Ai Cập lần đầu bán khí đốt sang châu Âu, Italy muốn 'xin tiền' EU để làm điều này

Ngày 1/2, Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập thông báo, lần đầu tiên nước này đã xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu.

Ai Cập xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt của sang châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Ai Cập xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt của sang châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Bộ trên cho biết, nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Damietta đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên kể từ khi được hoạt động trở lại vào năm 2021. Trong đó, khoảng 4 triệu tấn khí LNG đã được xuất khẩu trong năm 2022. Đây là lượng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử gần 20 năm của nhà máy.

Những thành tích này đã giúp Damietta trở thành nhà máy hàng đầu của Ai Cập về xuất khẩu LNG, đồng thời góp phần củng cố vai trò của quốc gia Bắc Phi như một trung tâm năng lượng ở khu vực Địa Trung Hải.

Theo Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập, khoảng 60% tổng số lô hàng từ nhà máy LNG Damietta đã được xuất khẩu sang châu Âu.

Nhà máy này đã sản xuất và xuất khẩu thành công lô LNG thứ 500 kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2005. Việc sản xuất tại nhà máy LNG Damietta bị tạm dừng trong 8 năm trước khi tiếp tục hoạt động trở lại từ tháng 2/2021.

* Cùng ngày, Giám đốc điều hành tập đoàn cơ sở hạ tầng năng lượng quốc doanh SNAM của Italy Stefano Venier cho biết, nước này cần khẩn trương mở rộng công suất mạng lưới khí đốt và sẽ tìm kiếm các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để hỗ trợ sự phát triển.

Năm 2022, Italy đã nhanh chóng đảm bảo tăng lượng khí đốt từ Algeria và các nước châu Phi khác thông qua các đường ống dẫn đến bờ biển ở miền Nam, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung đến phía Bắc.

Tuy nhiên, sự thay đổi dòng nhập khẩu đã ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển khí đốt từ phía Nam lên phía Bắc công nghiệp hóa. Chính phủ Italy cũng nhận thấy vai trò ngày càng tăng của nước này với tư cách là trung tâm vận chuyển nguồn cung cấp năng lượng từ châu Phi đến Bắc Âu.

Ông Venier cho rằng, SNAM sẽ tiếp tục việc đầu tư theo kế hoạch, trị giá 2,5 tỷ Euro (2,7 tỷ USD) để hoàn thành một đường ống bổ sung có tên là Tuyến Adriatic.

Theo ông, Tuyến Adriatic là “một phần công việc cấp bách vì mạng lưới của chúng tôi không còn khả năng vận chuyển khí đốt từ Nam lên Bắc. Nếu không có các công trình mở rộng, mạng lưới khí đốt do tập đoàn kiểm soát sẽ không thể đáp ứng nguồn cung nhiên liệu cao hơn dự kiến trong vài năm tới.

Một khi được bật đèn xanh ở Italy, tôi sẽ đến Brussels và xin tiền".

(theo Reuters/TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ai-cap-lan-dau-ban-khi-dot-sang-chau-au-italy-muon-xin-tien-eu-de-lam-dieu-nay-215144.html