'Adjutant' của Nga sẽ không chừa cơ hội cho Bayraktar'

Tổ hợp huấn luyện mục tiêu chống lại UAV sẽ xuất hiện ở Nga.

Trong ảnh: Tổ hợp huấn luyện tìm kiếm mục tiêu phòng không “Adjutant” (Ảnh: Georgy Povetkin / TASS)

Trong ảnh: Tổ hợp huấn luyện tìm kiếm mục tiêu phòng không “Adjutant” (Ảnh: Georgy Povetkin / TASS)

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Krasnaya Zvezda”, Fanil Ziyatdinov - Giám đốc nhà máy cơ điện Izhevsk “Kupol” (thuộc Tổng công ty “Almaz-Antey”)- đã nói về sự phát triển của tổ hợp huấn luyện mục tiêu đa năng “Adjutant” (UMTK) và phương tiện chiến đấu của lực lượng phòng không “Typhoon”.

Các kỹ sư của “Kupol” có kế hoạch hoàn thành công việc thiết kế thử nghiệm trên UMTK “Adjutant” càng sớm càng tốt - trong quý đầu năm nay. Ziyatdinov cũng đã công bố các bước chuẩn bị cho quá trình sản xuất tại nhà máy. Rõ ràng là dự án này được coi là ưu tiên của nhà máy.

Các xạ thủ phòng không sẽ học cách bắn hạ các mục tiêu mô phỏng, ngoài tên lửa, sẽ là tất cả các loại máy bay không người lái hiện có, có tính đến chiến thuật sử dụng chúng, không chỉ về thuật dâng cao, bổ nhào, bay hình "rắn lượn" và ở độ cao cực thấp, mà còn nói cả về cuộc tấn công theo bầy của UAV mà các công ty quốc phòng phương Tây hiện đang hợp tác chặt chẽ.

Igor Ivanov - Giám đốc của dự án này, đặc biệt lưu ý rằng “trọng tâm triết lý của phức hợp “Adjutant” là công tác đào tạo. Ông nói rằng "các mục tiêu có thể được sử dụng nhiều lần, mục đích chính của chúng là huấn luyện bước đầu và duy trì liên tục trình độ huấn luyện chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không."

Đây là một ý tưởng tốt, và người ta có thể liên hệ sự xuất hiện nhanh chóng của “Adjutant” với các sự kiện ở Karabakh, Syria và Libya, nơi mà, theo nhiều nguồn tin khác nhau, hàng chục hệ thống tên lửa phòng không của Nga đã bị phá hủy.

Không còn là điều bí mật đối với bất kỳ ai khi các máy bay không người lái, chủ yếu là UAV tấn công, là một thách thức mới đối với các xạ thủ phòng không Nga.

Vai trò chính trong việc loại bỏ hệ thống phòng không của quân đội Cộng hòa Nagorno-Karabakh là do máy bay không người lái xung kích “Bayraktar” TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Theo chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Enes Kai, tại Idlib, binh lính của Erdogan thậm chí đã sử dụng một bầy 20 chiếc “Bayraktar” để tấn công các tổ hợp “Pantsir-C1”.

Nhiều tổ hợp của Syria đã không thể chống lại vài chục quả đạn máy bay dẫn đường MAM-L và MAM-C cùng một lúc, trong đó có cả lý do họ hành động thiếu chuyên nghiệp.

Thứ nhất, các xạ thủ phòng không đã có hành động “ức chế” và bỏ sót việc xâm nhập của UAV vào vùng gọi là vùng chết.

Thứ hai, một số xạ thủ không thể đối phó với nhiễu sóng vô tuyến được tạo ra bởi Hệ thống tấn công điện tử của Radar Koral, theo nghĩa đen, sẽ bịt mắt các tổ hợp radar phòng không.

Và thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ đã biết trước tọa độ chính xác của một số hệ thống phòng không. Về vấn đề này, chuyên gia viết một cách mỉa mai rằng "các lực lượng của Assad thậm chí còn ngờ nghệch tới mức không thèm di chuyển các hệ thống này sau cuộc tấn công trước đó".

Còn tại Libya, nhiều xạ thủ phòng không của hệ thống phòng không “Pantsir-C1” hành động thành thạo hơn. Theo nhà quan sát quân sự Mỹ Jeff Jaworski, các trắc thủ dường như đã được giới thiệu nhanh chóng về chiến thuật tấn công của “Bayraktar” TB2.

Theo thông tin mà ông này có được, ở Jamahiriya trước đây, tỷ lệ thiệt hại là 9 hệ thống phòng không của Nga so với 47 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, tương ứng là 118 triệu USD so với 245 triệu USD.

Còn về cái chết của các trắc thủ thì không có dữ liệu chính xác. Nhưng có thể cho rằng các pháo thủ phòng không thiệt mạng trước hết là do họ không nhanh chóng rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Có vẻ như đối với những trường hợp như vậy, một phương tiện chiến đấu đang được phát triển cho một khẩu đội pháo phòng không MANPADS "Typhoon".

Công bằng mà nói, hầu hết các máy bay “Bayraktar” bị phá hủy ở Libya đều bị tấn công trên mặt đất, bởi các máy bay không người lái khác có thể có nguồn gốc từ Nga. Đúng là, có thể tìm ra điều này một cách đáng tin cậy sau khoảng 30 năm nữa, khi Bộ Quốc phòng Nga giải mật các báo cáo chiến đấu.

Tuy nhiên, vẫn có thể thu thập được điều gì đó từ các nguồn thân cận với giới quân sự. Đặc biệt, blogger người Lebanon Mohammad Jafar, khi đề cập đến những người bạn của mình trong quân đội Assad, có lưu ý rằng ở Syria và Libya, hầu hết các kíp trắc thủ phòng không đều không được chuẩn bị cho kỷ nguyên của máy bay không người lái tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ đã biết tận dụng cơ hội này và đang tự thể hiện mình.

“Đây không phải là thứ mà binh lính của Assad đã chiến đấu trong nhiều năm để chống lại IS. Kết quả là quân đội Syria và các đồng minh đã không sẵn sàng chống lại các máy bay không người lái công nghệ cao. Nhưng kết luận đã được rút ra. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ không xảy ra nữa, ít nhất là ở quy mô kịch tính như vậy”- Jafar viết.

Nếu chúng ta nói cụ thể hơn về mối đe dọa thực sự của “Bayraktar” đối với hệ thống phòng không Nga, thì các xạ thủ phòng không phải bắn hạ máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ trong điều kiện tác chiến điện tử Koral khá hiệu quả.

Trên thực tế, đây là yếu tố quan trọng trong thành công của những máy bay không người lái này, điều mà báo chí Nga im lặng, bởi người ta vốn chỉ quen ca ngợi các hệ thống tác chiến điện tử của mình.

Do đó, các tính toán ngày nay buộc phải hành động nhanh nhất và hài hòa nhất có thể, bao gồm cả việc tính đến các mục tiêu giả trên màn hình radar. Bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn đến việc mất các tổ hợp.

Tuy nhiên, cái thời mà UAV “Bayraktar” có thể thực hiện các chuyến bay ngang nhiên đang dần qua đi. Các nhà quan sát nhận thấy rằng các máy bay không người lái tấn công ở Syria đang hoạt động thường xuyên cùng với các máy bay chiến đấu F-16, vốn không muốn xâm nhập vào khu vực mục tiêu của các hệ thống phòng không “Pantsir-C1” tương tự.

Rõ ràng là, các phi công được các dịch vụ mặt đất đảm bảo khi liên lạc bị gián đoạn. Hơn nữa, đạn MAM-L và MAM-C đang ngày càng được các trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạo từ mặt đất bằng máy chỉ định laser, chứ không phải do người điều khiển máy bay không người lái. Tất cả những điều này gián tiếp cho thấy rằng người Syria, ít nhất, đã học cách chống lại mối đe dọa mới.

Có một điểm quan trọng khác đã giúp nhanh chóng tìm ra thuốc giải. Sau khi F-35 xuất hiện, khái niệm phòng không đã có những thay đổi lớn.

Ngày nay, hệ thống phòng không của các quân đội tiên tiến không hoạt động như một tập hợp các hệ thống phòng không đơn lẻ mà là một hệ thống tích hợp sâu trong đó tất cả các xạ thủ phòng không hoạt động như một đội hình lớn. Cuộc chiến chống máy bay không người lái được trang bị tác chiến điện tử cũng vậy.

Ngược lại, tổn thất của hệ thống phòng không “Pantsir-S1” ở Syria, Libya và Artsakh có liên quan đến sự phối hợp kém của hệ thống phòng không.

Tất nhiên, các chuyên gia quân sự Nga đã giúp đỡ Syria và Libya hết sức có thể, nhưng nhìn chung, trình độ huấn luyện của tất cả các lực lượng phòng không của đồng minh vẫn chưa đạt đến yêu cầu hiện đại.

Vấn đề không phải là do nhận thức, mà là do thiếu tiền. Một hệ thống được khai thác sâu thì sẽ rất tốn kém, trong khi một trắc thủ, cho dù có thể là chuyên nghiệp gấp ba lần đi chăng nữa thì cũng sẽ không thể đối phó với một bầy máy bay không người lái tấn công.

Sự xuất hiện của “Bayraktar” của Thổ Nhĩ Kỳ ở một mức độ nhất định đã tạo ra những điều chỉnh quan trọng đối với hệ thống phòng không / phòng thủ tên lửa của Nga.

Trước hết, đó là các yêu cầu đối với các trắc thủ của các hệ thống tên lửa phòng không đã tăng lên đáng kể, không thể đào tạo họ nếu như không có các tổ hợp huấn luyện mục tiêu hiệu quả.

Thậm chí có thể nói rằng sự xuất hiện của “Adjutant” đã muộn, ít nhất là trong vài năm. Thời gian sẽ cho biết mức độ hiệu quả của tổ hợp này, nhưng trong mọi trường hợp, quân đội Nga thực sự cần thiết đến sự phát triển của nó.

NguynQuang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/adjutant-cua-nga-se-khong-chua-co-hoi-cho-bayraktar-3427341/