Ả Rập Xê-út mất niềm tin vào vũ khí Mỹ?

Không thể tin tưởng vào khả năng của Patriot Mỹ, Ả Rập Xê-út đã loại bỏ chúng và ký hợp đồng mua tổ hợp phòng thủ mới Iron Dome của Israel.

Ả Rập Xê-út đã thuyết phục Israel về việc cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không Iron Dome của Israel cho họ. Sự việc này xảy ra sau khi tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại Patriot của Mỹ được trang bị trong lực lượng vũ trang Ả Rập Xê-út không hoạt động hiệu quả.

Ả Rập Xê-út đã loại bỏ Patriot và lựa chọn Iron Dome của Israel.

Ả Rập Xê-út đã loại bỏ Patriot và lựa chọn Iron Dome của Israel.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay xuất phát từ sự kiện đầu năm. Tổ hợp tên lửa phòng thủ hiện đại Patriot của Mỹ được coi là vũ khí chiến lược của Ả Rập Xê-út trong việc chống lại các cuộc tấn công của Yemen vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên ngay 26/3/2018 trước các cuộc tấn công của Yemen, tổ hợp này đã phóng ra 3 tên lửa, một trong số này gần như rơi ngay sau khi bay không xa khỏi bệ phóng. Tên lửa rơi vào một khu dân cư và phát nổ khiến nhiều dân thường phải hứng chịu thảm cảnh này.

Thực tế này khiến mức độ tin tưởng của Ả Rập Xê-út đối với vũ khí trang bị Mỹ giảm dần và đến lúc này họ buộc phải tìm một loại vũ khí mới nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là từ Yemen trong bối cảnh tình hình khu vực này ngày càng căng thẳng.

Và đầu tiên nước này nghĩ tới đó là vũ khí Nga, cụ thể loại vũ khí mà họ muốn chính là tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga. Những khả năng của tổ hợp này ít nhiều đã được chứng minh trong quá trình tham chiến ở chiến trường Syria, ví dụ chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Hmeymim. Tuy nhiên do là một đồng minh của Mỹ và những mâu thuẫn chính trị khác nên Ả Rập Xê-út không thể mua tổ hợp này của Nga.

Điều này buộc họ phải tìm phương án khác thay thế. Và lựa chọn của nước này đó là tổ hợp tên lửa Iron Dome của Israel. Hợp đồng về việc cung cấp tổ hợp này cho Ả Rập vừa được ký kết. Tuy nhiên thông tin cụ thể chưa được tiết lộ.

Mặc dù hợp đồng này được ký kết nhưng điều này không có nghĩa là họ trở thành bạn bè. Nên nhớ rằng, đối với các nước Ả Rập, Israel là một kẻ thù lâu đời. Sự hợp tác này đơn giản chỉ vì lợi ích hiện tại của nhau và một chất xúc tác chính dẫn đến sự hợp tác này đó là cuộc đối đầu với Iran.

Tổ hợp tên lửa Iron Dome có khả năng đánh chặn các mục tiêu từ 4 - 70 km. Nó được đánh giá đủ sức bảo vệ khu vực rộng khoảng 150 kilômét vuông an toàn trước mối nguy tấn công bằng tên lửa, và tất nhiên là kể cả chiến đấu cơ.

Bên cạnh Iron Dome, Israel còn có hệ thống tên lửa SPYDER đánh chặn có tầm bắn từ 1 - 15 km với tầm bay từ 20 - 9.000 m. Đây là loại vũ khí phòng thủ được một số nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, lẫn châu Mỹ lựa chọn. Ở tầm chiến đấu gần hơn nữa, Israel đang phát triển Iron Beam chuyên dụng đánh chặn các loại đạn pháo ở tầm ngắn hơn 7 km. Loại vũ khí sử dụng công nghệ laser chỉ mất 4 - 5 giây để bắn hạ mục tiêu.

Cũng chính vì thế, từ vài năm qua, Hàn Quốc đã tìm cách mua Iron Dome từ Israel nhằm tăng cường khả năng phòng vệ nguy cơ tên lửa và lực lượng pháo phản lực đa nòng mà CHDCND Triều Tiên triển khai gần khu vực phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Nguyễn Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/a-rap-xe-ut-mat-niem-tin-vao-vu-khi-my-3365517/