AFF Cup có nên thay đổi để bớt nhàm chán?

Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á 2020 (AFF Cup 2020) đang chứng kiến một kịch bản cũ khi những cái tên quen thuộc giành vé vào bán kết.

Nhóm còn lại dù rất nỗ lực nhưng chưa đủ để tạo ra một cuộc đua hấp dẫn. Liệu có nên thay đổi để giải này bớt đi sự nhàm chán? Nếu thay đổi thì đó sẽ là gì?

AFF Cup 2020 vẫn chỉ là cuộc đua của một nhóm nhỏ. Ảnh: VFF

AFF Cup 2020 vẫn chỉ là cuộc đua của một nhóm nhỏ. Ảnh: VFF

“Big five” và phần còn lại

AFF Cup 2020 đã trôi qua được hơn nửa chặng đường và cho tới lúc này chưa có bất ngờ nào xảy ra. Tại bảng A, Thái Lan cùng Singapore sớm giành vé vào bán kết.

Trong khi đó, tại bảng B, cuộc đua tới vòng 4 đội mạnh nhất hấp dẫn tới lượt trận cuối nhưng cũng chỉ gói gọn trong ba cái tên quen mặt là Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Phần còn lại dù đã rất nỗ lực thay đổi nhưng lực bất tòng tâm.

5 đội bóng kể trên cũng là 5 cái tên vào bán kết nhiều nhất lịch sử AFF Cup. Cụ thể, Thái Lan và Việt Nam cùng 10 lần lọt tới vòng 4 đội mạnh nhất. Malaysia có 9 lần, Indonesia 8 lần và Singapore 5 lần.

Chức vô địch cũng chỉ thuộc về nhóm trên khi Thái Lan 5 lần đăng quang, Singapore 4 lần bước lên ngôi cao nhất, Việt Nam 2 lần và Malaysia 1 lần.

Phần còn lại chưa được hưởng niềm vui chiến thắng và cũng hiếm khi góp mặt ở bán kết. Philippines những năm gần đây nhờ chính sách nhập tịch đã có 4 lần vào bán kết nhưng chưa thể chạm tới trận chung kết. Myanmar khiêm tốn hơn với 2 lần. Lào, Campuchia, Đông Timor hay Brunei đương nhiên không đáng nhắc tên.

Từ thông số quá khứ, đặt vào hiện tại để thấy rằng, bóng đá Đông Nam Á rõ ràng có sự phân cấp thành hai phần riêng biệt mạnh và yếu. Bởi vậy, cuộc đua tới ngôi vô địch AFF Cup gần như chỉ là màn cạnh tranh ở một nhóm nhỏ.

Điều này vô hình chung khiến giải đấu số 1 khu vực trở nên nhàm chán. Bóng chưa lăn người hâm mộ đã hình dung được 4 đội vào bán kết, thậm chí 2 đội đá chung kết.

Sức sút của giải đấu vì thế mà giảm đi phần nào. Về mặt chuyên môn, việc liên tục gặp các đối thủ quen thuộc trong những trận quyết định khiến nhiều động bóng thiếu động lực làm mới mình.

Chuyên gia Lê Thế Thọ thẳng thắn đánh giá, AFF Cup không có quá nhiều giá trị chuyên môn đối với các đội bóng trong khu vực: “Xem các trận đấu sẽ thấy chất lượng không cao, thiếu những cầu thủ giỏi.

Trình độ các đội, kể cả trong top đua vô địch cũng làng nhàng, không học hỏi được lẫn nhau. Để hình dung rõ nhất về chất lượng AFF Cup thì hãy nhìn vào vòng loại World Cup, Thái Lan hay Việt Nam vô địch thuyết phục lắm nhưng ra sân chơi châu lục chỉ làm nền cho các ông lớn”.

AFF Cup cần thay đổi

HLV Triệu Quang Hà có chung quan điểm, AFF Cup dần trở nên nhàm chán. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thực trạng này khó tránh khỏi bởi nền tảng kinh tế của khu vực Đông Nam Á còn thấp và có sự chênh lệch lớn.

“Bóng đá không thể phát triển ở một quốc gia kinh tế kém phát triển. Đông Timor, Lào hay Campuchia họ cũng muốn lớn mạnh nhưng điều kiện chưa cho phép”.

Hiện tại, có một số ý kiến AFF Cup nên trở thành sân chơi cho cầu thủ trẻ rèn luyện. Ông Hà phản đối ý tưởng này bởi các đội tuyển quốc gia ở Đông Nam Á vốn đã ít giải đấu, nếu mất nốt AFF Cup thì càng thiếu động lực tiến lên.

“AFF Cup dẫu sao vẫn là giải đấu danh giá nhất khu vực, có ý nghĩa không chỉ về mặt thể thao mà còn là nơi giao lưu giữa các quốc gia, nền văn hóa. Chúng ta vẫn cần duy trì AFF Cup nhưng nên tìm cách để nó trở nên hấp dẫn hơn, mang tính cạnh tranh hơn”, ông Hà nói.

Tiếp dòng chia sẻ, HLV Triệu Quang Hà cho rằng, vòng loại nên tổ chức nhiều đội và vòng chung kết chỉ cần quy tụ được khoảng 6 đội mạnh nhất.

“Làm như vậy các quốc gia sẽ phải chuẩn bị kỹ càng bởi không trận đấu nào dễ cả. Nếu không chia bảng được thì đá vòng tròn một lượt chọn ra hai đội mạnh nhất chơi chung kết”.

Chuyên gia Lê Thế Thọ cũng tán thành việc tinh gọn AFF Cup, gạt bỏ những trận đấu quá chênh lệch về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, ông Thọ vẫn bảo lưu quan điểm “nếu chỉ có mấy đội Đông Nam Á đá với nhau thì khó tiến bộ”.

Bởi vậy, vị cựu Phó chủ tịch VFF gợi ý, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) nên nghiêm túc tính tới mô hình mở rộng, tức là mời các đội bóng ngoài khu vực tham dự để cọ xát.

Tuy vậy, cũng có cái khó là AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên các đội mạnh dù nhận lời cũng không mang được sang đội hình tốt nhất.

“Về lâu dài, AFF Cup nên tổ chức theo lịch FIFA hoặc vào mùa hè như EURO hay World Cup. Đây là thời điểm các giải vô địch quốc gia châu Âu đều nghỉ, các đội tuyển châu Á rảnh rỗi và có thể tập hợp lực lượng mạnh thi đấu. Vấn đề còn lại là AFF có tạo ra được sức hút đủ lớn để họ tham gia hay không mà thôi”, ông Thọ kết lại.

Hữu Hiệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/aff-cup-co-nen-thay-doi-de-bot-nham-chan-d536355.html