái kết bất ngờ thì không phải.

Đối với cá nhân tôi, tôi cho rằng "Pháp sư mù" là một "bản hòa nhạc" hội tụ đủ mọi yếu tố cần có của dòng phim linh dị, nhưng lại được biến tấu đậm chất Việt Nam. Và "nhạc trưởng" Huỳnh Lập đã vô cùng thành công khi lồng ghép mượt mà cả sự hài hước, sự nhân văn, những yếu tố tâm linh, khoa học vào cùng một tác phẩm.

Cuối cùng, sự thông minh của Huỳnh Lập được thể hiện rõ nhất ở việc anh ta bỏ ngỏ câu hỏi "tâm linh có thật hay không?" nhưng vẫn cho mọi người một câu khẳng định ngầm về việc tồn tại đâu đó cái thế giới kỳ dị mà không phải ai cũng biết và tin vào.

Dung

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/ai-chet-gio-tay-ban-dien-anh-vuot-qua-cai-bong-linh-di-cua-hongkong-tinh-te-trong-tung-chi-tiet-83406.html