Adayroi hụt hơi ra sao so với Shopee, Lazada?

Theo chuyên gia, có thể từ đầu Adayroi chỉ đóng vai trò một mảng trong hệ sinh thái VinCommerce. Khi chuyển nhượng xong VinCommerce, Adayroi cũng không còn lý do tồn tại.

Ngày 18/12, tập đoàn Vingroup thông báo sáp nhập Adayroi vào VinID sau khi gửi văn bản đến các nhà cung cấp đang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Adayroi về việc dừng bán hàng trên nền tảng này từ 17/12.

Ngoài Adayroi, chuỗi điện máy VinPro cũng sẽ bị giải thể. Thời gian để Vingroup rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ đến hết tháng 12, tức chỉ còn hơn 10 ngày nữa.

Như vậy, Adayroi sẽ là sàn thương mại điện tử thứ 2 trong năm 2019 chấp nhận dừng cuộc chơi tại Việt Nam sau Robins của Central Group.

Bị bỏ xa về nhiều chỉ số

Tiền thân của Adayroi là dự án thương mại điện tử chuyên về thời trang Chon.vn do nữ doanh nhân trẻ Lê Hoàng Uyên Vy sáng lập vào năm 2011. Năm 2014, Vingroup rót vốn đầu tư vào Chon.vn. Sau đó, dự án Chon.vn được Vingroup chuyển sang mô hình sàn thương mại điện tử kinh doanh nhiều ngành hàng với tên gọi mới là Adayroi. Bà Vy trở thành CEO của Adayroi đến khi rời Vingroup vào năm 2017.

Từ khi hoạt động vào tháng 8/2018, các kết quả doanh thu, lợi nhuận của Adayroi chưa được công bố chi tiết, cụ thể. Báo cáo tài chính của Vingroup chỉ cho biết mảng bán lẻ của mình lỗ trước thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm với mức lỗ gần nhất sau 9 tháng đầu năm 2019 là gần 3.500 tỷ.

Nếu xét theo chỉ số lượng truy cập, Adayroi đang bị 4 đối thủ khác là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo bỏ lại với khoảng cách lớn.

Theo kết quả cập nhật mới nhất từ Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam do iPrice Insights phối hợp SimilarWeb thống kê, lượt truy cập website trung bình mỗi tháng của Adayroi trong quý III chỉ là 6,4 triệu. Con số này thấp hơn nhiều so với các đối thủ khác trên thị trường và chính kết quả của Adayroi trong 3 quý trước đó.

 Đồ họa: Việt Đức.

Đồ họa: Việt Đức.

Trong khi Adayroi chưa bao giờ chạm tới mốc 10 triệu lượt truy cập website/tháng, lượng truy cập website của Shopee, Lazada, Tiki, Sendo mỗi tháng luôn duy trì ổn định từ 20-40 triệu lượt trong hơn 1 năm qua.

Lượng khách hàng ghé thăm trang web thương mại điện tử của Vingroup trong quý III cũng thấp hơn các website điện máy như Dienmayxanh.com (10,7 triệu lượt) hay Dienmaycholon.com (6,6 triệu lượt).

Trên nền tảng di động, ứng dụng của Adayroi cũng chỉ xếp thứ 5 về số lượng người sử dụng trong nhóm các ứng dụng thương mại điện tử Việt Nam trong quý III. Trong bảng xếp hạng ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất, Adayroi cũng xếp sau Shopee, Sendo, Tiki, Lazada và cả ứng dụng mua hàng thời trang SHEIN và ứng dụng Thế giới Di động.

"Adayroi không còn lý do để tồn tại"

"Nếu nhìn vào kết quả của Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam qua các quý từ 2017 đến nay, có thể thấy lượt truy cập website của Adayroi chưa bao giờ vượt quá top 8 và luôn có một khoảng cách khá lớn đối với các đối thủ chính. Một điểm đáng chú ý nữa là lượng truy cập website của Adayroi thấp nhưng rất ổn định qua các quý.

Từ quý IV/2018 đến nay họ luôn giữ vững mức bình quân 7 triệu lượt/tháng, dù các đối thủ có tăng có giảm rõ rệt. Điều này cho thấy phần lớn người sử dụng Adayroi là lượng khách hàng trung thành của sàn này chứ Adayroi không thu hút được nhiều người sử dụng mới", ông Đặng Đăng Trường, Trưởng đại diện của iPrice Insights tại Việt Nam nhận định với Zing.vn.

Theo ông Trường, quan sát này phù hợp với chiến lược thời gian qua của Adayroi là ít tập trung vào các hoạt động giảm giá hay marketing rầm rộ như đối thủ mà chủ yếu thu hút khách hàng có nhu cầu ngách hoặc các khách hàng thân thiết của hệ sinh thái VinID cũng của Vingroup.

Adayroi sẽ hoàn tất việc sáp nhập vào VinID trong tháng 12. Ảnh: Việt Đức.

Trong 5 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam, không khó để nhận thấy tần suất thực hiện các chiến dịch truyền thông quy mô lớn với sự tham gia của những người ảnh hưởng (KOL) của Adayroi khiêm tốn hơn nhiều so với Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo.

Ông Trường đánh giá Adayroi có lượng truy cập kém hơn các đối thủ không phải do chiến lược sai lầm đáng kể nào mà vì mức độ đầu tư của sàn thương mại điện tử thuộc Vingroup vào các hoạt động làm thương hiệu và giảm giá để thu hút khách hàng mới không bằng các đối thủ.

"Điều này có thể xuất phát từ các tính toán riêng của VinCommerce trước đây. Có thể từ đầu Adayroi chỉ đóng vai trò một mảng trong hệ sinh thái VinCommerce. Khi chuyển nhượng VinCommerce xong, Adayroi cũng không còn lý do tồn tại", đại diện iPrice Insights nêu quan điểm.

Khi được hỏi về tình hình thua lỗ của Adayroi, CEO Nguyễn Việt Quang cho rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử đều chấp nhận lỗ ban đầu khi đầu tư để thâu tóm thị phần, kể cả các công ty hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ. "Thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn", ông Quang khẳng định.

Theo CEO Vingroup, việc sáp nhập Adayroi cũng như giải thể VinPro nằm trong chiến lược mới của tập đoàn khi dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.

Theo đó, Vingroup sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế.

Việc sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể chuỗi siêu thị điện máy VinPro diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Vingroup tuyên bố nhượng lại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và nông trại VinEco cho Masan.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/adayroi-hut-hoi-ra-sao-so-voi-shopee-lazada-post1026634.html