A.I vào trường học

A.I đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực giáo dục.

Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) trong giáo dục ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ giúp các tổ chức giáo dục thực hiện đổi mới sáng tạo nhanh hơn gấp 2 lần. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 32% các cơ sở ở khu vực này đã bắt đầu hành trình “A.I hóa” của mình.

Theo nghiên cứu “Trang bị cho tương lai: Đánh giá sự tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương với A.I trong ngành giáo dục” của Microsoft, nhiều tổ chức giáo dục đã và đang thu thập dữ liệu, thực hiện các phân tích chuyên sâu, nhằm nâng cao kết quả đầu ra của sinh viên. Theo nghiên cứu, 3 lý do hàng đầu khiến các nhà lãnh đạo ứng dụng A.I vào công tác giáo dục đó là: cải thiện tương tác với học sinh - sinh viên, nâng cao nguồn kinh phí, thúc đẩy nhiều sáng kiến đổi mới hơn.

Các tổ chức giáo dục đã áp dụng A.I cho biết họ nhìn thấy sự cải thiện từ 11-28% xét về các khía cạnh trên. Dự kiến đến năm 2021, các cơ sở giáo dục sử dụng A.I sẽ có bước nhảy vọt về nguồn kinh phí thu được, dự kiến sẽ tăng 3,7 lần, cao hơn hầu hết các ngành khác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nghiên cứu cho thấy cả quản lý và nhân viên ngành giáo dục đều có cái nhìn tích cực về A.I đối với công việc. Đa số quản lý (61%) và nhân viên (61%) tin rằng A.I giúp thực hiện công việc hiện tại hiệu quả hơn hoặc giảm thiểu các nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Ngoài ra, 21% các quản lý tin rằng A.I sẽ tạo ra việc làm mới và 13% nhân viên cũng đồng ý như vậy.

Là một trong những trường đại học hàng đầu tại Nhật với hơn 17.000 sinh viên, Khoa Kỹ thuật Đại học Hokkaido đã bắt đầu hành trình A.I với công cụ giáo dục trực tuyến e-learning. Cụ thể, nhà trường đã phát triển một hệ thống học tập trực tuyến, vận hành trên đám mây Microsoft Azure cho phép sinh viên theo dõi các khóa học ở bất kỳ nơi đâu. Tận dụng khả năng A.I và tự động hóa, hệ thống này đã giúp nhà trường đa dạng hóa cách tiếp cận với sinh viên, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho khóa học từ vài ngày xuống vài giờ, tăng cường bảo mật và thay đổi trải nghiệm học tập của sinh viên.

Mới đây, Đại học Hà Nội cũng đã bắt tay với FPT để đưa ứng dụng A.I vào đào tạo chuyên ngành biên - phiên dịch. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, cho biết: “Dịch thuật là nghề đòi hỏi người làm nghề không chỉ phải tinh thông kỹ năng ngôn ngữ mà còn cần có kỹ năng phân tích tốt. Việc hợp tác này sẽ giúp nhà trường có thêm những cập nhật mới và ứng dụng công nghệ cao trong công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành biên - phiên dịch”.

Hay Ames English đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng A.I trong dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam. Hệ thống trí tuệ nhân tạo do Ames English phát triển cũng trở thành “giáo viên bản ngữ ảo”, có khả năng đánh giá và chấm điểm phát âm của học viên qua công nghệ nhận dạng giọng nói ASR (Automatic Speech Recognition).

Mặc dù 75% các nhà lãnh đạo giáo dục tham gia khảo sát đồng ý rằng A.I sẽ giúp cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục nhưng theo Microsoft, chưa nhiều cơ sở giáo dục ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiến hành “A.I hóa”.

Hơn 50% nhân viên và gần một nửa số quản lý ngành giáo dục tham gia khảo sát tin rằng các đặc điểm và hành vi văn hóa cần thiết cho việc ứng dụng A.I hiện không phổ biến trong tổ chức của họ. 67% nhân viên và 46% quản lý không cho rằng nhân viên được trao quyền để có thể hành động một cách nhanh chóng và linh hoạt trong phạm vi tổ chức của mình.

Nói về tính sẵn sàng của dữ liệu, đây là một vấn đề mấu chốt đối với các cơ sở giáo dục. Ngày nay, dữ liệu tại các cơ sở giáo dục đại học bị cách ly trong các silo dữ liệu và việc sử dụng nền tảng đám mây để mở rộng khả năng lưu trữ còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục cũng phải đối mặt với các vấn đề về tính kịp thời và chất lượng dữ liệu từ các nguồn, cũng như thiếu thực hành quản trị để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng dữ liệu.

Cũng theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nguồn lao động hiện tại vẫn còn thiếu những kỹ năng cần thiết cho một tương lai A.I. 3 kỹ năng được cho là sẽ thiếu hụt trong vòng 3 năm tới gồm: Kỹ năng công nghệ thông tin và lập trình; Kỹ năng số; Kỹ năng định lượng, phân tích và thống kê.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quản lý và nhân viên chưa thật sự có cái nhìn chung về việc bổ sung kỹ năng. Các quản lý nhận thức được nhu cầu cấp thiết của việc trang bị các kỹ năng A.I cho lực lượng lao động, nhưng họ không hoàn toàn tin rằng nhân viên của mình mong muốn tham gia đào tạo. Dựa trên nghiên cứu, 26% quản lý cảm thấy rằng người lao động không có hứng thú với việc đào tạo kỹ năng, nhưng thực tế chỉ có 11% nhân viên không có hứng thú.

Mặc dù vậy, tiềm năng của A.I là không thể phủ nhận. A.I trong lĩnh vực trường giáo dục dự kiến đạt giá trị xấp xỉ 2 tỉ USD vào năm 2023 và tăng trưởng với tốc độ 38% trong giai đoạn 2019-2023. Nhờ các sáng kiến ngày càng tăng của chính phủ để hỗ trợ số hóa, tự động hóa và phát triển dịch vụ dựa trên đám mây ở các quốc gia, thị trường A.I trong giáo dục ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất

Bảo Trung

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/ai-vao-truong-hoc-3330769/