Agribank nói gì về việc 'Ngư dân đóng tàu Nghị định 67 đồng loạt kêu cứu'?

11 ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa đồng loạt ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh và cơ quan chức năng liên quan kêu cứu về việc kỳ thanh toán nợ gốc vay vốn ngân hàng lúc thấp lúc cao hơn 10 lần.

Các ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67 trình bày sự việc với PV Lao Động. Ảnh: PV

Theo họ, đây là áp lực lớn, dẫn đến nợ xấu, thậm chí mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, phía Agribank Khánh Hòa khẳng định họ thực hiện theo đúng quy định, quy chế của NHNN và quy định của Agribank.

Áp lực lớn, dễ hình thành nợ xấu

Theo quy định của Nghị định 67 (nay là Nghị định 17 sửa đổi), năm đầu tiên tham gia vay vốn, ngư dân không phải nộp tiền nợ gốc, mà bắt đầu thanh toán dần vào năm thứ 2. Tuy nhiên, việc trả nợ gốc vay Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là ngân hàng này phân bổ thu hồi nợ gốc không đồng đều ở các kỳ thu (ví dụ như ngư dân Trần Văn Đạt trả nợ cao nhất 330 triệu đồng/kỳ, thấp nhất 20 triệu đồng/kỳ), gây khó khăn cho họ trong việc trả nợ, nợ xấu có thể xảy ra. “Làm sao chủ tàu cá có thu nhập bình quân 110 triệu đồng/tháng để trả nợ gốc? Đó là chưa tính lãi phải trả” - ngư dân Đạt bày tỏ. Trong khi đó, ngư dân vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa (BIDV Khánh Hòa) thì nợ gốc lại được chia đều giữa các kỳ.

Trong đơn kiến nghị, các ngư dân mong muốn ngân hàng tạo điều kiện để họ trả nợ, không nên kỳ thu quá nhiều, kỳ thu quá ít. PV Báo Lao Động đã đối chiếu giữa các kỳ trả nợ gốc của ngư dân vay vốn Agribank Khánh Hòa và nhận thấy ngân hàng này đưa ra các mức đóng khác nhau khi ký hợp đồng cho vay với ngư dân. Trừ năm đầu chưa chi trả nợ gốc, năm thứ 2 ngân hàng đưa ra mức thu nợ khá cao, sau đó giảm dần sau từng năm.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Phi (Hòn Rớ, xã Phước Đồng), nghề biển rất bấp bênh, vô chừng, ảnh hưởng lớn của thời tiết và con nước, bạn tàu. Vì thế, nợ xấu là nguy cơ rất dễ xảy ra, thậm chí ngư dân phải thế chấp hoặc bán nhà cửa mới có thể chi trả được nợ gốc và lãi suất.

“Khi ký thỏa thuận thanh toán nợ với ngân hàng, chúng tôi cũng có ý kiến nhưng nhận được câu trả lời sẽ xem xét. Chúng tôi cho rằng ngân hàng muốn thu hồi vốn nhanh nên mới thỏa thuận vậy. Thực tế, tôi phải lấy thu nhập từ những con tàu khác để chi trả nợ cho con tàu Nghị định 67 đã đóng” - ngư dân Nguyễn Ngọc Đông (Hòn Rớ, xã Phước Đồng) cho hay, và mong muốn ngân hàng chia đều mức trả nợ giữa các kỳ để ngư dân “dễ thở”.

NHIỆT BĂNG - LAN HƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/agribank-noi-gi-ve-viec-ngu-dan-dong-tau-nghi-dinh-67-dong-loat-keu-cuu-600023.ldo