Afghanistan lại trở thành trung tâm khủng bố?

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chỉ 8 tháng sau khi lực lượng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, tình trạng bạo lực tại nước này ngày một gia tăng và làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia Tây Nam Á có thể một lần nữa trở thành trung tâm bất ổn và khủng bố tại khu vực.

Taliban kiểm soát an ninh trên đường phố. Ảnh: Reuters

Taliban kiểm soát an ninh trên đường phố. Ảnh: Reuters

ISIS-K trỗi dậy

Theo tờ Al Jazeera, một loạt vụ tấn công mới đây trên khắp Afghanistan đã lấy đi sinh mạng của nhiều người, gồm cả trẻ em. Ðáng lo ngại khi hầu hết các vụ tấn công do ISIS-K, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động chủ yếu tại Afghanistan và Pakistan, thực hiện. Các vụ tấn công tàn khốc này tiếp tục gây bất ổn cho quốc gia vốn đã “rơi tự do” về kinh tế và càng làm gia tăng nghi ngờ rằng Taliban có thể bảo vệ người dân Afghanistan, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, khỏi bạo lực và khủng bố.

Các vụ tấn công bắt đầu hôm 19-4 khi những kẻ thủ ác thực hiện vụ đánh bom kép tại Trường Trung học Abdul Rahim Shaheed và Trung tâm Giáo dục Mumtaz ở phía Tây thủ đô Kabul. Ít nhất 6 người thiệt mạng và 17 người bị thương trong vụ tấn công tại Trường Abdul Rahim Shaheed, trong đó chủ yếu là người Hazara thuộc cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite.

Các cuộc tấn công tiếp diễn hôm 21-4 nhằm vào nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite Seh Doken ở thành phố Mazar-e-Sharif. Một ngày sau đó, ISIS-K tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công khiến ít nhất 31 người chết và làm bị thương nhiều người khác này. Cũng trong ngày 22-4, ISIS-K tấn công một xe buýt ở tỉnh Kunduz khiến 4 người thiệt mạng và 18 người bị thương. Và sau khi chính quyền Taliban tuyên bố bắt giữ “kẻ chủ mưu” vụ đánh bom ở Mazar-e-Sharif, một vụ nổ đã xảy ra tại một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Kunduz giết chết ít nhất 30 người.

Không rõ liệu ISIS-K có đứng sau tất cả các vụ tấn công nói trên hay không nhưng điều đó cho thấy Taliban hoặc không toàn quyền kiểm soát tình hình an ninh ở Afghanistan, hoặc không quan tâm đến việc bảo vệ sự an toàn của các nhóm dân tộc thiểu số. “Những kẻ tấn công đang cố gắng tạo ra tình trạng bất ổn để chứng minh rằng ngay cả khi Taliban nắm quyền, chúng vẫn có thể thực hiện các vụ tấn công. Chúng đang tạo ra mùa xuân và mùa hè hủy diệt” - Faiz Zaland, chuyên gia phân tích học thuật và chính trị ở Kabul, nhận định.

Taliban thất hứa?

Cả Taliban và ISIS-K đều là các nhóm cực đoan Hồi giáo dòng Sunni, luôn xem người Hồi giáo dòng Shiite là những kẻ bội đạo. Dù Taliban có lịch sử nhắm mục tiêu vào người Shiite nhưng lực lượng này đã cam kết trước khi tiếp quản Afghanistan rằng các nhóm dân tộc thiểu số sẽ được chính quyền mới bảo vệ.

Song, ngay cả trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan lần thứ hai vào tháng 8 năm ngoái, đã xuất hiện một số vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite, cụ thể là người Hazara. Chẳng hạn, cuộc tấn công vào một trường nữ sinh ở khu vực chủ yếu do người Hazara sinh sống tại Kabul vào tháng 5-2021 đã giết chết ít nhất 90 người. Taliban khi đó phủ nhận trách nhiệm và cho biết sẽ có các biện pháp bảo vệ các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là sau một số vụ tấn công nhằm và cộng đồng người Hazara do ISIS-K thực hiện, đồng thời tuyên bố sẽ không can thiệp vào việc thờ cúng của người Hồi giáo dòng Shiite.

Asfandyar Mir, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ, nói rằng chính quyền Taliban mới ở Afghanistan không chỉ trực tiếp đe dọa người Hazara mà còn không thể hoặc không sẵn sàng bảo vệ họ cũng như các nhóm dân tộc thiểu số khác trước các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố, cụ thể là ISIS-K. Theo ông Mir, dù Taliban kể từ khi lên nắm quyền đã tăng cường trấn áp ISIS-K nhưng không thể ngăn chặn hoạt động ngầm của chúng ở hầu hết các khu vực tại Afghanistan, nơi chúng đặt trụ sở và hoạt động trước khi Taliban tiếp quản.

Mỹ và Liên Hiệp Quốc xác định tại Afghanistan có khoảng 20 nhóm khủng bố hoạt động từ 20 năm qua, trong đó nổi bật là al Qaeda, IS, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan (ETIM), Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) và Lashkar-e-Taiba. Các thế lực cực đoan này giờ đây không chỉ gây bạo lực nhằm lật đổ Taliban mà còn tạo bất ổn ở các nước láng giềng Trung Á và Pakistan.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/afghanistan-lai-tro-thanh-trung-tam-khung-bo-a146246.html