Bạc thau - vị thuốc điều kinh, tiêu viêm, giải độc

Bạc thau còn có tên bạc sau, bạch hoa đằng, chấp miên,... Tên khoa học: Argyreia acuta Luor., họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Cây mọc các tỉnh phía bắc, ở các bờ bụi, nhất là trên triền đồi núi đá vôi.

Theo Đông y, bạc thau vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng điều kinh, sát khuẩn, tiêu viêm, giải độc. Dân gian thường dùng làm thuốc chữa bí tiểu, tiểu ít, rát buốt, nước tiểu đục, kinh nguyệt không đều, rong kinh, bạch đới, mụn nhọt lở ngứa, sốt rét, viêm khí quản cấp và mạn, ho. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có bạc thau:

Chữa khí hư, kinh nguyệt không đều:

Bài 1: lá bạc thau 10g, rễ xích đồng nam 10g, vỏ thân mía tía 10g, rễ cỏ tranh 10g, rễ móc diều 8g, cỏ hàn the 8g, lá huyết dụ 8g. Phơi khô. Sắc uống.

Bài 2: bạc thau 20g, rau dền gai 15g. Sắc uống.

Chữa rong kinh, rong huyết:

Bài 1: lá bạc thau 30 - 40g, rửa sạch, giã nát, thêm ít nước sôi để nguội, vắt lấy nước để uống. Bã đắp lên đỉnh đầu (Nam dược thần hiệu).

Bài 2: lá bạc thau 20g, ngải cứu 20g, lá bạch đầu ông 20g. Giã nát vắt lấy nước để uống.

Chữa băng huyết: lá bạc thau 10g, ngổ trâu 16g, sao vàng. Sắc uống trong ngày. Dùng 5-7 ngày. Có thể dùng dạng tươi với liều gấp 3-5 lần, rửa sạch, giã nát, thêm nước vắt lấy nước để uống.

Chữa mụn nhọt, lở loét: lá bạc thau 30g, lá xuyên tiêu 30g, lá trầu không 20g, thuốc lào 5g. Giã nát, đảo trên chảo cho nóng, đắp vào chỗ lở loét và băng lại. Mỗi ngày thay 1 lần. Hoặc lá bạc thau khô giã nhỏ mịn, rắc vào vết loét. Thuốc có tác dụng ngừng chảy nước vàng.

Chữa sưng tấy ứ huyết:

Bài 1: lá bạc thau 10g, lá quýt rừng 10g. Sắc uống.

Bài 2: lá bạc thau tươi 30g, lá xuyên tiêu 30g, lá dây đòn gánh 30g. Giã nát. Cho vào chảo, đảo nóng với ít rượu, đắp lên chỗ sưng đau. Ngày làm 1 lần.

Chữa ho trẻ em: lá bạc thau 6 - 8g, lá chua me 6-8g, lá xương sông 6-8g. Giã nát, vắt lấy nước uống (có thể thêm ít đường phèn).

Chữa lở ngứa, rôm sảy, ghẻ lở: lá bạc thau nấu với nước để tắm, rửa.

Ngoài loài bạc thau trên, còn một số loài sau:

Bạc thau hoa đầu (Argyreia capitata Luor.), mọc ở các lùm bụi, vùng núi Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa.

Bạc thau Malabar (Argyreia malabarica Choisy.) mới thấy có ở Kon Tum.

Bạc thau lá mềm (Argyreia mollis (Burn. F.) Choisy.) có từ Quảng Trị trở vào.

Bạc thau tím, thảo bạc gân (Argyreia nervossa (Burn. F.) Bojer, có ở TP. Hồ Chí Minh.

Bạc thau lá tù, bạc thảo (Argyreia obtusifolia Luor.). Cây có ở Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Bạc thau xám tro, bạc thau nhóm (Argyreia osyrenssis (Roth.) Choisy, có ở Kon Tum, Đăk Lăk.

BS. Tiểu Lan

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bac-thau-vi-thuoc-dieu-kinh-tieu-viem-giai-doc-n143064.html