AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Cuộc đời dạy tôi 2 chữ Nhân - Quả

Nghe danh Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng từ lâu, nhưng mãi tới giờ tôi mới có duyên gặp và trò chuyện cùng anh chuyện đời, nghiệp viết.

Trải “một thời binh đao chiến trận” từng vào sinh ra tử và qua nhiều cương vị khác nhau, song chất “ông đồ xứ Nghệ” với nét nho nhã, đồng thời khí phách ngang tàng, quả cảm trước những thách thức thời cuộc vẫn đậm đặc trong anh. Tiếp xúc với anh, càng thấy rõ một Nguyễn Đăng Giáp đầy ưu tư trước thời cuộc và con người với rất nhiều những chiêm nghiệm về Nhân - Quả.

Đời lính cho tôi những vần thơ

Mang thắc mắc của mình, tôi đặt câu hỏi: Là AHLĐ, lại là một Doanh nhân nổi tiếng đạt được nhiều giải thưởng doanh nhân quốc tế, rồi lại là tác giả của mấy chục bài thơ và 3 đầu sách đã xuất bản mà đêm thơ nhạc mang tên “Như tôi đã sống” là minh chứng sống động cho sức sáng tạo của anh. Anh thích được gọi mình là gì?

Nụ cười điềm tĩnh, nhưng câu nói sắc, gọn, không chút do dự, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp nói: “Tôi là người lính. Tuổi thơ tôi sống trong nghèo khó, lớn lên khi đất nước có chiến tranh, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Thời thời bình trở về là một thương binh - lại tiếp tục chiến đấu trên thương trường khốc liệt. Cuộc sống của tôi cho đến nay dù đã ở tuổi 65 vẫn là một cuộc chiến không ngừng nghỉ: “Chí làm trai trong điệp khúc quân hành/ Thanh thản xông pha giữa thương trường và chiến trận/ Chữ Tâm- Tài xuyên mưa bom bão đạn/ Vó ngựa dặm trường nối tiếp ông cha/ Những “đoạn trường” của năm tháng đi qua/ “Tôi đã sống” một cuộc đời dâu bể/ Khí phách hiên ngang của người con đất Nghệ/ Tỏa sáng bây giờ gửi lại cả mai sau”.

Trích Đêm Thơ- Nhạc: Như tôi đã sống của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp nhớ lại ngày gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, trên con đường làng nhỏ, hẹp, vừa đi bố anh vừa dặn dò anh phải cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải vào Đảng, phải trở thành sĩ quan… Đại tá Nguyễn Đăng Giáp kể: “Tiếp lời cha tôi nói: Cha nên khuyên con giữ được cái đầu (quê tôi gọi là cái trốc) trong thời bom rơi, đạn lạc… Ngay từ thời trai trẻ, bước chân đi làm nhiệm vụ của một chiến sĩ là tôi đã thề: “…Chẳng sợ hy sinh - làm trai thời loạn/ Mong có ngày về - bái tổ vinh quy”.

Chiến tranh chấm dứt, đáng lẽ anh trở về đoàn tụ cùng gia đình và vào đại học, nhưng mong ước đó chưa thực hiện được. Tiểu đoàn 781 - Đoàn 559 nơi anh công tác được trên phân công trở về tập trung ở Buôn Ma Thuột rồi chuyển xuống Đồng Đế - Nha Trang. Sau đó Đoàn 559 đổi tên thành Tổng Cục xây dựng kinh tế - BQP và anh được chọn là một trong 35 tay lái giỏi nhất biên chế thành Đại đội 35 vận tải thuộc Trung đoàn 576 - Cục xây dựng kinh tế đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Và anh đã có “Mười năm xây dựng xứ Lào/ Sốt rừng, phỉ phục bôn ba tái hồi”. Đây cũng là một quãng thời gian nhiều dấu ấn trong quá trình chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của anh.

Cuộc sống hối hả và tất cả cũng do hoàn cảnh xô đẩy mà Nguyễn Đăng Giáp trở thành một Doanh nhân: “Không phải ngẫu nhiên tôi trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp. Để thành công như hôm nay là bởi tôi từng là người lính, rồi từ một công nhân, lên Chủ nhiệm công trình, rồi lên Đội trưởng, làm Giám đốc Xí nghiệp, Giám đốc Công ty… rồi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tổng công ty…

AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: "Tôi tâm đắc câu nói của Lê Quý Đôn: Lê Quý Đôn: "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho." Vì thế, ngay từ khi bước chân vào quân ngũ, tôi đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi luôn tâm niệm: “Đời là nhạc, đời là thơ/Đưa tác vượt thác, đưa ta xuôi ghềnh/Giữa chiến trận và thường trường/Tình yêu khát vọng - tỏa hương với đời”.

Khi nhận trọng trách này là một thử thách lớn đối với tôi, bởi lúc ấy Xí nghiệp 36 đang thua lỗ với số nợ lên đến 34 tỷ và đang đứng bên bờ vực phá sản mà nếu không có ý chí, nghị lực vượt khó thì chỉ có nước chết. Lúc ấy, tôi cũng không nghĩ đến thành công bây giờ, nhưng nhờ có thơ, văn mà tôi đã giải tỏa được mọi khúc mắc trong công việc, cuộc sống để vững bước. Đó cũng là một phần lý do tại sao trong thơ, văn của tôi, yếu tố tâm linh, quan niệm Nhân - Quả chiếm một tỷ trọng lớn. Song vượt lên tất cả - đó là ý chí và nghị lực được tôi rèn trong quân đội”. Tư duy này của người đứng đầu đã thể hiện văn hóa doanh nghiệp của một đơn vị quân đội làm kinh tế: quyết liệt trong thương trường nhưng cũng rất nhân văn, rất tình nghĩa trong đời thường.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng, được phong Anh hùng lao động vì những đóng góp lớn lao của một Doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; thì trong thi ca, ông đã góp một giọng điệu và phong vị riêng, độc đáo. Trong ông có một sự kết hợp hòa quyện đẹp đẽ giữa phẩm chất của “anh bộ đội cụ Hồ” và một thi nhân tài hoa.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cũng cho rằng: Là con người, ai chẳng có khát vọng sống và vươn tới những điều tốt đẹp. Cũng chẳng bao giờ ai có thể lường trước được số phận sẽ đưa đẩy cuộc đời như thế nào? Tôi vốn là người thẳng thắn, bạch thoại, lại được sinh ra từ một vùng quê xứ Nghệ khó khăn, thiên nhiên không mấy ưu đãi - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên chất “con người xứ Nghệ” luôn thấm đẫm trong tôi, làm cho tôi có một sức phấn đấu bền bỉ, phi thường để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Và động cơ để tôi phương trưởng được như vậy chính là do tôi luôn học tập và làm theo lời Bác.

Làm thơ để biểu đạt cảm xúc tâm hồn

Đạo Phật đã dạy: “Nhân” tốt thì “Quả” tốt - đó là lý do để xây dựng nền tảng đạo đức cho con người. Nếu quá khứ không tốt thì không thể có tương lai đẹp.

Thơ là phản ánh cuộc sống, là tiếng lòng, là câu chuyện cuộc đời, thể hiện bản lĩnh, khí phách của mình, chứ không phải mơ mộng vơ vẩn. Thơ luôn mang hình ảnh cuộc đời, vĩ đại hơn cả các kinh sách, vì thơ thì ai cũng tiếp cận được, lay động được trái tim của mọi người: "Kiếp phong trần ta lại là ta/ Nhân và quả nổi chìm bao số phận/Hạnh phúc một đời binh đao chiến trận/Nay trả lại cho đời nốt nhạc vần thơ".

Với Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: Thơ chính là cuộc đời, và vì thế anh làm thơ như một lẽ tự nhiên để biểu đạt cảm xúc của mình trước nhân tình thế thái. Thơ bật ra từ những trăn trở, những khắc khoải, những trải nghiệm cuộc đời, trong đó có cả những oan ức mà anh đã phải thốt lên trong những vần thơ xoay quanh chuyện Nhân - Quả.

Nói về cơ duyên đến với thơ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho rằng: “Tôi sinh ra không phải để làm thơ, nhưng những năm 1980 khi từ Lào về phép tôi đã đi “tán gái” bằng thơ. Sau đó, mẹ cô ấy, tức mẹ vợ tôi bây giờ, đã tặng lại tôi một bài thơ mà đến giờ tôi vẫn nhớ. Sau này, thơ tôi được nhiều nhạc sĩ cùng chung mạch cảm và họ đã phổ nhạc, điều đó càng làm cho tôi có thêm cảm xúc để sáng tạo. Khi thơ của tôi được các nhạc sĩ chắp cánh thành nhạc cũng chính là chuyển về cuộc sống về tình yêu và hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ như tôi từng viết: “trả lại cho đời giá trị niềm tin”. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì anh cũng luôn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình:“Ta là ta dẫu thế thái tang bồng/Thắng hay thua chỉ là trò ảo mộng/Bỏ dấu hỏi, dấu huyền gửi vào đời nốt lặng/Thành thót tiếng đàn thành bản nhạc ru ta”.

Sự thâm thúy của ngôn từ làm nên chiều sâu tác phẩm

Cả đời gắn liền với binh nghiệp, song điều khiến tôi thắc mắc là trong thơ và văn của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp dù viết về Tổ quốc hay về tình yêu; thậm chí là viết về những công trình, những con đường mà anh đã qua, những người mà anh đã gặp, nhưng dường như vốn cổ, lối viết cổ ngấm sâu trong anh, cho dù tác phẩm được viết ra ở bất cứ thể loại, đề tài nào, cũng được anh vận dụng một cách uyển chuyển.

Lý giải cho điều này, đại tá Nguyễn Đăng Giáp kể: “Ông bà nội, ngoại tôi là một pho kinh sử, thuộc nhiều thơ văn nên tôi được thừa hưởng dòng máu và vốn cổ từ các cụ truyền lại. Từ truyền thống của gia đình cả bên nội và bên ngoại gần như những tích truyện cổ, văn học theo lối Hán Văn rất sâu sắc, có ý nghĩa luôn đươc tôi tìm hiểu và vận dụng. Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng làm rất khó “kiến dĩ tác nan”. Tôi cho rằng: thơ, văn học phải có sự thâm thúy mà muốn có chiều sâu thì phải tích lũy, vận dụng những vốn văn học cổ, thì tác phẩm mới có chiều sâu, đọng lại trong lòng công chúng.

GS, NGND Nguyễn Đình Chú sau khi nghe bài thơ “Đoạn trường tôi sống”, đã nói với tôi rằng: Giờ đây tôi phải nhìn anh bằng con mắt khác, vì vốn cổ, lối sống của tôi… Có lẽ do tôi được kế thừa từ ông bà nội ngoại, từ cha mẹ mới có được nền tảng đó, bởi tôi nghĩ “phi cổ bất thành kim”.

Ca khúc: Cha Tôi - âm nhạc Doãn Tiến, lời thơ Nguyễn Đăng Giáp, ca sĩ Tùng Dương

Anh hùng Lao động, Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp: "Con chim để tiếng, con người để danh; Thương hiệu thì có thể mua được nhưng để xây dựng văn hóa doanh nhân bền vững cần thời gian và sự đo đếm bằng những sản phẩm vật thể và phi vật thể để lại cho đời: “Dẫu đông về con tim ta vẫn cháy/ Cho những công trình nhuốm bụi thời gian” (Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội). Đến giờ tôi đã toại nguyện khi trải lòng mình về văn hóa doanh nhân và để giữ được thương hiệu và tạo niềm tin với cộng đồng xã hội".

Quả thực, khi đọc thơ của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp dù đề tài nghe tưởng chừng quen thuộc, song qua lăng kính của anh, nó trở nên sống động và đậm chất sử thi, như trong bài “Một thoáng Hồ Gươm”, chất sử thi hiện rõ bởi những ngôn từ đặt chắt lọc, tinh tế, sâu sắc và thâm thúy. Nói là “một thoáng” nhưng thực ra nó là cả sự tích tụ, gom góp, chắt chiu trong anh nhiều năm: “Chuyện kể rằng: Gươm thần thời Lê Lợi/ Đã làm nên huyền thoại chốn kinh thành/ Miền đất hứa của một thời trai trẻ/ Túi nải bền quai - ta đã cập bến bờ…

Có lẽ không riêng gì “Một thoáng Hồ Gươm” mà hầu hết, tất cả những bài thơ anh viết về Hà Nội đều mang chất sử thi như bài: “Nói với mùa xuân Hà Nội”, hay như trong 475 câu thơ được anh viết trong 4 đêm ròng mang tên "Đoạn trường tôi sống" để tóm gọn hành trình 45 năm cuộc đời binh nghiệp. Có thể nói, vốn văn cổ đã “thấm” vào trong anh để rồi bất ra trong thơ như một lẽ tự nhiên.

Không chỉ khai thác tích cổ, vốn văn học cổ, mà trong thơ Nguyễn Đăng Giáp còn thấm đẫm tình người, hồn quê. Dường như miền quê Xứ Nghệ với những phong cảnh hữu tình, thơ mộng của “non xanh, nước biếc” luôn ẩn hiến, day dứt trong lòng và chỉ chờ mỗi khi có cơ hội là bật lên thành những ngôn từ thấm đượm hồn quê: “Đi từ cát bạc, cồn khô/ Mà nay đã lấy Bờ Hồ “làm quê”/ Sông Lam vẫn nặng lời thề /Gừng cay, muối mặn - không hề phôi pha…”

Hay như trong bài: “Khát vọng và tình yêu Hà Nội” thì những câu hát quê hương cũng được anh khoe léo khi vận dụng trong bài: “Chân lý cuộc đời và những trang văn / Qua lời mẹ ru câu ca Ví- Giặm/ Tuổi trẻ Trường Sơn thời chiến trận/ Nay trở về hoa sữa đất Thăng Long/ ...Những dòng sông lượn vòng ra tận bể /Chở câu ví con đò - đếm ngược thời gian".

Nguyễn Đăng Giáp là vậy. Bên cạnh những lo toan, lăn lộn trên thương trường khốc liệt luôn ấn sâu trong trái tim, con người anh môt hồn thơ mãnh liệt và đong đầy cảm xúc về tình yêu Tổ quốc, sự hiếu kính ông bà, cha, mẹ, anh chị em ruột thịt, xóm làng. Sự bao dung đối với thế hệ trẻ… tất cả những xúc cảm về con người, về thời cuộc được anh hóa giải bằng những vần thơ mang đậm yếu tố nhân sinh và vút lên như những tia sáng ban mai trong lành giữa những hối hả bon chen của cuộc sống thường nhật: “…Thời trai đi qua như trút lá vàng/ Ân nghĩa thủy chung đong đầy năm tháng/ Nam Đế, Nam Đồng, thành Thăng Long mưa nắng/ Cho ta hiểu thêm thế thái nhân tình…”

Và giờ đây, dù tuổi đời đã sắp tới ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng nhiệt huyết, tính chiến đấu trong anh vẫn vẹn nguyên như thời trai trẻ, bầu máu nóng vẫn chảy rần rật trong huyết quản vị Đại tá với một khát khao vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới như anh đã khẳng định:“Như chim ưng luôn tung cánh vươn xa/ Dù phía trước đường bay dài vời vợi/ Biết sứ mệnh còn bao nhiêu chờ đợi/ Lửa thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi”.

KHÁT VỌNG VÀ TÌNH YÊU HÀ NỘI

(Viết tặng 36 phố phường Hà Nội mùa thu năm 2017)

Nguyễn Đăng Giáp

Chân lý cuộc đời và những trang văn Ngọn tháp Hồ Gươm dãi dầu năm tháng

Qua lời mẹ ru - câu ca ví giặm Bao đời vua xoay hướng đổi chiều

Tuổi trẻ Trường Sơn thời chiến trận Thị Lộ “ Chi Viên" những năm trường oan khuất

Nay trở về hoa sữa đất Thăng Long. Xao xác đất trời nhức nhối tận đời ta.

Đời là nhạc, đời là thơ Nhớ một thời phí phạm sức trai

Đưa ta vượt thác, đưa ta xuôi ghềnh Nắng lửa từ Môn Sơn - Khe Thị

Giữa chiến trận và thương trường Những dòng sông lượn vòng ra tận bể

Tình yêu - khát vọng - tỏa hương với đời. Chở câu ví con đò - đếm ngược thời gian.

Hà Nội hôm nay đời người như hương lửa

Duyên phận đa đoan ngọc sáng vẫn mài

Song hành cùng nhau tháng ngày còn lại

Để cuộc đời hát mãi bản tình ca./.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/ahld-nguyen-dang-giap-cuoc-doi-day-toi-2-chu-nhan-qua-877936.html