Ai Cập quản lý lực lượng không quân 'Liên hợp quốc' như thế nào?

Ai Cập là quốc gia hiếm hoi trên thế giới sở hữu lực lượng không quân có xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau. Lực lượng không quân quốc gia Bắc Phi này sở hữu cả máy bay quân sự có nguồn gốc Mỹ, phương Tây, cũng như các loại khí tài hàng không từ Liên Xô, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Ai Cập vẫn bảo đảm lực lượng không quân hoạt động ổn định, phối hợp nhuần nhuyễn trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Lực lượng không quân “Liên hợp quốc”

Trong trang bị của Không quân Ai Cập hiện có khoảng 24 máy bay chiến đấu Dassault Rafale do Pháp chế tạo và con số này có thể tăng gấp đôi trong tương lai gần; 20 máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 Block 52 cùng khoảng 198 máy bay F-16 cũ, gồm nhiều phiên bản khác nhau; 46 máy bay trực thăng tấn công Boeing AH-64D Apache Longbow; 15 máy bay Mirage 2000 và 8 chiếc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) E-2C Hawkeye.

Cùng với các phương tiện hàng không quân sự Mỹ và phương Tây, không quân quốc gia Bắc Phi này còn sở hữu 46 máy bay chiến đấu Mig-29M; 46 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 Alligator, Mi-35 và 1 phi đội máy bay Su-35 thế hệ mới do Nga chế tạo.

 Không quân Ai Cập sở hữu nhiều chủng loại máy bay quân sự khác nhau do chính sách đa dạng hóa nguồn cung của Cairo. Trong ảnh: Máy bay chiến đấu Rafale (ảnh trên) và Mig-29M (ảnh dưới).

Không quân Ai Cập sở hữu nhiều chủng loại máy bay quân sự khác nhau do chính sách đa dạng hóa nguồn cung của Cairo. Trong ảnh: Máy bay chiến đấu Rafale (ảnh trên) và Mig-29M (ảnh dưới).

Nguồn gốc của sự phức tạp này là do Ai Cập quyết định đa dạng hóa nguồn cung khí tài quân sự sau khi Mỹ từ chối cung cấp dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II hồi giữa những năm 2010. Cùng với đó, các ràng buộc chính trị, nhân quyền từ các hợp đồng vũ khí với phương Tây cũng khiến Ai Cập quyết định chuyển sang mua sắm các loại trang bị quân sự hàng không hiện đại từ Nga.

“Việc chuyển đổi và đa dạng hóa các loại trang bị quân sự của Ai Cập, đặc biệt là máy bay chiến đấu, là hệ quả trực tiếp của các lệnh cấm vận, hạn chế cung cấp vũ khí từ Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, Cairo quyết định mua sắm trang bị quân sự từ Nga, sau khi không đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ quân sự cần thiết từ các đối tác NATO”, nhà quan sát quân sự khu vực Trung Đông, Vehbe Katic nhận định. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dù có trang bị phức tạp, nhưng Không quân Ai Cập vẫn có thể duy trì các hoạt động diễn tập thường kỳ với các quốc gia NATO.

“Các cuộc diễn tập giữa Không quân Ai Cập và NATO vẫn diễn ra đều đặn. Theo quan sát của tôi, trong các cuộc diễn tập như vậy, không bao giờ xuất hiện các máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ Nga. Ngược lại, các cuộc tập trận với Nga không bao giờ xuất hiện các máy bay chiến đấu có nguồn gốc Mỹ và phương Tây. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là sự kết hợp giữa các đơn vị trực thăng chiến đấu Ka-52 và tàu đổ bộ đa năng lớp Mistral”, chuyên gia Vehbe Katic cho biết.

Sự kết hợp nhờ hệ thống chỉ huy hợp nhất

Việc duy trì hoạt động của lực lượng không quân thông thường đã rất phức tạp và điều này càng trở nên phức tạp hơn với sự đa dạng chủng loại như tại Ai Cập. Cairo đã có phương thức riêng để giúp các máy bay chiến đấu khác hệ, giao thức kết nối khác nhau có thể hoạt động chung trong một mạng lưới hợp nhất. Đó chính là Trung tâm chỉ huy tự động RISC2 do Ai Cập tự phát triển trên nền tảng nghiên cứu và tích hợp các nền tảng hàng không quân sự hiện có.

“Nếu thiếu RISC2, các bạn có thể hình dung rằng, máy bay AWACS E-2C Hawkeye không thể phối hợp tác chiến với máy bay chiến đấu Mig-29M do Nga chế tạo. Điều này cũng tương tự với máy bay Rafale của Pháp”, chuyên gia quân sự Ai Cập Mohamed al-Kenani cho biết.

Hệ thống chỉ huy hợp nhất RISC2.

Điểm đặc biệt của RISC2 là kết hợp các thông tin, tín hiệu radar của nhiều loại máy bay khác nhau trên một nền tảng chỉ huy hợp nhất. Việc kết hợp này giúp công tác điều phối hoạt động và chỉ huy dễ dàng hơn. Mẫu RISC2 mới nhất được Ai Cập giới thiệu tại Triển lãm quân sự quốc tế EDEX 2018; có khả năng tổng hợp thông tin và truyền tải lệnh chỉ huy cho từng đơn vị chiến đấu có nguồn gốc khác nhau của Không quân Ai Cập theo mốc thời gian thực. Kết cấu dạng module giúp RISC2 có thể bổ sung hoặc loại bỏ phần điều khiển của từng chủng loại phương tiện trong các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

Ngoài chức năng chỉ huy các đơn vị trên không, RISC2 còn đang được tích hợp khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin từ các quân, binh chủng khác để tối ưu hóa nhận diện tình huống trên chiến trường và phân phối lệnh điều khiển nhanh nhất có thể.

“Nhờ có RISC2, Không quân Ai Cập có thể tiếp nhận và xử lý các thông tin không chỉ từ máy bay quân sự, mà còn từ các tổ hợp vũ khí trên bộ, trên biển... Căn cứ vào thông tin tiếp nhận, hệ thống tự đánh giá mối đe dọa nào là nguy hiểm nhất để chỉ huy có phương án đối phó kịp thời”, chuyên gia Mohamed al-Kenani đánh giá.

Theo lời chuyên gia Mohamed al-Kenani, các máy bay quân sự của Ai Cập đều có mẫu nhận diện tín hiệu riêng, khác biệt so với các máy bay cùng chủng loại của nước ngoài để RISC2 có thể nhận diện “bạn-thù”. Điều này giúp tránh các trường hợp nhận diện nhầm, bắn nhầm. Trong tương lai, năng lực của RISC2 sẽ tiếp tục được mở rộng với sự kết hợp của kênh liên lạc không gian thông qua vệ tinh TIBA-1 của Ai Cập được phóng lên quỹ đạo hồi tháng 11-2019.

“Chính RISC2 là phần lõi giúp Không quân Ai Cập có thể hoạt động đồng bộ và nhuần nhuyễn trên cơ sở khí tài hiện có”, chuyên gia Mohamed al-Kenani nhấn mạnh.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/ai-cap-quan-ly-luc-luong-khong-quan-lien-hop-quoc-nhu-the-nao-642918