ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa dự báo tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam giảm từ 7,1% xuống 6,9%; đồng thời đưa ra dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4% cho năm 2018 và từ 4% lên 4,5% cho năm 2019.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam - Ảnh minh họa

Lạm phát nửa đầu năm tăng cao

Theo báo cáo của ADB, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017.

Về phía cầu, thu nhập tăng đã nâng mức tăng trưởng tiêu dùng tư nhân lên 7,2% so với 7% của năm trước. Đầu tư tư nhân vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh.

Hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu tiếp tục đạt kết quả vững chắc. Sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 2,7% trong nửa đầu năm 2017.

Tăng trưởng cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả do nhà nước điều tiết, và giá dầu tăng trên thị trường thế giới đã gây áp lực tăng lạm phát. Lạm phát chung tính đến tháng 6.2018 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 2,5% vào tháng 6.2017 và lạm phát trung bình năm trong 6 tháng đầu năm nay đã lên đến 3,3%.

Mặc dù lạm phát có dấu hiệu tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn duy trì lãi suất chính sách không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7.2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức.

Thu ngân sách tăng 15,7% trong 6 tháng đầu năm, đạt mức tương đương 28,7% trên GDP. Nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách đã giúp giảm tỷ lệ nợ công so với GDP xuống còn 58,5% vào cuối tháng 6.2018 so với 63,7% vào đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, việc bán cổ phần của chính phủ tại 16 DNNN và thoái vốn nhà nước đã đóng góp thêm khoảng 28.000 tỉ đồng vào ngân sách, nhưng kết quả này chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ có kế hoạch cổ phần hóa của 19 DNNN được phê duyệt trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là cổ phần hóa ít nhất 85 DNNN trước cuối năm 2018.

Chiến tranh thương mại ảnh hưởng tới FDI

Nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại ở EU, Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm giảm cơ hội xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nguy cơ mâu thuẫn thương mại leo thang trên toàn thế giới đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập rất sâu.

Do vậy, dự báo tăng trưởng cho năm nay được điều chỉnh giảm từ 7,1% xuống 6,9%, trong khi dự báo mức tăng trưởng cho năm 2019 vẫn giữ nguyên. Đồng thời, dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4% cho năm 2018 và từ 4% lên 4,5% cho năm 2019.

Triển vọng tiêu dùng tư nhân tiếp tục sáng sủa, trong khi triển vọng đầu tư tư nhân vẫn ổn định nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp mới. Việc đẩy nhanh chi tiêu đầu tư công trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư.

Tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa có thể sẽ giảm trong giai đoạn trước mắt, mặc dù việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khác nhau sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tiếp cận thị trường nước ngoài đối với các ngành hàng xuất khẩu lớn.

Tính theo ngành, nông nghiệp sẽ giảm mức tăng trưởng và chỉ đạt 2,5% trong năm nay, thấp hơn dự báo trước đó và dưới mục tiêu của Chính phủ là 3%, do lũ lụt nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng sẽ giảm trong các tháng cuối năm do chính phủ tìm cách ngăn chặn bong bóng bất động sản.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm trong năm nay, áp lực lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Tiền đồng đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể tiếp tục bị áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và USD mạnh lên. Nếu Nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với USD thì có thể gây thêm áp lực lên tiền đồng, làm tăng lạm phát.

Hơn nữa, giá dầu thế giới tăng sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát, cũng như việc tăng giá lương thực. Do đó, lạm phát trung bình năm được dự báo sẽ tăng lên tới 4% trong năm 2018 và tiếp tục lên 4,5% vào năm 2019, cả hai đều cao hơn dự báo hồi tháng 4.

Thâm hụt thương mại xuất hiện trong tháng 7, 8 báo hiệu tăng trưởng trong nhập khẩu hàng hóa có khả năng vượt mức tăng trưởng xuất khẩu. Thặng dư tài khoản vãng lai có khả năng thu hẹp, cả khi xuất khẩu dịch vụ thuần vẫn ổn định.

Do đó, dự báo cho thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2,3% GDP trong năm nay và duy trì ở mức 2% trong năm tới.

Đối với tài khoản vốn, FDI tiếp tục là nguồn tăng chính. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng. Nếu căng thẳng thương mại leo thang trên toàn thế giới gây tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu và phá vỡ mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị tác động xấu. Những diễn biến như vậy không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu mà còn kìm hãm FDI.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/adb-ha-du-bao-tang-truong-nam-2018-cua-viet-nam-97455.html