'Ác mộng' lạm phát ám ảnh Zimbabwe

Cơn ác mộng lạm phát đeo bám người dân Zimbabwe dưới thời nhà lãnh đạo lâu năm Robert Mugabe giờ đây đã quay lại ám ảnh chính quyền của người kế nhiệm Emmerson Mnangagwa.

Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11/2017, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã kêu gọi toàn thể người dân đoàn kết để vực dậy nền kinh tế vốn đang kiệt quệ của đất nước.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 7/2018, ông Mnangagwa đã cam kết sẽ đưa Zimbabwe trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình vào năm 2030.
Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau cuộc bỏ phiếu, cuộc khủng hoảng kinh tế đã quay trở lại khi chính phủ áp thuế 2% đối với các giao dịch điện tử trong tháng 10 đã làm giá cả tăng vọt và gây ra thiếu hụt nhiên liệu.
Vào tháng Một năm nay, chính quyền của Tổng thống Mnangagwa quyết định tăng mạnh giá xăng (từ 1,24 USD lên 3,31 USD/lít) và dầu diesel (từ 1,36 USD lên 3,11 USD/lít) kể từ ngày 13/1 do tình trạng nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt nghiêm trọng, được đánh giá là tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua, vì thiếu ngoại tệ.

Các cuộc biểu tình phản đối quyết định này của Chính phủ Zimbabwe đã bùng phát thành bạo loạn đường phố, gây tổn thất về người và tài sản.
Tình hình càng trở nên trầm trọng khi ngân hàng trung ương nước này công bố chính sách tiền tệ mới vào tháng 2/2019, giá cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng vọt với tốc độ lạm phát chưa từng thấy trong một thập kỷ qua.
Việc thành lập thị trường hối đoái liên ngân hàng đã khiến sự chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái trên thị trường chính thức và trên “chợ đen” đã nhanh chóng nới rộng, khiến giá cả tăng đến 300%. Giá một ổ bánh mì tăng từ 1,8 USD lên 3,5 USD còn giá một hộp bơ tăng từ 8,5 USD lên 17 USD.
Cuộc khủng hoảng giá đang gợi lại những ký ức của một thập kỷ trước khi siêu lạm phát lên đến đỉnh điểm 500 tỷ %, làm sụp đổ đồng đô la Zimbabwe.
Việc khan hiếm nguyên liệu thô đã gây ra những khó khăn lớn cho ngành sản xuất. Nhà kinh tế học Gift Mugano cho biết năm ngoái, Zimbabwe đã chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa và thực phẩm như trái cây, rau quả, đậu tương, lúa mỳ... và cả các sản phẩm thiết yếu như kem đánh răng và dược phẩm.

Điều này cho thấy nước này không sản xuất ngay cả những sản phẩm cơ bản phục vụ nhu cầu nội địa. Cùng quan điểm tương tự, người đứng đầu Liên đoàn các ngành công nghiệp của Zimbabwe, Sifelani Jabangwe, cho rằng Zimbabwe cần giảm nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Từng được coi là vựa lúa mỳ thịnh vượng của châu Phi, Zimbabwe đang phải vật lộn với hạn hán, tỷ lệ thất nghiệp cao (hơn 90%), tình trạng thiếu hụt các mặt hàng cơ bản và khủng hoảng ngoại hối.

Nhiều công ty nội địa buộc phải chuyển ra nước ngoài hoặc đóng cửa các cửa hàng, trong khi những công ty vẫn hoạt động hiện nay thì cầm cự với năng suất thấp do thiếu ngoại tệ để nhập nguyên liệu thô hoặc nâng cấp máy móc.

Mai Ly (Theo AFP)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-ac-mong-lam-phat-am-anh-zimbabwe/120194.html