Afghanistan, Pakistan thảo luận về tiến trình hòa bình

Giới chức Pakistan cho biết Đặc phái viên của Tổng thống Afghanistan về Pakistan đã đến Pakistan trong ngày 24/2 để tiến hành các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình của Afghanistan.

Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết ông Mohammad Omar Daudzai sẽ đại diện cho Afghanistan tham gia các cuộc đàm phán của một ủy ban giữa Pakistan và Afghanistan về tiến trình hòa bình. Dẫn đầu phái đoàn Pakistan tham dự cuộc họp này ông Mohammad Sadiq, quan chức phụ trách vấn đề Afghanistan. Dự kiến, nhân chuyến thăm này, đặc phái viên của Afghanistan cũng sẽ gặp một số quan chức Chính phủ Pakistan.

Binh sĩ Đức tuần tra tại tỉnh Kunduz, Afghanistan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Binh sĩ Đức tuần tra tại tỉnh Kunduz, Afghanistan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Liên quan đến tình hình Afghanistan, ngày 24/2, Chính phủ Đức đã nhất trí gia hạn 10 tháng sự hiện diện quân sự của nước này ở Afghanistan. Quyết định sẽ kéo dài sứ mệnh hiện nay của quân đội Đức ở Afghanistan đến ngày 31/1/2022, thay vì thời hạn hiện tại là vào cuối tháng 3 tới. Tuy nhiên, động thái này vẫn cần có sự thông qua của Hạ viện Đức.

Đức hiện có số binh sĩ tại quốc gia Nam Á này nhiều thứ 2, sau Mỹ, với khoảng 1.100 binh sĩ trong khuôn khổ phái bộ gồm 9.600 quân nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hồi tuần trước, NATO cho biết chưa đưa ra "quyết định cuối cùng" về tương lai của sứ mệnh này.

Theo thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Taliban đạt được dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tất cả lực lượng Mỹ sẽ phải rút khỏi Afghanistan trước tháng 5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét lại.

Ngày 12/2 vừa qua, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực.

Ngày 19/2, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và Pakistan đã thảo luận về khả năng hoãn việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan. Ngày 22/2, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem cho biết Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban đã nối lại đàm phán tại Qatar sau khi cuộc hòa đàm đột ngột kết thúc vào tháng 1/2021.

Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được khởi động từ tháng 9/2020 song chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Trong khi đó, các vụ tấn công bạo lực gia tăng mạnh do hiện vẫn chưa rõ liệu các lực lượng quốc tế có rút quân vào giữa năm nay như kế hoạch ban đầu hay không.

Báo cáo thường niên của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) công bố ngày 23/2 cho thấy, trong năm 2020, trên 8.800 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột. Mặc dù con số này giảm 15% so với năm 2019, điều đáng báo động là chỉ tính riêng quý IV/2020 - thời điểm bắt đầu diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban, số dân thường thương vong tăng cao nhất từ trước đến nay.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/afghanistan-pakistan-thao-luan-ve-tien-trinh-hoa-binh-20210224220943373.htm