Agribank cổ phần hóa chậm, 5/6 công ty con thua lỗ

Kiểm toán Nhà nước đánh giá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là một trong số những ngân hàng đầu tư tài chính không hiệu quả. Theo đó, Agribank cổ phần hóa chậm, trong khi có tới 5/6 công ty con kinh doanh thua lỗ.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2018 niên độ ngân sách 2017 trên cơ sở kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước.

Theo báo cáo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là một trong những đơn vị kinh doanh có lãi và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên mức 7%. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn tồn tại không ít hạn chế.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2017, Agribank đầu tư hơn 2.390 tỷ đồng vào công ty con nhưng cổ tức và lợi nhuận được chia chỉ 12 tỷ đồng, trong khi trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư.

Đáng chú ý, có 5/6 công ty con của Agribank lỗ lũy kế: Công ty tài chính ALC I lỗ 713 tỷ đồng, Công ty ALC II lỗ 12.464 tỷ đồng (đã xong thủ tục phá sản), Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng nông nghiệp 469 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam 113 tỷ đồng, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản lỗ 6,3 tỷ đồng. Riêng khoản đầu tư 47 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bị mua lại giá 0 đồng.

Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Agribank.

Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Agribank.

Mặt khác, Agribank bị cho là hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác khi hạch toán thừa lãi dự thu 136 tỷ. Nhà băng này cũng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn khi nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Phân loại nợ của Agribank được KTNN chỉ ra là chưa phù hợp. Vì thế, KTNN đã điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 hơn 1.250 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 703, 6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 55,4 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 100,4 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 5 là 595,9 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này bị cho là chưa chính xác. KTNN đã điều chỉnh tăng chi phí dự phòng cụ thể 341,5 tỷ, giảm chi phí dự phòng chung 4,9 tỷ đồng.

Cũng theo KTNN, Agribank còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, hỗ trợ lãi suất sai quy định. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có 9 lô đất chưa được sử dụng với tổng diện tích là 16.911 m2.

Khi được hỏi, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho hay: Bộ đã hướng dẫn rà soát đất đai từ năm 2017, song đến nay, Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất, dẫn tới không thể cổ phần hóa đúng tiến độ quy định.

Bên cạnh Agribank, KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại chung ở các ngân hàng có vốn Nhà nước trong việc chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất và chưa thu hồi nợ tồn đọng nhóm 2 và nợ có tính chất tồn đọng nhóm 2 để hoàn trả ngân sách.

Khách hàng tới giao dịch tại Agribank. Ảnh minh họa.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, có 108,22 tỷ đồng và 2,2 triệu USD chưa được quyết toán. Trong đó, có 36 tỷ đồng và 2,2 triệu USD tại VietinBank; hơn 40 tỷ đồng tại BIDV; gần 31 tỷ đồng tại Agribank; hơn 1 tỷ đồng từ Vietcombank.

Theo báo cáo, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn những thiếu sót như để tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2011-2017 ở mức gần 12% mà vẫn chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ này xuống dưới 10% theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống được đánh giá không đáng tin cậy bởi một số ngân hàng đầu tư trái phiếu chéo, "cải thiện ảo" hệ số. Ngoài ra, hệ số này còn loại trừ các ngân hàng yếu kém và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Một số ngân hàng khác như Bảo Việt, Đông Nam Á, Nam Á, Đại Chúng, Việt Nam Thương Tín cũng sai phạm khi tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép với tổng dư nợ vượt gần 7.000 tỷ đồng... Tình trạng chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất và chưa thu hồi nợ tồn đọng để hoàn trả ngân sách nhà nước vẫn diễn ra.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra sai phạm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) trong việc xóa nợ 95,37 tỷ đồng cho 9.187 khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của UBND và công an xã/phường. NHCSXH không đàm phán mức phí huy động vốn với các TCTD, mà thanh toán bằng mức tối đa theo quy định của NHNN là 1,35%, ảnh hưởng đến cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN.

Ngọc Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/agribank-co-phan-hoa-cham-56-cong-ty-con-thua-lo-77878.html