Ai bảo giáo viên môn phụ là mờ nhạt?

Không đứng bục giảng với số tiết dày đặc như Toán - Văn - Anh nhưng có không ít giáo viên dạy môn phụ ở Hà Nội như Giáo dục công dân, Kỹ thuật nông nghiệp… khiến bao thế hệ học sinh nhớ mãi dù ra trường đã chục năm.

Đưa học sinh ra đồng trồng ngô, khoai

Cô Phùng Thị Hà

Thời lượng trên lớp của môn Kỹ thuật Nông nghiệp rất ít, chỉ đủ để cô Phùng Thị Hà (trường THPT Yên Lãng, Mê Linh, Hà Nội) hướng dẫn học sinh những điều cơ bản, bởi phần lớn bài giảng của cô nằm ngoài sách giáo khoa. Hoạt động trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2019-2020, nhưng ở trường Yên Lãng, cô Hà đã miệt mài với phương pháp này nhiều năm qua.

“Việc học cốt lõi cuối cùng là để các em ứng dụng các tri thức được học vào cải tạo chính cuộc sống của mình” - có lẽ chính bởi quan điểm đó mà cách dạy của cô Hà hoàn toàn khác biệt.

Trong khi nhiều người cho rằng Kỹ thuật nông nghiệp chỉ là một môn phụ, thậm chí… rất phụ thì cô Hà, bằng tất cả tâm huyết của mình, đã biến Kỹ thuật nông nghiệp trở thành môn học có ý nghĩa đặc biệt với học sinh. Môn học với ba phần là trồng trọt, chăn nuôi và tạo lập doanh nghiệp đã được cô xâu chuỗi thành một nội dung thống nhất, liền mạch. Vùng đất nông thôn của khu vực Yên Lãng lại tình cờ rất phù hợp để cô áp dụng quan điểm giáo dục của mình: gắn tri thức với thực tiễn, đưa lý thuyết trong trang sách thành bài học sinh động ngoài cuộc sống.

Dạy về trồng trọt, cô Hà dạy các em học sinh cách cải thiện những thửa ruộng bị bỏ hoang trồng chuối, trồng ngô, trồng khoai. Có chuối, cô dạy các em cách làm bánh chuối, làm chuối sấy khô. Có ngô, cô dạy các em cách làm bỏng ngô. Có khoai, cô dạy các em cách làm khoai khô, khoai lang kén... Những sản phẩm ấy sẽ phục vụ cho bài học kinh doanh. Học sinh được cô hướng dẫn cách để bán hàng, từ cách tiếp thị, địa điểm kinh doanh đến nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp với sản phẩm…

Dạy về kinh doanh, cô cũng không quên dạy học sinh mình cách đa dạng sản phẩm, gia tăng giá trị cho sản phẩm để có giá cao hơn, như việc tẩm gừng khi làm bỏng ngô để tạo vị bỏng ngô thơm khác biệt và có tác dụng giữ ấm cơ thể. Cô dạy học sinh giảm chi phí sản xuất bằng cách thu mua chuối tiêu vào mùa rộ để được giá rẻ rồi sấy khô, mang bán, làm sao có thể hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh. Cô dạy các em tính thời điểm trong kinh doanh qua những lần cho học sinh tổ chức buôn hoa trong những ngày lễ 8-3 hay 20-11… Những bài học vỡ lòng về thu-chi, lỗ-lãi đã được những học sinh THPT Yên Lãng tiếp thu một cách đầy thực tế và sinh động.

“Là những vấn đề rất sát sườn đến đời sống của mình nên học sinh rất hào hứng tham gia. Không thể diễn tả nổi niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt các em khi lần đầu tiên làm thành công một sản phẩm, lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lời ít ỏi,” cô Hà chia sẻ.

Những bài giảng ngoài sách giáo khoa

Cô Phùng Thị Hà trong một buổi thực nghiệm

Để có thể dạy học sinh thực hành tốt trong khi thời lượng môn Kỹ thuật Nông nghiệp chỉ có 1,5 tiết mỗi tuần, cô Hà chủ yếu giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện ngoài giờ.

Đằng sau mỗi giờ học, mỗi bài thực hành của học sinh là rất nhiều nỗ lực, rất nhiều bài học thất bại của cô giáo Phùng Thị Hà. Để hướng dẫn học sinh làm một sản phẩm, cô phải thực nghiệm thành công trước. Cô Hà kể, có rất nhiều sản phẩm cô phải làm đi làm lại rất nhiều lần, như việc trồng nấm, cô thất bại không dưới 10 lần. Nhưng chính những thất bại của cô lại là bài học hữu ích để truyền lại cho trò.

Vất vả lắm nhưng cô Hà không nản, việc dạy bằng trải nghiệm thực tế không chỉ giúp học sinh hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên mà còn giúp các em rèn luyện kiên trì, rèn nhiều kỹ năng giao tiếp, bán hàng, thuyết phục…, cả kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch, định hướng nghề nghiệp.

“Cả cô, cả trò lúc nào cũng phải cố gắng, lúc nào cũng thấy bận rộn, vui và đầy năng lượng. Trong những lúc thực hành, các em có rất nhiều ý tưởng sáng tạo” - cô Hà vui vẻ nói.

Nhiều người coi Kỹ thuật nông nghiệp chỉ là môn phụ, nhưng cô giáo Phùng Thị Hà không vì thế mà cảm thấy chạnh lòng. Cô Hà cho rằng, môn chính hay phụ là do bản thân mình suy nghĩ. Nếu xác định việc học để thi cử thì các môn thi là môn chính. Nhưng nếu xác định việc học mục đích cuối cùng để cải tạo cuộc sống thì tất cả các môn đều có vị trí riêng.

“Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, giáo dục trải nghiệm sẽ được chú trọng như một môn học riêng. Tôi hy vọng khi đó, các kiến thức vận dụng thực tế trong nhà trường sẽ nhiều hơn, vì điều đó rất hữu ích cho học sinh trên rất nhiều phương diện”- cô Hà chia sẻ.

Mỗi bài học là một hạt giống tâm hồn

Tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị, trường ĐH Sư phạm 1 năm 1995, cô giáo Trần Thị Quyến có 6 năm dạy Giáo dục công dân tại nhiều trường THPT ngoài công lập trước khi chính thức về công tác tại trường THPT Kim Liên. Là giáo viên môn GDCD hơn 25 năm, cô Quyến là giáo viên dạy GDCD duy nhất của Thành phố Hà Nội có học sinh giỏi Quốc gia trong nghiên cứu khoa học với đề tài “Bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp” cũng như là giáo viên dạy bộ môn duy nhất được nhận Bằng sáng tạo của Thủ đô.

Cô Trần Thị Quyến

Cô kể, có năm học, cô từng chủ nhiệm một lớp với đa phần các học sinh có hoàn cảnh “đặc biệt” như bố mẹ chia tay, bố hoặc mẹ đang thi hành án tù do vi phạm pháp luật, bản thân học sinh cũng chán học, bỏ học nhiều lần, cách ăn nói, ứng xử thiếu chuẩn mực… Nhưng trong mắt cô Quyến, không có học sinh nào là cá biệt. Ngược lại, cô luôn nhìn thấy những phần thiện trong học sinh để tìm ra biện pháp giáo dục, giúp các em trở thành người tốt. Nhiều em đến nay đã ra trường, trưởng thành, trở thành công dân hữu ích của xã hội.

Cũng chính nhờ tài cảm hóa học trò đó, mà đến nay, hầu như năm nào, những học sinh có cá tính mạnh nhất cũng tìm tới lớp cô và luôn được cô đón nhận. Bí quyết của cô Quyến là luôn mở lòng mình với học trò, chia sẻ với các em như những người bạn. Như trường hợp em học sinh M. khi xin chuyển sang lớp cô Quyến chủ nhiệm từng vấp phải sự phản ứng của cả tập thể lớp. Cô Quyến đã nói với các học sinh: “Ngày mai, vào tiết 2, bạn M. sẽ đến lớp chúng ta. Dù cô không có giờ dạy nhưng cô vẫn đến trường để đón bạn ấy. Cô mong cả lớp hãy cùng cô giúp đỡ bạn”. Ngày hôm sau, khi M. tới, cả lớp đã cùng đứng dậy vỗ tay chào đón M. Bằng cách đó, cô đã truyền cho các học sinh của mình bài học về niềm tin ở con người, lòng vị tha, nhân ái.

Nhiều năm trong nghề, có điều kiện trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục, tiếp xúc với các đối tượng học sinh với năng lực học, xuất thân, tính cách khác nhau, cô Quyến như “bách khoa toàn thư” với kinh nghiệm dày dặn làm “của để dành” cho bộ môn GDCD.

Thay vì lên lớp “hô khẩu hiệu” các bài học về đạo đức, cô Quyến đã luôn thổi hồn vào từng bài giảng của mình. Để rồi, cảnh tượng thường thấy trong các tiết dạy của cô là học sinh chăm chú nuốt từng lời cô giảng, thậm chí đôi mắt đỏ hoe vì xúc động. Cô thường kể cho học sinh nghe các câu chuyện trong cuốn “Hạt giống tâm hồn”, các tấm gương về lòng hiếu thảo, nói với học sinh trở về hãy thử làm những công việc mà mẹ đang làm trong một ngày để thấy mẹ vất vả ra sao, mình cần yêu mẹ như thế nào… Cô Quyến cũng để ý học sinh từng ly từng tý chứ không đợi tới giờ lên lớp, chấn chỉnh kịp thời hành vi, lời nói của các em. Dần dà, những bài học của cô ngấm vào các học trò, giúp các em hoàn thiện nhân cách, khơi gợi trong các em niềm tự hào là công dân Hà Nội. Cô cũng lấy mình làm gương trước học sinh. Từng đó năm đi dạy, cô có nguyên tắc là tuyệt đối không bao giờ mắng, thóa mạ học trò. Cô sử dụng facebook, zalo, tham gia nhiều hội nhóm của học sinh để biết suy nghĩ, hành động của trò và kịp thời bảo ban các em khi cần.

Năm 2009, cô Quyến đã cùng với các đồng nghiệp, tham gia biên soạn cuốn tài liệu dành cho HS lớp 10, thuộc bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức dành cho HS cả 3 cấp học. Gần một năm sau đó, cô dồn toàn bộ tâm huyết lên khung chương trình, chọn lọc từng nội dung để đưa vào bộ tài liệu xoay quanh các vấn đề cơ bản như: Khái niệm thanh lịch, văn minh; Phong cách thanh lịch, văn minh; Giao tiếp thanh lịch, văn minh; Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường… Đến nay, bộ tài liệu đã áp dụng thành công tại các trường học trên địa bàn Hà Nội được 6 năm. Điều cô vui nhất là bộ tài liệu đã phát huy hiệu quả nhất định.

Tôi đã đi dự giờ hơn 60 tiết giảng nếp sống văn minh thanh lịch ở khắp các trường học trên địa bàn thành phố và thấy rằng, cả thầy và trò đều ý thức thực hiện theo bộ tài liệu.Cô Trần Thị Quyến

“Tôi đã đi dự giờ hơn 60 tiết giảng nếp sống văn minh thanh lịch ở khắp các trường học trên địa bàn thành phố và thấy rằng, cả thầy và trò đều ý thức thực hiện theo bộ tài liệu” - Đó là niềm vui mà cô Quyến và các đồng nghiệp biên soạn tài liệu có thêm động lực gắn bó với nghề. Còn riêng cô, cô vẫn sẽ tiếp tục giáo dục đạo đức, nếp sống thanh lịch cho các thế hệ học sinh bằng cả bầu nhiệt huyết, lòng yêu nghề của mình.

Việt Đan

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/ai-bao-giao-vien-mon-phu-la-mo-nhat-131954.html