Ai Cập chi mạnh tay mua tiêm kích Su-35 của Nga

Nhật báo Kommersant của Nga cho biết nước này sẽ cung cấp hơn 20 máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35 và vũ khí đi kèm trị giá tới 2 tỷ USD cho Ai Cập.

Theo các quan chức cấp cao của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, hợp đồng trên được ký từ cuối năm 2018 nhưng hai bên đều giữ kín thông tin. Thời gian giao hàng dự kiến bắt đầu từ năm 2020 hoặc 2021.

Căn cứ vào giá trị thương vụ thì tiêm kích thế hệ 4++ của Nga bán cho Ai Cập nhiều khả năng đắt hơn cả tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ bởi nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin vừa cho biết giá F-35 có thể giảm xuống mức 80 triệu USD/chiếc và có thể thấp hơn nữa từ năm 2022.

Tiêm kích Su-35 của quân đội Nga.

Tiêm kích Su-35 của quân đội Nga.

Su-35 là thế hệ máy bay chiến đấu đa năng, siêu cơ động, là một phiên bản cải tiến sâu của Su-27, với đặc điểm và tính năng giống với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Được thiết kế dành cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không và cung cấp hỏa lực mặt đất, máy bay có kết cấu cánh, động cơ, thiết bị điện tử trên khoang và hệ thống điều khiển mới.

Vũ khí của Su-35 là một súng đại bác bắn nhanh 30mm và 12 giá treo vũ khí bao gồm các loại bom, tên lửa có điều khiển hoặc thông thường. Tốc độ tối đa của tiêm kích Su-35 lên tới 2.500km/h, tầm bay tối đa lên 3.400km, trọng tải tác chiến 8 tấn, phạm vi chiến đấu 1.600km.

Các chuyên gia quân sự đánh giá Su-35 vượt trội hơn hẳn các máy bay thế hệ 4 hiện nay của phương Tây và là đối thủ đáng gờm của F-22 của Mỹ.

Thỏa thuận giữa Moscow và Cairo diễn ra trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng từ Mỹ khi chính quyền Washington cảnh báo các quốc gia trên thế giới không mua vũ khí Nga theo Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào tháng 8-2017.

Tháng 9-2018, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật CAATSA do mua hệ thống phòng không S-400 và Su-35 của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp đạo luật này, nhiều khách hàng quen thuộc của Mỹ vẫn ưu tiên ngân sách cho vũ khí Nga như Ấn Độ mua S-400 và Su-35, Indonesia mua Su-35 hay Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400...

Những năm trở lại đây, Ai Cập cũng thể hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí thay vì chỉ dựa vào xứ sở cờ hoa. Điều đó được thể hiện qua các hợp đồng quốc phòng lớn quốc gia Bắc Phi này với Pháp, Nga, Trung Quốc.

Theo The Moscow Times

Ngân Anh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/khoa-hoc/ai-cap-chi-manh-tay-mua-tiem-kich-su35-cua-nga-49728.html