9X tự hào khi cha lái xe ôm, ở cùng thành phố nhưng ít khi được gặp

'Mình thương bố lắm, suốt ngày cày mặt ngoài đường chạy xe kiếm từng đồng chắt chiu cho con. Vì hoàn cảnh nên ở cùng thành phố nhưng bố con ít khi gặp nhau', Hương Giang kể.

Không ai sinh ra được chọn cha mẹ hay xuất thân cho mình, nhưng cách báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của họ thì chắc chắn do bản thân định đoạt.

Nguyễn Hương Giang (20 tuổi, quê Thái Bình) mở lời kể về cha của mình: "Bố mình đấy! Làm cho công ty nước ngoài, nay đây mai đó, đi suốt thôi. Đùa vậy thôi chứ mình thương bố lắm, suốt ngày cày mặt ngoài đường kiếm từng đồng chắt chiu cho con!".

Cha Hương Giang làm nghề lái xe ôm. Ai cũng nhận ra điều này từ bức ảnh chụp người đàn ông ngoài 40 khi đang đi làm, trên tay cầm chiếc nón lá, được chính Giang chia sẻ trên mạng xã hội.

Chia sẻ tự hào về cha, dù ông có làm nghề nghiệp gì của thiếu nữ nhận được gần 4.000 biểu tượng cảm xúc, cùng hàng trăm bình luận cảm thông.

Hương Giang thương cha bươn chải với nghề lái xe ôm để lo cho gia đình. Ảnh: NVCC.

Hương Giang thương cha bươn chải với nghề lái xe ôm để lo cho gia đình. Ảnh: NVCC.

9X trải lòng với Zing.vn câu chuyện giữa mình và cha. Quê Giang ở xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) có nghề khâu nón lá. Những người thuộc thế hệ 7X, 8X như cha mẹ cô được học làm nón từ nhỏ.

Hương Giang cảm nhận tình cảm của hai cha con đi xuống từ cách đây nửa năm, khi cô bỏ học Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Giang làm trái ý, cha giận, ít nói chuyện hơn trước. 9X nói muốn đi làm kiếm tiền đỡ đần cha mẹ nuôi 2 em, thay vì thấy mình cha chạy xe ôm vất vả.

Cha luôn mua quần áo cho cả 3 chị em

Cha mẹ Hương Giang có 3 người con gái. Giang là chị cả, dưới có một em học lớp 7, em út mới 4 tuổi. Hai em của 9X ở với mẹ dưới quê Thái Bình. Giang và cha cùng ở Hà Nội, nhưng ít khi gặp nhau cũng vì bận rộn với cuộc sống mưu sinh.

"Bố mình là Nguyễn Trọng Duẩn, năm nay 43 tuổi. Bố chạy Grab được khoảng 5 tháng nay. Mình hiện làm spa kiếm tiền, vừa học thêm tiếng Trung, vừa gửi về nhà. Mỗi tháng làm chăm chỉ được khoảng 8-9 triệu. Mình cũng đang cố gắng tích tiền để xin học bổng sang Trung Quốc học ngành Hán ngữ", cô gái 20 tuổi tâm sự.

Về quyết định bỏ học sau một năm, Giang giọng buồn nói cô thấy không có tương lai ở ngành học. Cô đã nghỉ được nửa năm và bắt đầu đi làm nuôi ước mơ. Không muốn cha mẹ lo lắng, cô không xin tiền từ họ.

Gia đình của Hương Giang. Cha mẹ đều thương và đối xử công bằng với 3 chị em. Ảnh: NVCC.

"Ngày trước, mình thân với bố hơn mẹ. Sau khi mình nghỉ học, bố con chẳng hay nói chuyện. Bố mình hiền lắm. Người ta cứ trêu đẻ nhiều con gái, bố bảo con nào cũng là con. Mình lớn rồi, mỗi lần bố mua quần áo hay đồ gì đều cho cả 3 con. Chẳng bao giờ mình thấy bị ra rìa cả", Hương Giang xúc động nói về cha.

Vốn không hợp tính mẹ, Hương Giang có lần cãi nhau to với mẹ vào năm ngoái. Cô lập tức bỏ lên Hà Nội lúc khoảng 18h.

Vừa tới phòng trọ ở Hà Nội, cha Giang gọi hỏi chuyện và khuyên nhủ, dặn dò con gái. 9X nghèn nghẹn khi cảm nhận giọng ông đầy lo lắng ở đầu dây bên kia.

Với Giang, đây không phải kỷ niệm đẹp, nhưng cô luôn nhớ vì lần hiếm hoi thấy cha thể hiện tình yêu thương con gái ra ngoài. Dưới bài đăng của Giang, rất nhiều dân mạng đã khuyên cô nên trò chuyện với cha để nói hết suy nghĩ trong lòng.

Cõng con cõng cả cuộc đời

Lý giải nguyên nhân không ủng hộ con gái, ông Nguyễn Trọng Duẩn nói với Zing.vn: "Giang là đứa khái tính. Vợ chồng tôi lo, không muốn nó phải bươn chải quá sớm mà không thể ngăn nó bỏ học. Con bảo muốn đi học bên Trung Quốc mà nhà hoàn cảnh, đi vay tiền thì biết khi nào mới trả được người ta. Tôi cũng không yên tâm mấy chỗ nó hỏi chuyện".

Người cha giọng thật thà cho biết không hề giận Giang, mà chỉ mong sao con gái thành người.

Vì hoàn cảnh gia đình, ông Duẩn lên Hà Nội mưu sinh đã 10 năm nay. Hiện thu nhập chính của người bố 43 tuổi đến từ nghề lái xe ôm và trông thuê bệnh nhân.

Cha gần 20 năm cõng con bại liệt đến trường Từ bỏ công việc ở quê và những hoài bão trong sự nghiệp, ông Lê Văn Hồng (quê Phú Thọ) hàng ngày cõng con trai bị mắc bệnh teo chân đến trường suốt gần 20 năm.

"Nhớ nhà lắm chứ nhưng vì hoàn cảnh nên chấp nhận. Về quê làm sao nuôi được các con... Ngày trước, vợ tôi cũng lên đây làm nhưng từ khi sinh đứa thứ 3 thì ở nhà", ông Duẩn tâm sự.

Về bức ảnh chụp mình được con gái chia sẻ lên mạng xã hội, ông cho biết hôm đó ông chờ khách gọi chạy xe ở một vườn hoa, thấy cô hàng nước khâu nón lá nên "nhớ nghề" giúp một chút. Ông khâu nón từ năm 7-8 tuổi đến 30 tuổi thì rời quê đi mưu sinh.

Những người cha như ông Duẩn, sẵn sàng gánh nhọc nhằn trên vai để con được nên người.

Đó là nghệ sĩ Quốc Tuấn 15 năm bên con trai - Anh Tuấn (Bôm) - chống chọi với căn bệnh APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ) với tỷ lệ ghi nhận trên thế giới là 1/88.000 trẻ. Hành trình giúp con trai tự tin và phát triển như một cậu bé bình thường của nam diễn viên khiến hàng triệu người bật khóc.

Câu chuyện truyền cảm hứng bất tận về tình cha con của nghệ sĩ Quốc Tuấn và Bôm khiến hàng triệu người rơi lệ. Ảnh cắt từ clip.

Hay người cha Lê Văn Hồng (quê Lâm Thao, Phú Thọ) gần 20 năm cõng con trai bị teo chân từ khi mới lên 4 tuổi đến trường. Ngày Lê Xuân Bách (con trai ông Hồng) đỗ vào khoa Công nghệ đa phương tiện, ĐH Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông rời quê lên Hà Nội chăm lo cho con từ miếng ăn, giấc ngủ.

Để có tiền trang trải cuộc sống và có thể theo sát con, ông Hồng đã xin làm bảo vệ giữ xe ngay trong trường con học. Nghị lực "tàn mà không phế" của Bách, cùng sự hy sinh cao cả của người cha là minh chứng đẹp đẽ nhất cho tình phụ tử có thể chiến thắng mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thu Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/9x-tu-hao-khi-cha-lai-xe-om-o-cung-thanh-pho-nhung-it-khi-duoc-gap-post843226.html