Admin của Cộng đồng Vật lý Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic quốc tế

Võ Trương Thiên Kỳ (Trường THPT Lương Văn Chánh) là học sinh đầu tiên của Phú Yên tham gia đội tuyển Olympic Vật lý Châu Á - APhO 2022.

Võ Trương Thiên Kỳ (bìa trái) thể hiện quyết tâm nỗ lực hết mình cùng với thầy giáo trước ngày lên đường tập trung đội tuyển.

Võ Trương Thiên Kỳ (bìa trái) thể hiện quyết tâm nỗ lực hết mình cùng với thầy giáo trước ngày lên đường tập trung đội tuyển.

Vượt lên giới hạn của bản thân

Năm học 2021 – 2022, Võ Trương Thiên Kỳ, HS lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Lương Văn (Phú Yên) đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây là giải Nhất cấp quốc gia đầu tiên của Phú Yên tính từ năm 2004.

Là 1 trong số 11 giải Nhất quốc gia của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 – 2022, Thiên Kỳ được Bộ GD&ĐT chọn tham gia thi vòng 2, vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tham gia kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - APhO 2022.

Thiên Kỳ chia sẻ: “Ban đầu, khi ôn tập để thi học sinh giỏi quốc gia, em không nghĩ mình sẽ có kết quả cao nên bỏ qua hầu hết những kiến thức quá khó. Nhưng sau khi được thầy cô thông báo được chọn vào thi vòng 2, em mới bắt đầu đầu tư ôn tập những kiến thức khó hơn”.

Võ Trương Thiên Kỳ cho biết, trong quá trình ôn luyện cho kỳ thi Châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, em cũng gặp một vài khó khăn và áp lực. “Đây là lần đầu tiên tỉnh em có học sinh tham dự một kì thi ở tầm khu vực - quốc tế. Trong khi đó, bản thân em chưa chuẩn bị tốt cho kỳ thi này. Có thể nói lúc trước em chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ tham gia một kì thi lớn như vậy. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian ôn luyện bị giảm xuống từ 6 tuần xuống còn 3 tuần”, Thiên Kỳ kể.

Để vượt qua những áp lực ấy, cậu học sinh đến từ Phú Yên cho biết, mình cố gắng nghĩ thoáng hơn về kì thi. Rằng đây là một cuộc chơi trí tuệ và mình đã đến đây rồi thì không có gì để lo lắng, cứ cố gắng hết mình. Ngoài ra em cũng làm quen, trò chuyện các bạn khác trong đội tuyển để giảm bớt căng thẳng.

Thầy Huỳnh Tấn Châu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn (Phú Yên) tặng thưởng cho em Võ Trương Thiên Kỳ.

Theo Thiên Kỳ, để học tốt môn Vật lý, cần phải nghiên cứu kỹ lý thuyết. Đây là môn học có nhiều kiến thức lý thuyết. Một khi hiểu sâu về lý thuyết, nắm vững kiến thức thì có thể vận dụng để làm bất kỳ dạng bài tập khó nào. Trước đó, ở năm học lớp 11, Võ Trương Thiên Kỳ đã tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia nhưng kết quả không như mong muốn.

“Thời điểm đó, em chỉ tập trung giải các bài tập để rút ra hướng giải quyết từng dạng bài. Nhưng từ sau “thất bại” ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đầu tiên, em chuyển hướng học tập, ưu tiên học kỹ, hiểu sâu lý thuyết để vận dụng”, Kỳ chia sẻ.

Ngoài hệ thống sách tham khảo tại thư viện nhà trường, Võ Trương Thiên Kỳ tìm đọc giáo trình Vật lý đại cương của một số trường đại học. Ngoài ra, em thường xuyên vào những trang tổ chức các kỳ thi môn Vật lý của các nước, trang Cộng đồng Vật lý Việt Nam để tìm đề tham khảo. Ban đầu, kỳ chọn những đề không quá tầm của mình để làm, rồi từ đó nâng dần mức độ khó lên. Khi đang là học sinh phổ thông, Kỳ là admin của fanpage Cộng đồng Vật lý Việt Nam với hơn 50.000 thành viên tham gia.

Đồ họa: An Nhiên

Lợi ích kép khi là thành viên của đội tuyển quốc gia

Võ Trương Thiên Kỳ đang là sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Sau hơn 1 tháng học ở đại học, Thiên Kỳ nhận thấy đây là môi trường đòi hỏi bản thân phải luôn chủ động trong học tập. “Rất may là em thích nghi nhanh với môi trường, phương pháp học tại đại học nhờ đã được rèn luyện trong quá trình tham gia đội tuyển kỳ thi học sinh giỏi ở cấp THPT”, Kỳ chia sẻ.

Theo Võ Trương Thiên Kỳ, với những thành viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp, ngoài cơ hội được nâng cao kiến thức, còn được rèn luyện thêm các kỹ năng mềm khác. Trước hết là kỹ năng giải quyết vấn đề, việc giải các bài tập sẽ giúp cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề được đưa ra dưới dạng câu hỏi.

Trong quá trình học, ngoài sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp, việc phải tự đọc thêm nhiều tài liệu nâng cao là việc chắc chắn phải thực hiện, điều này giúp cải thiện khả năng tự học của các bạn học sinh.

Việc ôn luyện cho các kì thi HSG cần nhiều thời gian và công sức, vì vậy cần phải quản lý, sắp xếp được thời gian sao cho hiệu quả, việc này cũng rất tốt cho học sinh.

Quan trọng hơn cả, trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, việc được học những kiến thức chuyên sâu là một cơ hội để các bạn học sinh khám phá ra đam mê của mình, từ đó định hướng tốt hơn cho ngành học trên đại học.

Ngoài ra, nếu đạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học lớn, có cơ hội giành các học bổng du học nước ngoài.

Võ Trương Thiên Kỳ nhận Bằng khen ở kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á năm 2022, đạt 26/50 điểm, nằm trong top 90/218 thí sinh.

Võ Trương Thiên Kỳ tự nhận xét, so với các bạn học sinh ở những thành phố lớn, bất lợi của em có lẽ đến từ việc chưa được có định hướng ôn tập hiệu quả cho kỳ thi có tầm khu vực và quốc tế, vì tỉnh chưa từng có học sinh ở kì thi này.

Đặc biệt là ở phần thực hành, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, phần thực hành tỉ lệ điểm rất thấp, cộng thêm việc không có điều kiện về cơ sở vật chất nên nhiều tỉnh hầu như không đầu tư cho phần này, Nhưng với những kì thi ở tầm khu vực, quốc tế, đây là một phần chiếm tỉ phần điểm khá lớn, (đến 40%) điểm, đây có lẽ là bất lợi lớn nhất.

Còn ở phần lý thuyết, hiện nay nhờ vào Internet, chỉ cần đọc được một ít tiếng Anh là có thể tìm được nhiều tài liệu nên em cũng không có quá nhiều bất lợi.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/admin-cua-cong-dong-vat-ly-viet-nam-tham-gia-ky-thi-olympic-quoc-te-post617464.html