Agribank Thanh Hóa tập trung cho vay hộ sản xuất và cá nhân

Thông qua việc dành nguồn vốn lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó tín dụng hộ sản xuất và cá nhân (HSX&CN) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đã khẳng định vai trò chủ đạo, trực tiếp tạo 'lực đẩy' để lĩnh vực quan trọng này phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Được vay vốn của Agribank Thiệu Hóa, nhiều hộ dân thị trấn Thiệu Hóa đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Tình, xã Trường Xuân (Thọ Xuân), được chị cho biết: Thời gian qua, việc vay vốn tại Agribank Thọ Xuân khá thuận lợi, thủ tục nhanh gọn, giải ngân kịp thời, lượng vốn vay cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của gia đình... Từ năm 2015, gia đình chị đầu tư phát triển trang trại nuôi gà siêu trứng, từ số vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, đến nay dư nợ là 500 triệu đồng. Có vốn, chị đầu tư xây dựng trang trại nuôi gần 10 nghìn con gà siêu trứng, doanh thu đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm; chị Tình luôn thực hiện nghiêm túc việc trả tiền lãi, tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank, cùng các quy định mới của pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay HSX&CN, Agribank Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc trong hệ thống phấn đấu tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm và tăng đều trong các quý thông qua việc đẩy mạnh công tác tiếp thị, tìm kiếm khách hàng mới; áp dụng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, các gói cho vay ưu đãi lãi suất, phí; tăng cường các biện pháp củng cố, phát triển thị phần, thị trường; giữ vững khách hàng truyền thống... Bên cạnh đó, Agribank Thanh Hóa cũng tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo, các tổ vay vốn trong việc nắm bắt, tập hợp nhu cầu vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ, lãi tồn đọng, nợ đã xử lý rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống, hoạt động cho vay HSX&CN của Agribank trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt nhiều kết quả tích cực, tính đến ngày 20-12, tổng dư nợ cho vay HSX&CN của Agribank Thanh Hóa đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89,6% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế với 97 nghìn HSX&CN. Hiện ở các địa phương, Agribank Thanh Hóa đang nhận tín chấp với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hơn 5 nghìn tổ vay vốn cho hơn 160 nghìn hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua các tổ vay vốn, Agribank đã từng bước thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động ngân hàng; đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn kỹ năng quản lý, sử dụng vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, giúp khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank.

Cùng với chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho HSX&CN, bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo hướng an toàn, bền vững, Agribank Thanh Hóa thực hiện mở rộng thị trường đi đôi với kiểm soát và nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng. Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quy trình nghiệp vụ tín dụng; điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời thông tin khách hàng vào hồ sơ kinh tế hộ để phục vụ hiệu quả công tác thẩm định cho vay và phát triển sản phẩm dịch vụ.

Trong công tác phòng ngừa, hạn chế rủi ro, Agribank Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện nghiêm quy trình, tần xuất kiểm tra sau khi cho vay; nâng cao chất lượng thẩm định và vai trò, trách nhiệm của cán bộ kiểm soát khoản vay để kịp thời chỉnh sửa những sai sót trước khi giải ngân, phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, có biện pháp xử lý, tránh phát sinh nợ xấu. Hạn chế cấp tín dụng đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý đối với hình thức cho vay thấu chi, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; hạn chế nhận tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, tài sản bảo đảm của bên thứ ba, tài sản bảo đảm khó quản lý, nhanh giảm sút giá trị... Không áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng vốn lưu động đối với khách hàng có lịch sử quan hệ tín dụng không tốt, không có nhu cầu vay vốn và trả nợ thường xuyên, chu kỳ luân chuyển vốn kéo dài. Hạn chế cho vay các khách hàng cùng lúc có quan hệ với nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Ngoài chú trọng về nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp và xử lý tình huống thực tế cho cán bộ tín dụng, Agribank Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tín dụng; yêu cầu cán bộ thực hiện đúng các quy định trong giao tiếp, làm việc với khách hàng và trong quan hệ nội bộ theo cẩm nang văn hóa Agribank, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với khách hàng.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/agribank-thanh-hoa-tap-trung-cho-vay-ho-san-xuat-va-ca-nhan/129228.htm