ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 duy trì mức khá cao 6,8%

Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được ADB dự báo vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

 Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam.

Sáng ngày 3.4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định:

“Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì”.

"Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020", ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam cho biết.

Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao.

Tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.

Họp báo của ADB diễn ra vào sáng ngày 3.4.2019. Ảnh LH

Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế.

Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung.

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

Thặng dự tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay, và tiếp tục xuống 2,0% trong năm 2020 khi hoạt động xuất khẩu giảm sút do nhu cầu thế giới giảm, nhưng tốc độ giảm nhập khẩu sẽ chậm hơn vì đầu tư và tiêu dùng nội địa vẫn cao.

Tình hình kiều hối cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi. Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ CHNDTH sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2,0% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo.

Bàn về yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, chuyên gia của ADB cho biết tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Rủi ro về phía trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kết quả cổ phần hóa DNNN trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/adb-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2019-duy-tri-muc-kha-cao-68-666610.ldo