AC Milan dưới tay chủ Trung Quốc: Chưa bắt đầu đã lụi tàn

Thất bại 0-2 của Milan trước Juventus giáng một đòn mạnh vào tham vọng của đại diện thành Milano. Tiền bạc chưa thể giúp cuộc cách mạng của người Trung Quốc với CLB thành công.

Trên Goal, cây bút Mark Doyle nghi vấn cuộc cách mạng của Milan dưới tay chủ Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ. Khoản đầu tư 200 triệu euro vào đội hình chưa đủ giúp nhà cựu vô địch Serie A tìm lại thời hoàng kim. Tháng 5 năm sau, nếu Milan thất bại, một cuộc đại khủng hoảng sẽ xảy ra.

Hồi tháng 7 qua, Chủ tịch James Pallotta của AS Roma công kích đối thủ. "Tôi không có ý kiến với những gì diễn ra ở đó (cách Milan mua sắm cầu thủ). Tất cả đều phi lý! Ban đầu, họ làm gì có tiền. Rồi bỗng nhiên CLB mượn được 300 triệu euro từ vài người tôi quen ở London (Anh) với lãi suất rất cao".

Những gói đầu tư mạo hiểm

Tiêu tốn rất nhiều tiền mua tân binh, tuy nhiên AC Milan vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong lối chơi. Đồ họa: Goal.

Tiêu tốn rất nhiều tiền mua tân binh, tuy nhiên AC Milan vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong lối chơi. Đồ họa: Goal.

Hàng trăm triệu USD được Milan ném vào thị trường chuyển nhượng. Liên tiếp mức lương kếch xù xuất hiện trong các bản hợp đồng mới. Cuộc cách mạng của đội chủ sân San Siro dưới tay chủ Trung Quốc bắt đầu. Một canh bạc giữa lằn ranh thành công và thất bại khởi động guồng quay của nó.

Bóng đá thời kim tiền không chỉ là trò chơi. Kẻ chiến thắng được tất cả. Người thua cuộc nhận rất nhiều hậu quả. Tiền bạc của giới chủ Trung Quốc phải đánh đổi với thành công của AC Milan. Nhưng nếu Rossoneri thất bại, đội bóng sẽ đối mặt cuộc khủng hoảng từ tài chính đến thương hiệu.

Ban đầu, người Milan phẫn nộ với phát ngôn của Pallotta. Nói với báo chí, Giám đốc điều hành Marco Fassone (Milan) cãi rằng mọi cáo buộc về số liệu và những chi tiết khác không đúng. "Tội bị choáng khi đọc những lời đó", Fassone nói trong đoạn video đăng trên facebook Milan.

AC Milan vẫn chưa tìm lại thời hoàng kim.

Chủ tịch AS Roma hoài nghi đòn bẩy tài chính hậu thuẫn cho AC Milan. Lập tức, GĐĐH Fassone lập luận: "Cách hai bên đàm phán có vẻ không bình thường. Nhưng làm sao một CLB lại tấn công đội bóng khác trực diện đến thế. Ngoài ra, tính chính xác trong phát ngôn của Pallotta không đúng".

GĐĐH Fassone còn giễu cợt món nợ 120 triệu euro và lợi nhuận Milan năm ngoái sáng sủa hơn tài chính đội bóng màu bã trầu. Chủ tịch Pallotta sau đó phải xin lỗi. Nhưng ông Fassone lại thừa nhận tập đoàn Rossoneri Sport Investment Lux, quản lý Milan, mượn 300 triệu euro từ tập đoàn Elliott (Mỹ).

Người đàn ông này lên tiếng trấn an CĐV AC Milan, giải thích thêm lãi suất từ gói mượn 300 triệu euro được chia thành hai phần. Trong đó, gói 180 triệu euro trả lãi 11.5%, và 7.5% dành cho 120 triệu euro. Giới chủ Trung Quốc khi ấy tự tin trong 2 và 3 năm tới, giá trị AC Milan cao gấp đôi số tiền họ nợ.

Milan sa sút thảm hại

Ai cũng có thể đảm bảo cho một tương lai sáng sủa chờ đợi AC Milan. Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn với The Observer, ông Fassone có chỉ ra điều kiện: "Để thực hiện điều đó (đưa Milan về thời hoàng kim), chúng ta phải chơi tốt ở trong lẫn ngoài sân". Trớ trêu thay, Milan không làm được điều đó.

Highlights AC Milan 0-2 Juventus Higuain ghi cả 2 bàn giúp Juve đánh bại AC Milan

Trận thua Juventus khiến họ nhận thất bại thứ 4 mùa này. Thứ hạng của đội bóng giờ thua cả Sampdoria, Roma, Lazio. Theo GĐĐH Fassone, Milan mùa này đặt mục tiêu giành vé dự Champions League. Nếu không, họ đối mặt nguy cơ có thể bán 1 hoặc 2 ngôi sao đẳng cấp để cân bằng tài chính.

"Giành vé dự Champions League là mục tiêu tối ưu trong dự án của chúng tôi. Còn nếu thất bại, đó cũng chưa phải thảm họa. Dự án AC Milan hướng tới có lẽ chỉ bị trì hoãn thôi", ông Fassone nói.

Sự lạc quan đó không đảm bảo bất kỳ điều gì. Năm sau, hợp đồng giữa hãng Adidas và Milan sẽ kết thúc. Không còn nhà tài trợ này, Milan sẽ mất gói 19.7 triệu euro bổ sung vào ngân sách mỗi mùa. Bản hợp đồng mới đang thương lượng với Puma chỉ mang về cho đội từ 10-15 triệu euro.

Nghi vấn dành cho AC Milan và giới chủ lớn dần. Cùng lúc, cựu HLV Marcello Lippi lại gây sốc khi cho biết dân Trung Quốc không hề biết thông tin nào về Chủ tịch Yonghong Li và cộng sự tại Milan. Điều này trái ngược với tập đoàn Suning hùng mạnh đang quản lý đội bóng cùng thành phố Inter.

Bắt tay với người Trung Quốc, AC Milan giờ đối mặt tương lai u ám.

Mới đây, GĐĐH Fassone khiến nhiều CĐV Milan lo âu khi hoài nghi về Chủ tịch Li Yonghong. Ông nói: "Tôi biết CLB đang gặp khó khăn tài chính. Bản thân cũng quan ngại về giấy phép của ông Li Yonghong. Nếu CLB tiếp tục thi đấu tệ hại, tập đoàn Elliott sẽ giành quyền điều khiển đội bóng năm sau".

Vấn đề không dừng lại ở đó. GĐĐH Fassone phân tích trong trường hợp Milan không giành quyền dự Champions League, họ sẽ lỗ 100 triệu euro. "Nếu ai đó mua CLB từ tập đoàn Elliott, họ sẽ đưa giá rất rẻ, nhưng phải gánh mọi khoản lỗ từ những năm trước. Đó không phải tương lai tươi sáng", ông Fassone ngán ngẩm.

Milan đang đối mặt với đám mây u ám. Sự ra đi của Chủ tịch Silvio Berlusconi tưởng chừng khép lại một chương ảm đạm, và sự xuất hiện của giới chủ Trung Quốc sẽ khiến CLB đón bình minh mới. Nhưng mọi chuyện không đẹp như vậy. Ông Berlusconi cũng không có ý định mua lại CLB.

"Nếu thắng trong vụ kiện với Mediaset và giành 500 triệu euro, tôi sẽ mua lại AC Milan", ông Berlusconi đùa cợt.

Cuối bài viết, Mark Doyle kết luận sự phập phù của Milan và cách quản lý mập mờ nơi giới chủ Trung Quốc đang khiến NHM dở khóc dở cười. AC Milan, một tên tuổi lẫy lừng ngày nào, lúc này đang sải bước trên hành trình vô định.

"Thà bắt tay với quỷ dữ quen thuộc, còn hơn với kẻ bí ẩn nào đó", Mark Doyle viết, hàm ý AC Milan tự thụt lùi vì bắt tay với một công ty lạ ở Trung Quốc.

Nguyên Trí
Ảnh: Getty Images.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ac-milan-duoi-tay-chu-trung-quoc-chua-bat-dau-da-lui-tan-post791373.html