ADB: Châu Á tăng trưởng thấp nhất trong 22 năm, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi

Báo cáo cập nhật ngày 3/4 của ADB cho biết dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế tại châu Á rớt xuống mức 2,2%, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 1998.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự báo các nền kinh tế đang nổi ở châu Á sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Nguyên nhân là đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khắp thế giới bị bó hẹp, đóng băng.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính do dịch bệnh và dự đoán COVID-19 sẽ thổi bay 2.000-4.100 tỷ USD, tương đương với 2,3%-4,8% GDP toàn cầu.

Tại châu Á, dự báo tăng trưởng GDP chỉ còn 2,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1998 - năm có tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,7%. Khu vực vốn suy yếu do xung đột thương mại Mỹ-Trung trong năm ngoái có thể lấy lại đà tăng 6,2% trong năm 2021 với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh tế được khôi phục.

“Không ai có thể nói chắc dịch COVID-19 sẽ gây tác động ở tầm mức nào. Các biện pháp phong tỏa, hạn chế có thể sẽ còn kéo dài hơn dự báo. Không thể xem nhẹ khả năng bất ổn nghiêm trọng và khủng hoảng tài chính”, ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nêu quan điểm trong báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á.

Dự báo Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, giảm so với mức 6,1% của năm ngoái. GDP nước này có thể sẽ tăng 7,3% trong năm 2021. Những nước và vùng lãnh thổ dựa nhiều vào ngành du lịch, khai thác nguyên nhiên liệu bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lệnh cấm, hạn chế đi lại, phong tỏa cách thành phố và dự báo đều tăng trưởng âm trong năm nay: Thái Lan (-4.8%), Hong Kong (-3.3%), Maldives (-3.0%), Timor Leste (-2.0%), Fiji (-4.9%), Vanuatu (-1.0%), Đảo Cooks (-2.2%), Palau (-4.5%) và Samoa (-3.0%).

Những nước có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng sâu. Sau khi đạt mức tăng trưởng 4,4% trong năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo chỉ tăng trưởng 1,0% trong năm nay, trước khi hồi phục 4,7% trong năm tới.

Việt Nam là một trong số ít các nước có GDP tăng trưởng khá, ước đạt 4,8% trong năm 2020, sau đó là 6,8% trong năm 2021.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Asian Nikkei Review)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/adb-chau-a-tang-truong-thap-nhat-trong-22-nam-viet-nam-la-diem-sang-hiem-hoi-20200403115440220.htm