Ða dạng loại hình du lịch đường thủy

Thời gian qua, nhiều loại hình vận tải phục vụ hành khách đã được thành phố tập trung đầu tư đưa vào hoạt động, tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng bến bãi chưa đồng bộ, hiện là rào cản khiến du lịch đường thủy thành phố chưa phát triển xứng tầm…

Thời gian qua, nhiều loại hình vận tải phục vụ hành khách đã được thành phố tập trung đầu tư đưa vào hoạt động, tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng bến bãi chưa đồng bộ, hiện là rào cản khiến du lịch đường thủy thành phố chưa phát triển xứng tầm…

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 7 tới, thành phố sẽ khai trương tuyến du lịch Bến Bạch Ðằng - Bình Dương - Ðịa Ðạo Củ Chi. Tuyến tàu du lịch này do Công ty Greenlines DP khai thác có lộ trình đi từ Bến Bạch Ðằng (quận 1) vòng qua bán đảo Thanh Ða, cập đón khách tại bến Bình Hòa lên Thủ Dầu Một (Bình Dương), cập bến Tiamo sau đó vòng lên địa đạo Củ Chi (Bến Ðình, Bến Dược). Cự ly di chuyển trên toàn tuyến là 78 km.

Công ty Greenlines DP sẽ đưa ba chuyến tàu cao tốc vào khai thác với sức chở 150 hành khách. Mỗi ngày sẽ có bốn chuyến tàu xuất bến, khởi hành từ bến Bạch Ðằng lúc 8 giờ và 9 giờ; khởi hành từ Củ Chi lúc 15 giờ và 16 giờ. Theo Phòng Giao thông đường thủy, Sở GTVT, đây là tuyến du lịch đường thủy đầu tiên trên địa bàn thành phố vừa góp phần phát triển du lịch bằng đường thủy vừa giảm gánh nặng kẹt xe cho đường bộ. Một thuận lợi khác là sau khi thành phố phá dỡ cầu Bình Lợi cũ, không còn hạn chế độ tĩnh không, cho nên nhiều tàu thuyền qua lại dễ dàng giúp lộ trình tuyến đường thủy đi từ Bạch Ðằng đến Bình Dương, Ðồng Nai... thuận lợi hơn, kể cả việc khai thác vận tải hàng hóa cũng hiệu quả. Ðây cũng là một loại hình du lịch trên sông để hành khách có thêm sự lựa chọn bên cạnh các loại hình đang có sẵn như buýt sông, các tàu du lịch chạy tuyến ngắn.

Ngoài ra, một loại hình vận tải hành khách bằng đường thủy khác cũng đã dần tạo thói quen sử dụng cho người dân thành phố, nhất là du khách trong và ngoài nước là tuyến buýt sông số 1 (Bạch Ðằng - Linh Ðông). Sau hai năm sáu tháng đưa vào khai thác, hiện tuyến buýt sông số 1 có lượng khách đi lại dù chưa cao nhưng khá ổn định với 500 đến 600 lượt khách/ngày (12 chuyến tàu/ngày), vào ngày cao điểm thứ bảy, chủ nhật là 1.500 lượt khách/ngày (20 đến 30 chuyếu tàu/ngày). Tuy nhiên, theo Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị đầu tư khai thác tuyến buýt sông số 1 hiện nay vẫn còn bảy trong số 12 bến của tuyến chưa đầu tư xây dựng xong vì thành phố chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, do đó lượng khách sử dụng phương tiện còn hạn chế. Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật Nguyễn Kim Toản cho biết: Tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương để đầu tư bến đỗ rất chậm, hiện mới có năm bến của tuyến xây dựng hoàn tất và đưa vào khai thác gồm Bình An, Thảo Ðiền (quận 2), Thanh Ða (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh và Linh Ðông (quận Thủ Ðức), còn lại bảy bến nữa vẫn chờ nhận bàn giao mặt bằng.

Cũng theo Phòng Giao thông đường thủy, tuyến số 1 từ khi khai thác đến nay hoạt động tương đối hiệu quả, nhưng nếu sớm kết nối hết các bến với nhau thì sẽ thuận lợi hơn cho hành khách. Trên thực tế, hiện nay khách đi buýt đường sông khá đông nhưng phần lớn là khách du lịch, người dân sử dụng phương tiện đi lại rất ít, vì vẫn còn quen với phương tiện xe máy. Ngoài tuyến buýt sông số 1, hiện tuyến buýt sông số 2 (Bạch Ðằng - Lò Gốm) dài 10,3 km, đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 cũng chưa thể triển khai dù đã được phê duyệt dự án nhiều năm qua. Bởi theo đơn vị đầu tư là, Công ty TNHH Thường Nhật, hiện nay công trình đập ngăn triều đang xây dựng tại khu vực kênh Bến Nghé và dự án cải thiện môi trường nước đang thi công trên rạch Tàu Hũ khiến dự án vẫn đang "ách" chưa thể triển khai được. "Hạ tầng các bến, cảng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giao thông đường thủy, một khi có bến nghĩa là cửa "đã mở" cho hành khách dễ dàng tiếp cận sử dụng phương tiện. Vì vậy, thành phố cần sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống bến bãi để đẩy mạnh khai thác các tuyến vận tải du lịch đường thủy cũng như hoạt động vận chuyển hàng hóa", ông Toản đề xuất.

Theo Sở GTVT, thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài có khả năng khai thác vận tải gần 1.000 km. Chính vì vậy, du lịch đường sông được xem là mũi nhọn, sự đột phá về phát triển sản phẩm du lịch của thành phố, được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển của loại hình du lịch này vẫn chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế sẵn có do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tua tuyến khá thiếu và yếu về chất lượng…

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cũng nhìn nhận: Bên cạnh một số hạn chế như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan đơn điệu, độ tĩnh không thấp khó cho tàu thuyền lưu thông thì công tác đầu tư các bến thủy xét về tính thẩm mỹ chưa hài hòa với cảnh quan chung quanh; khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, các luồng tuyến chưa kết nối. Ðây chính là điểm hạn chế khiến hiệu quả của việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy chưa như kỳ vọng.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/a-dang-loai-hinh-du-lich-duong-thuy-476075/