9X Thái Lan tốt nghiệp thủ khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Nói và viết tiếng Việt thành thạo, học giỏi, gương mặt sáng là những ấn tượng Lalitpat Kerdkrung, thủ khoa đầu ra ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội 2019, để lại cho mọi người.

Điểm trung bình tích lũy 3,92/4, sinh viên xuất sắc 4 năm học, tốt nghiệp thủ khoa ngành Việt Nam học cũng như toàn khóa 2015-2019 của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đó là những thành tích không dễ dàng đạt được, ngay cả với sinh viên Việt Nam. Thế nhưng, Lalitpat Kerdkrung (24 tuổi, đến từ Thái Lan) lại có được kết quả đó.

Học tiếng Việt chỉ 3 tháng trước khi qua Việt Nam du học, thành quả này là "trái ngọt" cho những nỗ lực, cố gắng của cô gái đến từ xứ chùa vàng.

Lalitpat Kerdkrung, sinh viên ngành Việt Nam học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2019.

Lalitpat Kerdkrung, sinh viên ngành Việt Nam học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2019.

Thích Việt Nam từ khi học cấp 3

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là câu nói nhiều người vẫn thường dùng để ám chỉ độ “khó nhằn” của tiếng Việt.

Bởi vậy, việc cô gái người Thái Lan Lalitpat Kerdkrung nói tốt tiếng Việt, sang Việt Nam du học, thậm chí tốt nghiệp thủ khoa đang khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chia sẻ với Zing.vn về lý do tới Việt Nam du học, Lalitpat cho biết: “Hồi cấp ba, mình được học môn Địa lý, Lịch sử của các nước Đông Nam Á. Mình bất ngờ trước sự hồi phục và phát triển nhanh chóng chỉ vài chục năm sau chiến tranh của Việt Nam. Từ đó, mình đặt mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về đất nước các bạn".

Sau đó, khi biết thông tin chính phủ Thái Lan cấp học bổng du học tại một số nước, trong đó có Việt Nam, Lalitpat thử sức và giành được học bổng toàn phần.

9X Thái Lan muốn đến Việt Nam du học từ khi học cấp 3.

Cùng thời điểm đó, cô biết tin mình trúng tuyển vào một trong những trường đại học tốt nhất của Thái Lan. Bởi vậy, gia đình Lalitpat tỏ ra khó hiểu trước quyết định du học của con gái.

Sau đó, nhận thấy 9X dành nhiều sự quan tâm cho Việt Nam, gia đình cũng chấp nhận và ủng hộ.

“Mình muốn là một người Thái có hiểu biết thật rõ về Việt Nam để sau này có thể làm cầu nối giữa hai quốc gia”, cô gái 24 tuổi nói.

Lalitpat chia sẻ sau khi học xong sẽ về làm việc tại Bộ Ngoại giao Thái Lan và có khả năng cao được phụ trách các ban liên quan đến ASEAN cũng như Việt Nam.

Với những gì bản thân được trải nghiệm và học tập tại Việt Nam, cô muốn chia sẻ lại hình ảnh, văn hóa của nơi này đến người dân, đặc biệt là giới trẻ Thái Lan.

"Mình hy vọng những gì mình cố gắng làm từ bây giờ, dù rất nhỏ bé nhưng dần dần sẽ góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", cô nói.

Khi được hỏi, nữ sinh viên chia sẻ bản thân không có “bí quyết” gì để đạt được kết quả cao. Cô nói mình chỉ cố gắng tập trung nghe giảng trên lớp, khi có thắc mắc thì nhờ luôn các thầy cô giáo giải đáp.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm kinh nghiệm và kỹ năng sống cũng giúp ích không nhỏ.

"Việt Nam nhiều xe máy quá"

Lần đầu đến sống và học tập tại môi trường mới, Lalitpat gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, nhất là trong giao tiếp.

“May mắn là tiếng Thái và tiếng Việt có sự tương đồng về ngữ pháp cũng như cách phát âm nên mình có thể bắt chước giọng nói gần giống người Việt. Tuy nhiên, mình thấy hơi khó để nhớ hoặc đoán nghĩa của từ", 9X nói.

Bên cạnh đó, điều “ám ảnh” nữ sinh Thái Lan không kém là “ma trận” xưng hô trong tiếng Việt. Dù đã cố nhớ, nhiều lần cô vẫn bị nhầm lẫn khi giao tiếp với mọi người.

Sự hiếu khách là điều khiến Lalitpat cảm thấy ấn tượng trong 4 năm học ở Việt Nam.

"Những lần đi ăn ở nhà hàng hay quán cà phê, mình thấy các nhân viên phục vụ có vẻ nhiều tuổi hơn mình nhưng cứ gọi mình bằng 'chị' và xưng 'em'. Điều này khiến mình hơi khó xử và không biết phải đáp lại là 'chị', 'em' hay 'tôi'. Đôi lúc mình bị lẫn lộn, cảm thấy ngại và không dám xưng hô luôn", 9X bày tỏ.

Để khắc phục khó khăn này, Lalitpat tận dụng cơ hội nói chuyện với người Việt nhiều nhất có thể. Có lần đi taxi, cô trò chuyện với tài xế suốt quãng đường và nhờ giải đáp mỗi khi có thắc mắc.

Bên cạnh đó, 9X thường nghe người Việt giao tiếp, nói chuyện với nhau để xem bản thân có hiểu được nội dung cuộc trò chuyện không. Đó cũng là cách cô học được nhiều từ lóng hoặc ngôn ngữ mạng của giới trẻ.

Khi được hỏi điều gì ở Việt Nam mà Lalitpat yêu thích nhất, cô không ngần ngại trả lời: tính cộng đồng.

Với cô gái đến từ xứ chùa vàng, trải nghiệm cùng bạn bè ra bờ hồ Hoàn Kiếm xem và ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam rất khó quên. Không khí sôi động, cuồng nhiệt một trận bóng đá đem lại khiến cô cảm nhận được sự yêu nước và tinh thần cộng đồng của người Việt.

Ngoài ra, Lalitpat cũng bị ấn tượng bởi sự hiếu khách của con người tại dải đất hình chữ S.

"Tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài sẽ không bao giờ làm mình quên con người và đất nước này”, 9X nói.

Trong cảm nhận của Lalitpat, văn hóa Việt Nam và Thái Lan không có quá nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm ở Hà Nội, cô choáng ngợp khi đường phố đông đúc, nhiều xe máy và tiếng còi xe ồn ào.

Từng "cảm nắng" con trai Việt

Sau 4 năm sinh sống và học tập tại Hà Nội, 9X Thái Lan bày tỏ điều cô sẽ không thể quên là không khí học tập đa văn hóa tại khoa Việt Nam học.

Nếu có cơ hội, Lalitpat nói sẽ trở lại Việt Nam.

“Trong lớp mình có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga, Ba Lan và Lào.

Khi đi học, mình có cơ hội giao lưu, trò chuyện về các lĩnh vực với mọi người và biết được góc nhìn của những sinh viên từ mỗi nước”, cô nói.

Bên cạnh đó, điều khiến Lalitpat cảm thấy tự hào về bản thân là việc đã hoàn thành được khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Việt.

Sau những tháng ngày ròng rã tìm tài liệu, chỉnh sửa đến mức cảm thấy “stress”, phần thưởng dành cho cô là điểm 10 tròn trĩnh và sự công nhận của thầy cô giáo.

Dành một phần “thanh xuân” ở Việt Nam, nữ sinh Thái Lan cũng từng có những lần “cảm nắng” các chàng trai Việt. Tuy nhiên, cô xác định việc theo đuổi con đường học tập vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Sau khi tốt nghiệp, Lalitpat dự định học tiếp thạc sĩ ở London, Anh, sau đó quay lại làm việc tại Bộ Ngoại giao Thái Lan. Tuy nhiên, nếu có cơ hội đến Việt Nam làm việc, cô sẽ không từ chối.

Mai An
Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/9x-thai-lan-tot-nghiep-thu-khoa-dh-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-ha-noi-post963282.html