ADB: Châu Á sẽ cảm nhận được tác động đáng kể từ các chính sách của chính quyền ông Trump vào năm 2026
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế mới nổi của châu Á sẽ cảm nhận được tác động đáng kể từ các chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào năm 2026 và sau đó.
Theo đó, nền kinh tế khu vực Đông Á có thể đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội do mối liên kết thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, trong khi chính quyền mới của Mỹ có kế hoạch áp dụng mức thuế quan cao hơn, trong khi các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
"Theo kịch bản cơ sở, tác động kết hợp của các đề xuất chính sách chính của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế đang phát triển của châu Á vào năm 2024 và 2025", ADB cho biết trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á được công bố hôm thứ Tư (11/12).
ADB lưu ý rằng, chính sách thương mại của chính quyền ông Trump - được nhấn mạnh bằng các cam kết trong chiến dịch tranh cử về mức thuế quan lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đến 20% đối với các quốc gia khác – sẽ là "điểm khởi đầu" cho đàm phán, thay vì các mục tiêu chính sách, và ADB dự kiến rằng những mục tiêu này có thể sẽ được thực hiện vào quý III/2025.
Trong đó, một kịch bản rủi ro được ADB đưa ra là khả năng chính quyền ông Trump sẽ thực sự thúc đẩy thuế quan lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế quan 10% đối với các đối tác thương mại khác, các quốc gia khác này sẽ trả đũa bằng cách áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
ABD cho biết, những thay đổi chính sách được cho là theo kịch bản rủi ro này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc và Mỹ, trong khi tác động tăng trưởng ở các quốc gia còn lại của châu Á là hỗn hợp.
"Do có mối liên kết thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, các nền kinh tế khu vực Đông Á cũng chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng GDP. Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á được hưởng lợi từ các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi sự chuyển hướng thương mại và chuyển dịch sản xuất mở ra những cơ hội mới", báo cáo cho biết.
"Phản ánh những tác động không đồng nhất này trên khắp các nền kinh tế, tác động tích lũy chung đối với tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển của châu Á không bao gồm Trung Quốc là khá tích cực", báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, ADB đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển châu Á từ 5% xuống 4,9% trong năm nay và từ 4,9% xuống 4,8% vào năm 2025, so với báo cáo trước đó vào tháng 9.
Khu vực Nam Á có thể ghi nhận mức giảm lớn nhất về kỳ vọng tăng trưởng trong số các nền kinh tế khu vực khác, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống còn 5,9% trong năm tới từ mức 6,3% vào năm 2024.
Khu vực Đông Nam Á hiện dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2024, tăng so với dự báo trước đó là 4,5% và duy trì mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2025. ADB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho Malaysia (5%), Singapore (3,5%), Thái Lan (2,6%) và Việt Nam (6,4%), trong khi vẫn giữ nguyên kỳ vọng cho Indonesia (5%) và Philippines (6%).
ADB cho biết, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á hiện phải đối mặt với những rủi ro bất lợi khác ngoài sự trở lại của Tổng thống đắc cử Trump, chẳng hạn như sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị xung quanh khu vực gây ra sự biến động về giá hàng hóa và thị trường tài chính ở khắp mọi nơi.