Afghanistan công bố phái đoàn tham gia đàm phán hòa bình với Taliban

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thông báo chính phủ nước này đã thành lập phái đoàn gồm 12 người tham gia hòa đàm với phiến quân Taliban nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua.

Các tay súng Taliban tại khu vực ngoại ô Jalalabad, ngày 16/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/11, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thông báo chính phủ nước này đã thành lập phái đoàn gồm 12 người tham gia hòa đàm với phiến quân Taliban nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua.

Tổng thống Ghani đưa ra thông báo trên tại Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về Afghanistan, tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ.

Phái đoàn của Chính phủ Aghanistan sẽ do ông Abdul Salam Rahimi, Chánh văn phòng chính phủ, từng là Thứ trưởng Tài chính và được xem là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Ghani, dẫn đầu.

Ông Ghani cho biết thêm ông đã đưa ra một "lộ trình" cho cuộc hòa đàm và những nguyên tắc mà theo ông phải là phần cốt lõi trong bất kỳ thỏa thuận nào - bao gồm tôn trọng Hiến pháp Afghanistan, bác bỏ hoàn toàn sự can thiệp của "các nhóm tội phạm và khủng bố nước ngoài" vào vấn đề nội bộ của Afghanistan.

Tổng thống Ghani nêu rõ chính quyền Kabul tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình mà theo đó nhóm Taliban tại Afghanistan tham gia vào một xã hội dân chủ.

Động thái trên đã phát đi tín hiệu lạc quan đối với tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Afghanistan bất chấp tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn tại quốc gia Tây Nam Á này, mới đây nhất là vụ tấn công nhằm vào khu tổ hợp an ninh G4S của Anh ở thủ đô Kabul khiến 10 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Cố vân an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib khẳng định vụ bạo lực trên sẽ không cản trở tiến trình hòa bình tại nước này, cũng như nỗ lực của chính quyền Kabul trong việc giải quyết xung đột. Ông Mohib nhấn mạnh "quả bóng hiện đang ở phía sân của Taliban."

Cũng tại hội nghị về Afghanistan ở Geneva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và chính trị xuống cấp nghiêm trọng tại Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh "một cuộc đối thoại mở rộng tại Afghanistan với sự tham gia của chính phủ, nhóm Taliban cùng tất cả các lực lượng xã hội và chính trị tại nước này là cần thiết."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đề xuất nước này đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các bên xung đột tại Afghanistan.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini cho biết EU sẽ tiếp tục các nỗ lực ủng hộ tiến trình hòa bình tại Afghanistan thông qua những đóng góp cụ thể của khối này.

Ngoài sự hỗ trợ hiện tại đối với người dân Afghanistan, EU có thể hỗ trợ chính quyền Kabul thực hiện cải cách, chẳng hạn về lĩnh vực an ninh trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình, bên cạnh đó, EU cũng sẵn sàng thúc đẩy các dự án hợp tác về thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng giữa Afghanistan với các quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, quan chức phụ trách các vấn đề chính trị và an ninh thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, ông Nicolas de Riviere cho rằng các nước Nam Á nên sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Taliban ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Afghanistan.

Ông Riviere nhấn mạnh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế cần được tiến hành theo hướng giúp Chính phủ Afghanistan và Taliban không còn ở thế đối đầu nữa.

Hội nghị Bộ trưởng Geneva do Liên hợp quốc tổ chức trong 2 ngày 27-28/11 nhằm thiết lập một chương trình nghị sự để kiến tạo hòa bình ở Afghanistan, mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.

Trong nhiều năm qua, Afghanistan là địa bàn hoạt động của Taliban và nhiều nhóm phiến quân khác, bao gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2009 tới nay, hơn 26.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang.

Đầu tháng 11 này, một cuộc đàm phán hòa bình về Afghanistan cũng đã được tổ chức tại thủ đô Moskva của Nga nhằm khởi động tiến trình đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kabul và Taliban. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn của Taliban tham gia cuộc đàm phán đa phương như vậy. Tuy nhiên, các bên đã không đạt được bước đột phá nào./.

Thanh Hương-Linh Hương-Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/afghanistan-cong-bo-phai-doan-tham-gia-dam-phan-hoa-binh-voi-taliban/537475.vnp