AFF Cup – Nơi sống dậy của các nền bóng đá Đông Nam Á: Viên gạch niềm tin của người Mã

Khi khai sinh ra giải đấu số một khu vực, lãnh đạo LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) có lẽ cũng không lường được việc, họ đã làm hồi sinh và thức tỉnh rất nhiều nền bóng đá tưởng như đã ngủ quên.

Bóng ma dàn xếp tỷ số

Singapore được ưu ái tổ chức kỳ Tiger Cup đầu tiên vào năm 1996, tiền thân của AFF Cup ngày nay, nhưng người hưởng lợi lớn nhất ở giải đấu năm đó lại là nước láng giềng Malaysia. Vào thời điểm đó, xứ tháp đôi Petronas vẫn còn dư âm từ bê bối dàn xếp tỷ số của hơn 100 quan chức, cầu thủ cũng như giới cá cược trước đó hai năm. Tại SEA Games 18 năm 1995, đội tuyển nước này xếp thứ tư, và rất nhiều người hâm mộ Malaysia mất niềm tin vào nền bóng đá nước nhà.

Đội tuyển Malaysia giành HCB ở Tiger Cup 1996.

Vào thập niên 90, bóng đá Đông Nam Á là vùng trũng của bóng đá thế giới cũng như châu lục. Malaysia không thoát khỏi số này. Một nền bóng đá được quản lý lỏng lẻo, cộng với khoản lương, thưởng bèo bọt dành cho giới cầu thủ trở thành điểm đến hấp dẫn của những tay trùm cá độ. Sau năm 1994, Malaysia còn điêu đứng thêm một lần nữa trong thập niên 90, vào năm 1998, ngay trước thềm Tiger Cup tổ chức tại Việt Nam. Đó là lý do giải thích tại sao, đội đương kim á quân lại bị loại ngay từ vòng bảng ở kỳ Tiger Cup thứ hai. Nhưng đó là chuyện còn về sau, còn vào năm 1996, viễn cảnh về một tương lai xán lạn đã hiển hiện trước mắt nhiều CĐV Malaysia nhờ màn trình diễn ấn tượng của đội tuyển nước này.

Không được đánh giá cao bằng Indonesia, Việt Nam hay Myanmar trước giải nhưng thầy trò Wan Jamak đã làm được điều thần kỳ. Tân HLV của Malaysia kiên quyết gạt bỏ mọi cầu thủ nằm trong nghi vấn tiêu cực, dù tài năng đến đâu. Ông cho gọi những cầu thủ có phong độ tốt tại giải VĐQG Malaysia, với nòng cốt là các đội Selangor, Pahang, Johor và Negeri Sembilan. Cựu binh Zainal Hassan được giao băng đội trưởng và cho đến giờ, sau 22 năm, ông vẫn là cầu thủ Malaysia duy nhất giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất một kỳ AFF Cup.

Tiger Cup 1996 gần như là giải đấu đỉnh cao duy nhất của rất nhiều cầu thủ Malaysia. Họ hoặc đã lớn tuổi khi bước vào giải như đội trưởng Zainal, thủ môn Muadzar Mohamad, tiền vệ Dollah Salleh, hoăc còn quá trẻ như Faizal Zainal, Idris Karim. Nhiều cầu thủ thậm chí còn không được gọi trở lại đội tuyển sau giải đấu, và có sự nghiệp chỉ ở mức làng nhàng sau tiếng vang trên đất Singapore. Tuy nhiên, những điều ấy càng khiến thế hệ Malaysia năm 1996 trở nên lung linh trong mắt người hâm mộ.

Trận ra quân, Malaysia đánh rơi chiến thắng trước chủ nhà Singapore khi bị huyền thoại Fandi Ahmad gỡ hòa 1-1 ở phút 89. Nhưng ở trận kế tiếp, "Những chú hổ" thể hiện quyết tâm bằng việc đè bẹp Philippines 7 bàn không gỡ. Trận đấu khó khăn nhất của Malaysia đến ở lượt thứ ba. Trước đối thủ được coi là “ông kẹ” của khu vực lúc đó, Thái Lan, Malaysia chơi sòng phẳng và quả cảm cầm hòa 1-1, dù bị dẫn trước. Người ghi bàn đưa đội bóng vào bán kết chính là đội trưởng Zainal Hassan.

Dollah Salleh, thành viên của đội tuyển Malaysia thập niên 90, nay là HLV.

Chạm ngõ thành công

Ở bán kết năm đó, Malaysia chạm trán Indonesia, đội bóng sở hữu cặp tiền đạo được đánh giá rất cao là Kurniawan Yulianto và Peri Sandria. Riêng Kurniawan từng có thời gian ăn tập tại CLB danh tiếng của Italia, Sampdoria. Tại vòng bảng, Indonesia thể hiện phong độ cực kỳ ấn tượng khi ghi tới 15 bàn trong 4 trận, với chiến thắng vang dội 6-1 trước Myanmar, một đối thủ cực kỳ khó chịu tại Đông Nam Á thập niên 90. Trận hòa duy nhất của đội bóng xứ vạn đảo là trước Việt Nam, khi Hoàng Bửu san bằng tỷ số 1-1 trên chấm phạt đền vào cuối trận.

Bị đánh giá cửa dưới nhưng Malaysia đã khiến đối thủ bất ngờ khi lựa chọn lối chơi tấn công phủ đầu. Chỉ sau 15 phút, lưới Indonesia đã hai lần rung lên, sau các pha dứt điểm của Sanbagamaran và Rusdee Sulong. Bàn phản lưới nhà của Azmil Azali cuối hiệp một không làm giảm nhuệ khí của Malaysia. Họ chơi bùng nổ dữ dội hơn trong 45 phút còn lại, và có bàn ấn định chiến thắng 3-1 khi trận đấu còn 15 phút nhờ công của Shamsurin.

Gặp lại Thái Lan ở chung kết, Malaysia gặp tổn thất lớn về lực lượng khi thiếu tiền vệ sáng tạo Dollah Salleh. Kiatisuk Senamuang chồng chất thêm khó khăn cho xứ tháp đôi Petronas ngay phút thứ 10 bằng một pha cứa lòng đẳng cấp mở tỷ số. Dù nỗ lực trong hơn 80 phút còn lại, Malaysia không tài nào tìm được bàn gỡ. Thua 0-1 và nhận HCB nhưng Malaysia vẫn được người hâm mộ chào đón như người hùng khi trở về thủ đô Kuala Lumpur. Báo chí nước này gọi thành tích của thầy trò Wan Jamak là “kỳ tích”, là “tấm huy chương lịch sử”, và “bước ngoặt thay đổi nền bóng đá”.

Sau Tiger 1996, Malaysia đã chạm tới đỉnh vinh quang khi vô địch AFF Cup 2010 nhưng nhiều người vẫn nhớ về dàn cầu thủ “chắp vá” ở thập niên 90. Một trong những cái tên nổi bật nhất năm đó, Dollah Salleh sau đó làm HLV và đưa Malaysia vào chung kết AFF Cup 2014.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/aff-cup-%E2%80%93-noi-song-day-cua-cac-nen-bong-da-dong-nam-a-vien-gach-niem-tin-cua-nguoi-ma-post230079.html