Á hậu, MC bán dâm nghìn đô: Coi nhẹ danh hiệu, người đẹp làm liều

Liên quan đến đường dây bán dâm giá nghìn đô của loạt người đẹp, Á hậu gây rúng động dư luận thời gian qua đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay. Bên cạnh đó là ý thức của người đẹp trong việc giữ gìn hình ảnh trước những cám dỗ vật chất, tiền bạc để rồi làm hoen ố danh hiệu.

Đa số người đẹp “ao làng” vướng ồn ào bán dâm?

Thời gian qua, dư luận “dậy sóng” khi đường dây bán dâm có quy mô lớn, quy tụ nhiều người đẹp có danh hiệu như: Á hậu T.D, MC C.V, Á hậu T.M.L - người đẹp từng đoạt giải Á hậu trong cuộc thi sắc đẹp tại một nước châu Á diễn ra vào năm 2017… đi khách với giá 7.000 - 25.000 USD/lượt được công an triệt phá, mở rộng điều tra.

Việc “chân dài” trong showbiz Việt bán dâm không còn là vấn đề mới mẻ. Ảnh: I.T

"Sau mỗi chiếc vương miện có được thì thương hiệu của họ càng lên cao đồng thời giá "đi khách" cũng tăng chóng mặt. Cũng do cuộc sống buông lỏng, không kiên định trước cám dỗ từ nhà lầu, xe hơi, mặc hàng hiệu, chuyến du lịch đắt tiền nên xuôi theo sự gạ gẫm kiếm tiền nhẹ nhàng từ “tú bà, tú ông” trong đường dây môi giới mại dâm”.

PGS - TS Phạm Ngọc Trung

Đây cũng không phải lần đầu người đẹp có danh hiệu bị bắt quả tang đi khách, thậm chí là người đứng ra tổ chức môi giới các đường dây bán dâm. Cụ thể, năm 2013, đường dây bán dâm và môi giới mại dâm của Hoa hậu Nam Mê Kông 2009 V.T.M.X từng gây chấn động dư luận. Người đẹp này khai nhận bán dâm với giá từ vài triệu đồng tới vài trăm USD, nhưng sau khi đoạt danh hiệu Hoa hậu, M.X “có giá” hơn. Khách hàng phải bỏ ra hàng ngàn USD cho mỗi lần được M.X “phục vụ”. Ngoài ra, M.X còn là 1 trong 3 người cầm đầu đường dây môi giới mại dâm có giá lên đến 2.500 USD. Năm 2017, Hoa khôi thời trang Việt Nam 2017 Phạm Thị Thanh H và Á khôi 1 cuộc thi Cuộc chiến Sắc đẹp 2017 Nguyễn Thị N bị bắt quả tang khi đang có hành vi mua bán dâm và tham gia môi giới với giá nghìn USD…

Dễ thấy điểm chung của những người đẹp có danh hiệu bán dâm đều có xuất phát điểm từ cuộc thi sắc đẹp mờ nhạt, thậm chí bị nhiều người đánh giá là “ao làng” và danh hiệu được trao bị xem là “rẻ như cho”. Cuộc thi Hoa hậu Nam Mê Kông 2009 – cuộc thi mang tên gọi vùng miền tạo cảm giác quy mô lớn, nhưng thực chất lại nhỏ với số lượng và chất lượng thí sinh tham gia hạn chế. Bản thân cuộc thi cũng "sớm nở tối tàn" và được nhắc đến nhiều nhất hiện nay gắn liền với bê bối của người đoạt danh hiệu là Hoa hậu kiêm “tú bà” M.X.

Thực tế, nếu như trước đây đều đặn 2 năm/lần, công chúng mới có dịp chiêm ngưỡng tài năng, sắc đẹp của các cô gái trẻ đến với Hoa hậu Việt Nam thì hiện nay các cuộc thi sắc đẹp dành cho người Việt nhiều không xuể. Chỉ kể tên những cuộc thi này, không ít người sẽ bị nhầm lẫn và khó nhớ hết các tên gọi như: Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu Phụ nữ sắc đẹp, Nữ hoàng Trang sức, Nữ hoàng Doanh nhân Việt Nam... Điều này khiến cho cộng đồng, thậm chí những người trong giới cũng không nhớ hết tên, khó phân biệt được cuộc thi này khác cuộc thi kia ở điểm nào, người đẹp này đăng quang ở đâu?…

Danh hiệu và sự cám dỗ phía sau

Người đẹp có danh hiệu vướng vòng lao lý khi tham gia đường dây bán dâm nghìn đô. Ảnh: T.L

Hoa hậu Việt Nam – cuộc thi nhan sắc uy tín và lâu đời nhất hay cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đến thời điểm hiện tại chưa từng xảy ra chuyện Hoa hậu, Á hậu vướng vòng lao lý vì… bán dâm. Các Hoa hậu Việt Nam nổi tiếng tài sắc vẹn toàn như: Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Nguyễn Thị Huyền, Hà Kiều Anh, Mai Phương Thúy, Đỗ Mỹ Linh... đều chọn con đường học vấn sau khi đăng quang. Bản thân họ thời điểm đăng quang đều đang là những sinh viên xuất sắc, tố chất tốt, nhiều hoài bão đẹp. Chính vì thế, người đẹp đăng quang thường có những hoạt động thiện nguyện tích cực vì cộng đồng không chỉ trong thời gian đương nhiệm. Không ít người đẹp không ngại thử sức mình tham gia những cuộc thi sắc đẹp uy tín tầm quốc tế mang lại niềm tự hào cho Việt Nam như: Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền - top 15 Miss World 2004, Hoa hậu Mai Phương Thúy - top 17 Miss World 2006, Á hậu Huyền My top 10 Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017, Đỗ Mỹ Linh - giải phụ Hoa hậu Nhân ái tại Miss World 2017…

Trong khi đó, nhiều cô gái trẻ đoạt danh hiệu: Hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng… ở những cuộc thi “ao làng” thường chỉ “giậm chân tại chỗ”, có tâm lý thi nhan sắc nhằm “đổi đời”, dễ dàng bước chân vào giới showbiz, tham gia đóng phim, làm ca sĩ, người mẫu. Và việc họ khó vượt qua được cám dỗ vật chất, tiền bạc, đi khách với mức giá nghìn đô là điều dễ hiểu. “Có thể họ thấy đó là cách kiếm tiền “dễ dàng” hơn chăng?” – Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi và cũng là người nhiều năm đồng hành với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam băn khoăn.

Từ góc độ khác, PGS-TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: “Những cô gái giành được danh tiếng từ các cuộc thi sắc đẹp và đi bán dâm, họ mang trong mình suy nghĩ, người bình thường sẽ được trả giá ít hơn, có danh hiệu cái giá sẽ cao hơn rất nhiều. Họ nghĩ, việc nhẹ, lương cao nên đã lắc đầu cho qua danh hiệu cao quý đó. Suy nghĩ này thật sự đáng buồn!”.

Mỵ Lương (tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/a-hau-mc-ban-dam-nghin-do-coi-nhe-danh-hieu-nguoi-dep-lam-lieu-912880.html