A Lũ đến trường

Sáng sớm mùa đông trời lạnh buốt của miền cao nguyên trung phần, A Lũ (học sinh lớp 8 trường PTDTNT THCS xã Đăk Long, Đắk Hà, Kon Tum) vật vã cả chặng đường dài trong mưa phùn để đến lớp. Trận mưa từ ngày hôm trước khiến đoạn đường đi mất gần 4 tiếng đến trường của cậu học trò tật nguyền càng thêm khó khăn. Ấy vậy mà A Lũ cũng chẳng tới trường muộn hơn ngày thường một phút nào. Sự miệt mài đến bền bỉ ấy của A Lũ thực sự là một câu chuyện mang lại niềm xúc động cho thầy và trò Trường PTDTNT THCS xã Đăk Long từ nhiều năm nay.

A Lũ trong lớp học.

A Lũ trong lớp học.

Từ khi sinh ra, A Lũ đã không may mắn có được một cơ thể trọn vẹn. Đôi tay mất ngón, đôi chân co quắp khiến việc đi lại, sinh hoạt của A Lũ thêm muôn phần khó khăn. Ngày mới sinh, A Lũ đã làm cả lũ làng hoảng hốt. Lệ làng với những trói buộc đã khiến cha mẹ A Lũ sợ hãi, và người làng thì xa lánh. Ai cũng nói nhà A Lũ phạm lỗi với Yang nên bị phạt, khiến A Lũ "khác người" như thế.

Nén buồn, nén đau, nén mặc cảm, cha mẹ A Lũ chống chọi lại với những lời thì thầm của người làng, cần mẫn làm rẫy nuôi lũ con 9 đứa. A Lũ sống và lớn vạ vật như củ khoai củ mỳ trong căn nhà sàn tồi tàn nhiều năm trời. Thương con, cha mẹ A Lũ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong nhìn đứa con bị dị tật của mình. A Lũ thì buồn ghê gớm lắm. Ngày ngày, lũ bạn cùng trang lứa chơi đùa với nhau, A Lũ thì bị xa lánh. Một mình thui thủi như thế, A Lũ chỉ có lá cây, ngọn cỏ làm bạn. A Lũ nhìn chúng bạn đi học mà thèm, nhưng nhà nghèo quá, A Lũ muốn học mà không dám.

Thấy hoàn cảnh của A Lũ vừa nghèo vừa khốn khó, các thầy cô giáo đã đến vận động cha mẹ cho A Lũ đi học. Những lần đầu, cha dẫn A Lũ bỏ trốn khi gặp người lạ. Trốn hoài cũng không được, người cha mới thú thật, rằng vì thấy A Lũ tật nguyền như thế, chỉ sợ đi học thì A Lũ sẽ khổ, sẽ bị bạn chê cười, sẽ không theo học được, và cũng không có tiền đi học vì nhà nghèo quá. Cả trăm lý do được đưa ra để A Lũ không được đi học. Nhưng rồi, thầy cô giáo nói mãi, cái tai nghe cũng lọt, cái bụng cũng ưng, mà A Lũ thì thích đi học quá nên người cha đành chiều con. Cha mẹ thương A Lũ lắm, số phận đã hẩm hiu, chỉ sợ A Lũ không học được mà thôi.

Ngày đến trường, A Lũ được học, được cầm bút, được đọc sách, được chơi chung cùng lũ bạn. A Lũ chẳng còn gì vui hơn thế. Những khó khăn, cực khổ của cậu bé hai bàn tay chỉ có 6 ngón, cùng với đôi chân tật nguyền vô cùng nhiều. Viết được bằng tay với A Lũ đâu có dễ, đã nhiều lần A Lũ phải khóc nức nở vì đau. Được sự hướng dẫn, động viên của cô giáo, bố mẹ, bàn tay yếu ớt của cậu bé dần làm quen với cây bút. Khắc phục khiếm khuyết của bàn tay, với nghị lực tuyệt vời, giờ đây bàn tay phải của A Lũ viết chữ rất nhanh và rất đẹp.

Nhà quá nghèo, lại đông con nên cha mẹ A Lũ dù có thương cũng chẳng thể cho con được gì nhiều. A Lũ đi học và được thầy cô bạn bè mến thương, giúp đỡ rất nhiều. Quãng đường đồi núi đến trường dài đằng đẵng với cậu bé tật nguyền mỗi ngày là cả một sự vất vả và cố gắng gấp nhiều người. Mỗi ngày, đều đặn 4 tiếng đi học và 4 tiếng đi về, đôi chân tật nguyền của cậu học trò ham học không biết bao lần bị ngã, trầy xước, đau đớn. Nhưng chưa một ngày A Lũ ngừng đến trường.

Thương cậu trò nhỏ, các thầy cô giáo xin được cho A Lũ một chiếc xe đạp của trẻ con để A Lũ thuận lợi hơn khi đến trường. Chiếc xe ấy ngày ngày đồng hành cùng cậu học trò lớp 8 chỉ nặng 28 kg. Nhờ có chiếc xe đạp cũ A Lũ đến trường đỡ vất vả hơn và được sự giúp đỡ của hai người bạn, A Lũ đã bình yên hơn khi đến trường.

Cô giáo Lò Trang, GVCN của A Lũ bảo, A Lũ muốn được học cao hơn nữa, dù biết có thể ước mơ đó không dễ để thành hiện thực, khi mà nhà A Lũ quá nghèo, mùa đông này A Lũ chẳng có áo ấm, bữa cơm cũng chỉ là mỳ tôm và những thức ăn thầy cô cho. A Lũ chỉ biết rằng mình có khát khao được tới trường, tới lớp, khát khao được học cái chữ và khát khao trở thành người có ích để san sẻ một phần vất vả của cha mẹ vẫn luôn cháy trong tim.

Trên hành trình đến được với ước mơ của mình, A Lũ còn phải trải qua rất nhiều trở ngại. Cõ lẽ, cuộc sống sẽ còn nhiều hơn nữa những khó khăn và thử thách đối với A Lũ và gia đình của mình. Con đường A Lũ "muốn đi, muốn chạy" cũng sẽ còn nhiều hơn những chông gai. Nhưng với nghị lực kiên cường của cậu bé ấy cùng tình thương thầy cô và bè bạn cùng với gia đình, giọt nước mắt hạnh phúc chắc chắn sẽ được chảy trên khuôn mặt của cậu học trò nghèo lam lũ ấy.

Mùa đông miền cao nguyên rất lạnh, A Lũ không áo ấm nhưng vẫn đến trường, chưa một ngày vắng học…

TIÊU DAO - ĐÀO LINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_199907_a-lu-den-truong.aspx