Ai cần ai? Vì 'đồng sàng, dị mộng'

Bấy lâu nay các cường quốc công nghiệp phát triển trong nhóm G7 vẫn tự coi mình là những chủ thể lãnh đạo thế giới. Họ cậy thế 'mạnh vì gạo, bạo vì tiền' nên can thiệp vào hầu hết các vấn đề kinh tế, xã hội của quốc tế, cho dù khi ra đời chỉ đơn thuần là một tổ chức hợp tác kinh tế.

G7 là tập hợp của các quốc gia công nghiệp giàu mạnh nhất. Chỉ có 7 nước, nhưng hiện nay chiếm gần 50% GDP toàn thế giới. GDP của Mỹ trên 20 nghìn tỷ USD, Nhật Bản trên 5 nghìn tỷ USD, Đức trên 4 nghìn tỷ USD, Pháp và Anh mỗi nước gần 3 nghìn tỷ USD, Ý trên 2,3 nghìn tỷ USD, Canada gần 2 nghìn tỷ USD.

Năm 1998, G7 kết nạp Nga, tổ chức này thành nhóm G8 (hay còn gọi là G7+1). Năm 2014, Nga bị tước tư cách thành viên, các nước khai trừ Nga vì lý do nước này đã sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc Nga và hậu thuẫn cho các lực lượng miền Đông có tư tưởng ly khai khỏi nước Ukraina thành quốc gia độc lập.

Mới đây, ông Trump Tổng thống Mỹ đã nhiều lần ngỏ ý mời Nga trở lại làm thành viên, khôi phục lại G8 như trước. Ông Trump đã từng bầy tỏ quan điểm là nước Nga ở trong nhóm hoàn toàn hợp lý, nhiều vấn đề chúng ta quan tâm đều liên quan tới họ, Nga có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chiến lược toàn cầu…

Nhận được các tín hiệu mời gọi từ Mỹ trở lại G7, nhưng phía Nga tỏ ra hờ hững. Quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hiện nay G7 không phải là mối quan tâm của họ. Những vấn đề mà Nga ưu tiên là tham gia tích cực vào tổ chức G20, củng cố Liên minh kinh tế Á- Âu, liên kết, hợp tác trong nhóm các cường quốc kinh tế mới nổi bao gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil.

Hiện nay, Nga đã lấy lại uy danh của một cường quốc, điều dễ hiểu là khi đã có vị thế độc lập, tự chủ, Nga chưa chắc mặn mà với việc trở lại G7. Nga khó chấp nhận thái độ, việc làm của G7 là khi cần thì mời Nga làm thành viên, lúc không thích thì tự ý khai trừ ra khỏi nhóm. Hơn nữa, từ khi Nga gia nhập G8, thực chất cũng chỉ là một thành viên “đồng sàng, dị mộng”.

Nga ít có, thậm chí không có các lợi ích chung về kinh tế, chính trị, quân sự với nhóm G7. Chẳng những thế Nga còn là một thực thể đối trọng, thậm chí đối kháng với G7. Điển hình như Nga chống lại sự bành trướng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (các thành viên G7 đều nằm trong NATO). Nga giúp Tổng thống Syria Assad, giúp đồng minh Iran trong khi đó các nước G7 giúp phe đối kháng tìm cách lật đổ và chống lại hai quốc gia trên, hơn nữa từ năm 2014 đến nay, các quốc gia G7 luôn trừng phạt, cấm vận kinh tế Nga…

Việc Tổng thống Mỹ muốn Nga trở lại, khôi phục G8 có một số thành viên ở châu Âu cũng bầy tỏ quan điểm không đồng ý. Vì trước đây đại diện nhóm G7 đã từng tuyên bố việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho lực lượng ly khai Ukraina là điều không thể chấp nhận Nga với tư cách thành viên.

Theo kế hoạch, hội nghị thường niên G7 họp tại Mỹ sẽ tiến hành trong tháng 6, nhưng lùi lại đến tháng 9 -2020 (vì dịch COVID-19). Tổng thống Trump (đang là Chủ tịch G7) dự định mời Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Autrailia Morri son, Thủ tướng Ấn Độ Modi tham dự, nhưng phía Nga chưa nhận lời.

Ngày 31-5 vừa qua, khi tuyên bố thay đổi thời gian tổ chức hội nghị năm nay ông Trump lại làm cho nhiều thành viên không vui vì cho rằng G7 hiện đã trở nên lỗi thời, mục đích của ông là muốn mở rộng nhóm, kết nạp thêm các thành viên mới là Nga, Ấn Độ, Autrailia, Hàn Quốc (nếu các nước đồng ý sẽ thành G11).

L.C

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/quoc-te/ai-can-ai-vi-%E2%80%9Cdong-sang-di-mong%E2%80%9D-272273-86.html