Ai Cập, Sudan và Ethiopia đạt nhiều thỏa thuận liên quan đập thủy điện lớn nhất châu Phi

Ngày 16/5, sau 12 giờ đàm phán liên tục tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng thủy lợi và người đứng đầu cơ quan tình báo 3 nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã đạt được thỏa thuận về các bước đi tiếp theo nhằm giải quyết những bất đồng liên quan dự án đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD) mà Ethiopia đang xây dựng trên sông Nile.

Đập thủy điện Đại Phục hưng trên sông Nile phần chảy qua lãnh thổ Ethiopia. (Nguồn: thecairopost)

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết cuộc gặp giữa 9 quan chức của 3 nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan là nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc trong các vòng đàm phán gần đây liên quan đến nghiên cứu kỹ thuật do một công ty Pháp tiến hành về tác động của đập thủy điện đối với các nước ở hạ nguồn sông Nile.

Trong các cuộc đàm phán, các bên đã nhất trí với 5 điểm mới và tiếp tục thực hiện cam kết đối với Tuyên bố nguyên tắc về dự án GERD, được ký kết tại thủ đô Khartoum của Sudan vào tháng 3/2015. Viết trên Twitter ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid (A-mét A-bu De-ít) thông báo "Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã ký kết một biên bản kết quả cuộc họp cấp bộ trưởng, trong đó các bên nhất trí gửi các ý kiến của mình về báo cáo kỹ thuật sơ bộ tới công ty tư vấn kỹ thuật của Pháp, đồng thời tiến hành cuộc họp thượng đỉnh ba bên 6 tháng một lần, thiết lập một quỹ đầu tư chung và thành lập một nhóm khoa học độc lập để điều hòa các quan điểm khác nhau giữa 3 bên về GERD".

Ai Cập, Sudan và Ethiopia thống nhất mỗi bên có thể gửi ý kiến hoặc yêu cầu của mình tới công ty tư vấn của Pháp. Một tuần sau khi nhận được phản hồi của công ty này, một cuộc họp ba bên sẽ được tổ chức tại Cairo, với sự tham gia của đại diện từ công ty tư vấn Pháp, để thảo luận các ý kiến phản hồi. Sau cuộc họp này, một cuộc họp khác với các đại diện của hãng tư vấn kỹ thuật Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 18-19/7.

Ba nước cũng nhất trí thành lập một nhóm nghiên cứu khoa học chung để đảm bảo việc sử dụng và chia sẻ công bằng nguồn nước sông Nile. Mỗi nước có thể cử 5 đại diện tham gia nhóm nghiên cứu này để đánh giá các khuôn khổ hợp tác của các bên. Nhóm nghiên cứu sẽ chuyển các báo cáo tới bộ trưởng thủy lợi ba nước vào ngày 15/8 tới. Bên cạnh đó, Ai Cập, Sudan và Ethiopia cũng nhất trí thành lập một quỹ đầu tư chung nhằm thúc đẩy các dự án phát triển ở ba nước.

Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. "Đất nước Kim tự tháp" đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của khoảng 100 triệu dân. Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án GERD trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011. Đập thủy điện này có tổng kinh phí xây dựng 4,6 tỷ USD và công suất 6.000 MW, tương đương với 6 nhà máy điện hạt nhân. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một "dấu mốc lịch sử", giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017. Lâu nay, Ai Cập lo ngại GERD của Ethiopia sẽ làm giảm nguồn nước sông Nile của Cairo. Mới đây, Ai Cập thông báo muốn Ngân hàng Thế giới (WB) giữ vai trò trung gian để dàn xếp các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan đến GERD, song Ethiopia không chấp thuận đề xuất này./.

Theo TTXVN

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/ai-cap-sudan-va-ethiopia-dat-nhieu-thoa-thuan-lien-quan-dap-thuy-dien-lon-nhat-chau-phi-484008.html