Ðã đến lúc phải sắp xếp lại vỉa hè

Vỉa hè lại ngổn ngang nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở TP HCM cần sớm có giải pháp tái sắp xếp, chấn chỉnh

Trên hàng loạt tuyến đường từ nội thành đến ngoại thành TP HCM, vỉa hè đang bị lấn chiếm tràn lan. Nếu ban ngày vỉa hè bị các xe hàng rong, các cửa hàng buôn bán, chợ tạm chiếm dụng thì ban đêm vỉa hè là nơi các ông chủ quán nhậu xí phần, bất chấp phản ứng từ dư luận.

Lấn chiếm cả ngày lẫn đêm

Suốt một tuần đầu tháng 12, ban ngày, chạy dọc những tuyến đường từ huyện Hóc Môn lên đến quận 3 (TP HCM), chúng tôi không khỏi bức xúc vì vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan. Ðiển hình dọc đường Trường Chinh (đoạn thuộc quận 12, Tân Phú và Tân Bình), đâu đâu cũng thấy cảnh hàng quán, xe đẩy chiếm hết vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Ði sâu vào đường Cộng Hòa (thuộc địa bàn quận Tân Bình), hình ảnh trên vẫn tiếp diễn, bất chấp đường sá luôn đông đúc xe cộ và khói bụi. Ðến đường Lê Văn Sỹ (chạy xuyên qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và quận 3), cảnh vỉa hè biến thành nơi đặt bàn ghế kinh doanh hàng ăn, điểm để xe cứ như "gai đâm vào mắt".

Vỉa hè đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) bị chiếm dụng để buôn bán .Ảnh: THU HỒNG

Vỉa hè đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) bị chiếm dụng để buôn bán .Ảnh: THU HỒNG

Việc lấn chiếm buôn bán kinh doanh không chỉ diễn ra ở các tuyến đường lớn, mặt tiền "đẹp" mà xung quanh các bệnh viện, khu chợ, cũng rất trầm trọng. Khi đưa một người bạn đi tái khám ở một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh, chúng tôi không khỏi ngán ngẩm trước cảnh bát nháo ở nơi đây. Khu vực này, các hàng bán quần áo, nước uống, thức ăn bày la liệt trên vỉa hè, người đi bộ phải luồn lách giữa các hàng quán hoặc đi dưới lòng đường.

Ban ngày đã thế, ban đêm chỉ có thể miêu tả "vỉa hè đã biến mất". Ðiển hình, cứ màn đêm buông xuống là vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5) lập tức biến thành "phố thời trang" lớn nhất TP. Gần như toàn bộ vỉa hè đã bị các cửa hàng "lấy mất", khách mua phải đậu xe xuống lòng đường. Anh Nguyễn Hoàng Nhật (36 tuổi, tài xế lái xe cứu thương) cho biết khổ sở nhất là những lần chở bệnh nhân cấp cứu phải lưu thông qua đường Nguyễn Trãi.

Tại quận 1, từ lâu đường Bùi Viện luôn trở thành tâm điểm của dư luận khi nơi đây càng về đêm hàng quán thi nhau để lấn ra. Tối 12-12, hơn 22 giờ, gần như toàn bộ bàn ghế được đẩy ra đường.Trên 2 tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình) về đêm cũng bị lấn chiếm làm quán nhậu, cà phê, nơi giữ xe. Ðặc biệt, ghi nhận trên đường Phạm Văn Ðồng, đoạn kéo dài từ giao lộ Nguyễn Xí đến vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (thuộc địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp), từ sập tối, các quán bày sẵn bàn ghế sát mép đường, khói nghi ngút nấu đồ ăn chờ khách. Dưới lòng đường, nhân viên phục vụ đứng lố nhố vẫy tay mời chào, gây cảnh bát nháo và cản trở giao thông.

Ðã đề xuất cách quản mới

Liên quan đến việc quản lý vỉa hè, mới đây tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3, cho hay để tạo điều kiện chủ động cho quận trong việc bố trí, sắp xếp vỉa hè, quận 3 đề xuất UBND TP điều chỉnh quy định theo hướng phân cấp cho quận được quyết định đối với các tuyến đường trên địa bàn. Hiện trên địa bàn quận 3 có 52 tuyến đường thực hiện theo chương trình hành động chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó có nội dung sắp xếp lại việc sử dụng vỉa hè. Hiện Ban Thường vụ Quận ủy đã giao Ủy ban MTTQ quận 3 tổ chức lấy ý kiến người dân về việc sử dụng vỉa hè (thực hiện trong tháng 12-2020). Theo đó, quận sẽ cùng người dân bàn cụ thể từng vỉa hè và xác định đoạn vỉa hè nào không được sử dụng để kinh doanh, để xe; đoạn vỉa hè nào sử dụng một phần; đoạn vỉa hè nào có thể bố trí sử dụng kinh doanh theo giờ.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thì thông tin sắp tới việc quản lý sử dụng vỉa hè sẽ thực hiện theo một hướng mới. Cụ thể, sở đã trình UBND TP dự thảo quy định về quản lý và sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Dự thảo này đang lấy ý kiến các địa phương để ban hành quy định mới theo hướng cho phép người dân sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến để kinh doanh, buôn bán theo giờ và có thu phí.

Theo dự thảo, có 3 nhóm đối tượng sử dụng một phần vỉa hè trong khoảng thời gian nhất định có thu phí gồm điểm trung chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phục vụ công trình của hộ gia đình (trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau); điểm trông giữ xe có thu phí; hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa (bề rộng hè phố dưới 5 m chỉ trông giữ xe 2 bánh, trên 5 m thì xem xét cho giữ ôtô). Riêng lòng đường khi sử dụng tạm sẽ thu phí đối với doanh nghiệp có điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt và điểm trông giữ xe có thu phí.

Năm nhóm đối tượng được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường trong khoảng thời gian nhưng không thu phí (vẫn phải xin giấy phép) gồm: Hộ gia đình tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe cho hoạt động này (thời gian sử dụng không quá 48 giờ đối với đám cưới và không quá 72 giờ đối với đám tang); tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; điểm để xe 2 bánh tự quản của gia đình, của khách đến mua hàng; điểm bố trí để xe 2 bánh công cộng tại vị trí chuyển tiếp phục vụ hành khách sử dụng xe buýt, đường sắt đô thị và điểm bố trí dịch vụ để xe đạp, xe đạp điện công cộng.

Cho thuê là cần thiết nhưng phải minh bạch

Ba năm nay, tầm 6 giờ sáng, bà Linh và con gái (quê Bến Tre) đẩy xe bánh mì ra đầu hẻm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) để bán, đến 8 giờ 30 phút bà đẩy xe về, kiếm được 200.000 đồng. "Nếu danh chính ngôn thuận được thuê vỉa hè là tôi đồng tình ngay, vì việc bán bánh mì trên vỉa hè đang là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi" - bà Linh nói. Tương tự, kiếm sống nhờ tủ mì xào trên vỉa hè đường Cộng Hòa gần 4 năm nay, vợ chồng anh Thanh cho biết thực ra bán trên vỉa hè cũng phập phồng vì sợ cán bộ đô thị "hốt". "Nếu đóng phí để an tâm buôn bán thì tôi đồng ý nhưng mức phí phải hợp lý, phù hợp mục đích và khoảng thời gian của người sử dụng" - anh Thanh nêu ý kiến.

Về phía địa phương, một đại diện của quận 12 cho biết sẽ khó cho những quận, huyện đang đô thị hóa bởi vỉa hè chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí mức sống người dân tại khu vực trung tâm cũng khác với các quận, huyện vùng ven. Nếu thu phí nên tổ chức lấy ý kiến người dân trên tuyến đường về sự đồng thuận, tiêu chí cũng như nguồn thu sẽ dùng tái đầu tư những tuyến đường trên địa bàn quận.

Cho rằng việc thu phí quản lý sử dụng tạm lòng đường, hè phố là điều nên làm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư TP HCM, phân tích thêm: Từ trước năm 1975, kinh tế vỉa hè đã có tại Sài Gòn và đến nay đã ăn sâu vào nếp nghĩ, thói quen của người dân và góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người dân tại TP. Ðó là thực tế khách quan, không thể xóa bỏ. Do đó, việc TP hướng đến chuyện thu phí sử dụng vỉa hè là tín hiệu tích cực, giải quyết hài hòa trật tự kỷ cương đô thị và cuộc sống người dân. "Ðể việc thu phí có hiệu quả, minh bạch trong thời gian sắp tới, nên thực hiện thí điểm trên các tuyến đã được địa phương khảo sát kỹ, tổ chức đấu thầu bốc thăm công khai cho từng tuyến" - luật sư Hậu đề xuất. Ngoài ra, để việc quản lý vỉa hè hiệu quả, minh bạch, cần ứng dụng công nghệ hiện đại như số hóa các dữ liệu, xây dựng các phần mềm cấp phép, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

THU HỒNG - LÊ PHONG - TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/a-den-luc-phai-sap-xep-lai-via-he-20201213214642106.htm