'Vũ khí khí hậu' có thực sự tồn tại?

Những trận mưa như trút đã đổ xuống các quốc gia ở châu Âu và châu Á cùng với vô số vụ hỏa hoạn đang làm người ta liên tưởng đến một chủ đề cũ - liệu con người có thể kiểm soát các hiện tượng tự nhiên, nói cách khác, vũ khí khí hậu có tồn tại?

Vũ khí khí hậu có tồn tại?

Không đi sâu vào các thuyết âm mưu hay hệ thống Chương trình nghiên cứu cực quang tích cực tần số cao (HAARP), vốn đã bị phá bỏ từ lâu, trên trang orientalreview, tác giả Leonid Savin cho rằng, không có nghi ngờ về sự tồn tại các công nghệ điều chỉnh thời tiết. Tuy nhiên, trong một bối cảnh rộng hơn, những công nghệ này có liên quan trực tiếp đến ý thức hệ chính trị. Việc kiểm soát các yếu tố chi phối thời tiết lần đầu tiên được thảo luận nghiêm túc ở Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 19, đồng thời, học thuyết về “vận mệnh định trước” đang được phát triển khẳng định quyền năng của Mỹ, bao gồm cả quyền thống trị thế giới.

Ăng-ten Chương trình nghiên cứu cực quang tích cực tần số cao (HAARP), thực chất là nghiên cứu vũ khí khí hậu của Mỹ. Nguồn: orientalreview.org

Ăng-ten Chương trình nghiên cứu cực quang tích cực tần số cao (HAARP), thực chất là nghiên cứu vũ khí khí hậu của Mỹ. Nguồn: orientalreview.org

Công nghệ này lần đầu tiên được sử dụng thành công ở Texas vào năm 1916, khi Charles Hatfield sử dụng một phát minh của mình để gây ra lượng mưa lớn. Tuy nhiên, rất khó để gọi đó là một thành công, bởi vì lượng mưa lớn đã gây ra nhiều thiệt hại kể cả về nhân mạng, và vai trò của bản thân Hatfield vẫn còn nhiều nghi vấn, vì những nỗ lực trước đó của nhân vật này đều không thành công.

Kể từ những năm 1990, phương Tây đã bàn tán về sự cần thiết của những công nghệ như vậy như một phần của chương trình về môi trường. Vào những năm 2000, thuật ngữ “địa kỹ thuật” (“geoengineering”) đã được đưa ra, được một số chính phủ coi là một chiến lược cụ thể gắn với chính sách đối ngoại. Năm 2011, tờ The Guardian của Anh đã viết: “Các kế hoạch địa kỹ thuật là các dự án được thiết kế để giải quyết trực tiếp các tác động của biến đổi khí hậu, thường bằng cách loại bỏ CO2 khỏi không khí hoặc hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt Trái Đất.

Mặc dù công nghệ địa kỹ thuật quy mô lớn vẫn đang ở giai đoạn phát triển, những người ủng hộ tuyên bố rằng cuối cùng nó có thể trở thành thiết yếu nếu thế giới muốn tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Ngược lại, các nhà chống đối cho rằng, địa kỹ thuật là không thực tế - và có thể là một hành vi gây xao nhãng trong việc giảm lượng khí thải”…

Danh sách công nghệ địa kỹ thuật bao gồm sử dụng polyme nhựa; thêm vôi vào nước; chôn than để giữ cacbon trong đất; chăn thả gia súc; phun các sol khí sulphat vào tầng bình lưu để phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại không gian; sử dụng tàu không người lái để tăng độ che phủ của mây trên đại dương; sơn trắng mái tôn để tăng khả năng phản xạ; và thậm chí đặt những tấm gương trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trời…

Cũng đã có nhiều ý tưởng lý thuyết, bao gồm khả năng sử dụng địa kỹ thuật để quản lý thảm họa. Người ta cho rằng “nếu các hợp chất sunfat ở tầng bình lưu được giải phóng ở phía bắc và phản ứng kịp thời bằng cách cố ý giải phóng các hợp chất sunfat ở nam bán cầu, cả hai bán cầu sẽ nguội đi. Vùng hội tụ giữa các vùng nhiệt đới (Intertropical Convergence Zone - ITCZ) sẽ được giữ nguyên và hạn hán có thể được ngăn chặn”.

Tuy nhiên, do thiếu cơ hội để thực hiện các thí nghiệm liên quan, các giả thuyết như vậy vẫn chỉ dừng lại ở mức suy đoán lý thuyết. Tuy nhiên, The Guardian cho rằng việc áp dụng bất kỳ kế hoạch địa kỹ thuật nào như vậy đặt ra những vấn đề rõ ràng về địa chính trị và quản trị toàn cầu, chắc chắn tạo ra xung đột lợi ích giữa các quốc gia.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cũng đưa ra quan điểm tương tự, mặc dù đã đề cập trực tiếp đến việc sử dụng các công nghệ này làm vũ khí - công nghệ địa kỹ thuật chung (CBG) là những loại công nghệ khí hậu được triển khai trên toàn cầu: tầng bình lưu hoặc biển cả... CBG vẫn chưa được điều chỉnh toàn diện bởi luật pháp quốc tế; luật môi trường và luật chiến tranh chỉ áp dụng gián tiếp hoặc trong những điều kiện cụ thể.

Nguy cơ cuộc chạy đua “thao túng” khí hậu

Tuy nhiên, an ninh quốc gia không thể tách rời các vấn đề về khoa học, pháp lý và đạo đức xung quanh CBG, giống như đối với quá trình phát triển bom nguyên tử. Nếu một cường quốc lớn như Mỹ quyết định triển khai CBG, đây có thể được coi là sự cho phép ngầm để các cường quốc khác như Trung Quốc hoặc các quốc gia tầm trung có năng lực khoa học như Anh làm điều tương tự, đặc biệt nếu họ coi công nghệ này có thể tạo ra một lợi thế chiến lược hoặc chiến thuật nào đó.

Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua giữa các nước để thao túng khí hậu vì lợi ích của họ. Ở đây, như đã thấy, người ta thừa nhận rằng sự tồn tại của vũ khí khí hậu. Đồng thời, tạp chí Ngoại giao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã đề cập về địa kỹ thuật trong nhiều năm. Mối quan tâm của họ về một cuộc chạy đua vũ trang khí hậu không nên bị hiểu nhầm. Thực tế Mỹ sở hữu một số bằng phát minh sáng chế trong lĩnh vực này.

Việc hợp pháp hóa các công nghệ như vậy và sử dụng chúng trên phạm vi quốc tế sẽ không chỉ mang lại cho các công ty Mỹ những khoản lợi nhuận khổng lồ mà còn mang lại cho họ một loại quyền tối cao trong việc quản lý các quy trình này. Một trong những bằng phát minh sáng chế đầu tiên trong lĩnh vực này là US3613992 với tên “Phương pháp điều chỉnh thời tiết”, của nhà phát minh Robert Knollenberg (Mỹ), được đăng ký vào tháng 3/1966. Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã thử nghiệm tất cả các phương án điều chỉnh thời tiết.

Một bằng sáng chế tương tự là US3564253 - “Hệ thống và phương pháp chiếu xạ các khu vực bề mặt hành tinh” của nhà phát minh Arthur Buckingham từ Westinghouse Electric Corporation, đã được đăng ký ngày 16/2/1971. Với bằng sáng chế này, không còn đơn giản là câu hỏi “gieo mầm” cho các đám mây, có thể được thực hiện với máy bay, mà là ứng dụng có mục tiêu rộng hơn giống với cơ chế vũ khí.

Nhận được sự quan tâm lớn trong số các bằng sáng chế gần đây là US5762298 - “Sử dụng vệ tinh nhân tạo trong quỹ đạo Trái Đất một cách thích hợp để thay đổi ảnh hưởng của bức xạ Mặt Trời đối với thời tiết của Trái Đất” của nhà phát minh Franklin Chen, được cấp vào tháng 6/1998. Ngoài ra, có một số bằng sáng chế đã bị “khóa” - các chi tiết được bảo mật vì lý do quân sự hoặc tình báo của Mỹ.

Có những công ty đã tồn tại hoặc đang được phát triển, sản xuất các hệ thống và thiết bị khác nhau trên cơ sở các công nghệ này. Nhưng cũng có những tổ chức giám sát sự xuất hiện của những công nghệ như vậy và mô tả tác động của chúng một cách chi tiết. Vì vậy, không có gì bí mật về sự hiện hữu của vũ khí khí hậu. Nếu công nghệ như vậy (địa từ, tầng bình lưu,...) tồn tại, thì sẽ xuất hiện câu hỏi: Liệu nó có thể được sử dụng cho các mục đích phá hoại (như đã thấy trong các bộ phim hành động khoa học viễn tưởng như Geostorm)?

Việc khó khăn hơn là xác định sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và khả năng sử dụng các công nghệ địa kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tại, những người theo chủ nghĩa toàn cầu ở phương Tây đang đổ lỗi mọi việc cho sự nóng lên toàn cầu và đề xuất chống lại nó bằng cách sử dụng các phương pháp địa kỹ thuật./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch) Theo: Orientalreview.org

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/vu-khi-khi-hau-co-thuc-su-ton-tai-880624.vov