A Xan - 'đòn gánh' vùng biên giới

Chiếc xe ôtô rẽ qua triền núi, tôi nhìn thấy mấy dãy nhà tầng phía sau cánh đồng ruộng lúa bậc thang, tạo nên thung lũng trung tâm xã A Xan tuyệt đẹp. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư cho A Xan hàng trăm tỉ đồng, trở thành 'đòn gánh' của 4 xã biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Đại úy, y sĩ Nguyễn Văn Minh, sơ cứu người bị tai nạn giao thông tại Phòng khám quân dân y A Xan. Ảnh: Hải Luận

Đại úy, y sĩ Nguyễn Văn Minh, sơ cứu người bị tai nạn giao thông tại Phòng khám quân dân y A Xan. Ảnh: Hải Luận

Trung tâm y tế và giáo dục hiện đại

Gần trưa ngày thứ 7, có một bà cụ bị tai nạn giao thông, người nhà đưa vào cấp cứu ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang. Đại úy, y sĩ Nguyễn Văn Minh (Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam) trực phòng khám, nhanh chóng xử lý vết thương, tiêm thuốc cho bà cụ và nằm lại ở phòng khám theo dõi điều trị.

“Ở khu vực các xã biên giới trên này thường xuyên xảy ra tai nạn lao động và tai nạn giao thông, nếu bị quá nặng phải sơ cứu khẩn trương, sau đó, xe cứu thương của đồn chuyển bệnh nhân lên bệnh viện trung tâm huyện hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh. Còn những bệnh thông thường như cảm, sốt..., không quá phức tạp thì để lại điều trị tại phòng khám” - Y sĩ Minh nghỉ tay chia sẻ.

Năm ngoái, có một người Lào đi cưa gỗ, không may bị máy cưa cắt cụt chân, 15 thanh niên thay nhau cáng chạy bộ 4 giờ mới đến được Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan. Lập tức, cán bộ y tế tiêm thuốc giảm đau, rửa vết thương, băng bó và sử dụng thuốc kháng sinh liều cao chống nhiễm trùng cho bệnh nhân. Sau đó, xe cứu thương của Đồn Biên phòng A Xan chở về đồng bằng điều trị. Biết bao nhiêu câu chuyện cấp cứu người ở nơi biên giới xa xôi trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất.

Bệnh nhân đến Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan chủ yếu khám bảo hiểm y tế. Đến thời điểm này, đa số người dân ở vùng biên giới đã có thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, nhiều người dân Lào sang A Xan đi chợ và khám bệnh, xin thuốc. Y sĩ Minh tâm sự: “Trước khi xảy ra dịch Covid-19, người dân Lào ở các bản sát biên giới Việt - Lào, đa số đều mang các sản vật làm được qua A Xan bán lấy tiền mua gạo, thực phẩm, rồi ghé vào phòng khám để khám bệnh và xin thuốc. Đối với số người này không đụng vào thuốc bảo hiểm y tế được, mình phải cân đối lấy thuốc của bộ đội cho họ. Bà con ở xa nên phải cho nhiều thuốc hơn người dân trong nước”.

Hiện nay, Phòng khám quân dân y A Xan được xây dựng mới hoàn toàn, có phòng chụp X-Quang, phòng mổ đẻ, mổ ruột thừa, phòng siêu âm... Có 9 y, bác sĩ, trong đó có 3 quân nhân Biên phòng. Trưởng phòng khám là Thượng tá, bác sĩ Lê Đức Mạnh.

Lúc chúng tôi đang ở Đồn Biên phòng A Xan chỉ thấy sóng 4G của mạng Viettel nổi lên rất yếu. Một cán bộ của đồn cho biết: “Bên trường cấp 3 họ đặt thiết bị thu sóng “hút” cả vùng này về bên đó để dạy trực tuyến cho học sinh”. Tôi ấn tượng mạnh mẽ chi tiết này nên sang thăm Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công, huyện Tây Giang. Trường vừa mới xây dựng xong trên triền đồi, nhận học sinh 4 xã biên giới: A Xan, Tr,Hy, Ga Ry, Ch,Ơm. Thầy ALăng Bên, Phó Hiệu trưởng nhà trường dẫn tôi đi tham quan toàn bộ khuôn viên trường. 100% phòng học được trang bị màn hình tivi để giảng dạy giáo án điện tử, phòng học tiếng Anh, tin học chuyên biệt. Dãy nhà 4 tầng dài dành riêng cho học sinh các xã biên giới về ở lại nội trú, nhà bếp được trang bị hệ thống nấu cơm bằng điện, có nhân viên nấu cơm riêng phục vụ các em học sinh.

Thầy ALăng Bên chia sẻ: “Tôi quê ở A Xan, trước đây phải đi xuống dưới thành phố Hội An học trường nội trú, học xong phổ thông vào Nha Trang học dự bị đại học, rồi đi học đại học. Ra trường, tôi dạy dưới huyện, năm 2018, Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công đi vào hoạt động, tôi được điều về đây dạy. Ở biên giới mà có trường trung học phổ thông nội trú rất tuyệt vời, giúp các em học hết chương trình phổ thông và học lên cao hơn nữa”. Hiện tại, ở xã A Xan đã có đủ 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đều được Nhà nước đầu tư xây dựng trường lớp khang trang.

Hướng đến làm giàu

“Bây giờ, đồng bào ở A Xan “kén ăn” lắm, không phải như ngày trước gạo gì cũng ăn được. Nay đời sống của họ khá hơn nên chọn mua loại gạo ngon, thơm, dẻo - Bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ cửa hàng tạp hóa ở trung tâm xã A Xan nói ngắn gọn. Quan sát tại tạp hóa của bà Chi thấy bán nhiều sản phẩm khá tốt, chứng tỏ cuộc sống của người dân ở đây khấm khá hơn trước rất nhiều.

Trung tâm hành chính xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Toàn xã A Xan có hơn 100ha lúa nước, sản xuất 2 vụ trong năm. Ông Ta Ngôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết: “A Xan nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, nên nhiệt độ trung bình từ 20 - 300C thuận lợi phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, như đẳng sâm, nhân sâm, có 30 hộ trồng thử nghiệm cho kết quả tốt. Có mấy hộ đang trồng giống cam Vinh, trái nhiều lắm. Nghị quyết của Đảng bộ xã phải tập trung phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây có giá trị kinh tế để hướng đến làm giàu, không thể chỉ trông chờ vào cây lúa rẫy mãi”.

Hiện nay, đường bê tông đã về đến các thôn, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng các cụm dân cư và mở các con đường vào khu sản xuất nông nghiệp. Vấn đề căn cốt nhất đối với A Xan nói riêng và 3 xã biên giới trong vùng biên Tây Giang nói chung là cần đầu tư thực hiện những mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi thật hiệu quả. Mô hình đó phải phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, đường giao thông tiêu thụ sản phẩm, giá trị kinh tế lời lãi ra những con số thực tế. Muốn vậy cần cử những đơn vị, con người thực sự am hiểu khoa học và thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp.

Điều quan trọng hàng đầu và xuyên suốt nhất là cán bộ, kỹ sư nên “chung sống” tại chỗ, bám trụ lâu dài với dự án và mô hình. Có như vậy mới “truyền” kiến thức, kỹ thuật cho bà con ở biên giới biết cách làm theo và đạt hiệu quả kinh tế rõ nét. Đây mới gọi là thành công của dự án và mô hình trình diễn, để dân làm theo.

Hải Luận

www.bienphong.com.vn

Hải Luận

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/a-xan-don-ganh-vung-bien-gioi-120889.html