9X quay clip triệu view quảng bá đặc sản rừng

Học xong đại học chuyên ngành Ngữ văn nhưng với tình yêu quê hương, tính tìm tòi, thích khám phá và máu kinh doanh, Nguyễn Trung Úy đã chọn cho mình hướng khởi nghiệp bằng việc khai thác những thế mạnh, tiềm năng của những cánh rừng ở quê nhà Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Làm giàu từ những cánh rừng

Đó là câu chuyện đầy phiêu lưu của chàng trai NguyễnTrung Úy (30 tuổi, ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn,tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2012, Úy tốt nghiệp đại học rồi đi làm đúng ngành, lương bảy triệu đồng/tháng nhưng vẫn thích tự mình đứng ra kinh doanh. 5 năm trước, 1 lần về thăm quê, trong lúc đang chán công việc hiện tại. Lại nhìn thấy sự thay đổi của quê hương, được người quen gợi ý anh mạnh dạn chuyển hướng khai thác đặc sản quê hương rồi đem “vô” thành phố bán.

Một trong những cảnh quay trong clip mà Úy thực hiện.

Một trong những cảnh quay trong clip mà Úy thực hiện.

“Tôi nhận ra rằng nhu cầu sử dụng đặc sản rừng ở TP.HCM rất lớn nhưng để tìm được đặc sản rừng “đúng xịn” không phải là chuyện dễ. Tôi tự hỏi rằng, mình sinh ra và lớn lên ở miền núi rừng, quê hương có nhiều đặc sản nổi tiếng như mật ong rừng, nhung hươu sao, tinh bột nghệ…Tại sao không đưa đặc sản quê mình vào thành phố phục vụ mọi người”, Úy kể.

Khởi nghiệp vơísố vốn ít ỏi 30 triệu đồng, Úy tính toán cẩn trọng để giảm tối đa rủi ro, lên kế hoạch khá kỹ, bao gồm chi phí thuê mặt bằng, thu mua sản phẩm từ bà con, làm mẫu mã sản phẩm. Để phát triển thương hiệu mật ong rừng, anh đã xây dựng cả website và hoàn thiện hệ thống các kênh bán hàng online.

Điều khiến Úy đau đầu nhất chính là thị trường mật ong hiện nay quá loạn, khách hàng hầu như mất hết niềm tin vào những người kinh doanh mật ong. Để đảm bảo chất lượng, Úy không dám thu gom mật ong tràn lan mà chỉ nhập mật ong của gia đình và người thân để đưa vào thành phố. Dù là mật ong của người thân nhưng Úy vẫn thử kỹ lưỡng trước khi nhập, nếu mật ong không đạt chuẩn thì sẽ bị loại ngay. Khi mật ong vào tới nơi, Úy phải kiên trì bù lỗ và bán với mức giá phải chăng nhất để tiếp cận được những khách hàng đầu tiên. Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn.

“6 tháng đầu bước vào kinh doanh, dùđã cố gắng tự mình ôm hết mọi việc nhưng vẫn liên tục phải bù lỗ, kể từ tháng thứ 7 trở đi lượng khách bắt đầu tăng và doanh thu đã bù đắp được chi phí bỏ ra. Lúc đó, tôi đã rất vui sướng dù lợi nhuận chưa có, tôi nghĩ chỉ cần không phải bù lỗ nữa thì mọi chuyện sẽ ổn”- Úy chia sẻ.

Úy cùng người dân địa phương đi lấy mật ong rừng.

Tạo kênh youtube riêng

Lúc bắt đầu khởi nghiệp, Úy đã phải bỏ ra cả tháng về quê theo chân thợ săn ong vào rừng để tận mắt chứng kiến quá trình lấy mật. Đồng thời, anh cũng học “bí kíp” của những thợ ong lão luyện về cách thức khaithác, nhận biết mật thật, giả, cách bảo quản…

Tất cả những quá trình này được anh ghi lại bằng video và hình ảnh. “Đây vừa là những tư liệu quý, vừa là những đoạn phim khám phá về thiên nhiên, về những cánh rừng già ở quê hương Hà Tĩnh. Tôi vừa giữ để làm tài liệu vừa biên tập lại thành những phóng sự, clip rồi tải lên mạng xã hội để quảng bá”, Úy tâm đắc nói. “Suốt một tháng về quê, tôi hầu như ăn ở trong rừng cùng anh em dân bản.

Quả thật, có theo chân những người đi khai thác mật ong rừng mới biết họ khổ cực và nguy hiểm thế nào. Ban đêm ngủ thì bị muỗi đốt, lạnh thấu xương, đau nhức cả người vì nằm ngủ trên đá, nhiều đêm mưa gió phải dậy chạy tìm chỗ trú mưa, đã thế lại còn lo bịrắn rếp cắn. Ban ngày thì leo đèo lội suối tìm ong rừng, khi tìm được tổ ong phải leo lên cây cổ thụ cao chót vót để khai thác mật ong”, Úy kể thêm. Từ những video phóng sự đặc sắc này, Úy có thêm nguồn thu từ kênh youtube Hương Sơn Green và có thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Theo đó, các clip tải lên kênh này chủ yếu nói về cuộc sống mưu sinh, văn hóa, ẩm thực mang đậm nét núi rừng của người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Để có được những thước phim đẹp, chân thật và có nét riêng, Úy đã phải “vào rừng sống hoang dã, sống như một người rừng”.

Theo Úy, bản thân vừa là người quay phim vừa là người dẫn chương trình trong các đoạn clip nên mỗi “thước phim” đều thể hiện sự mộc mạc và chân thực nhất, theo đó người xem có cảm giác như mình đang trực tiếp được sống trong khoảnh khắc đó. Để làm được video tải lên youtube, Úy ngày đêm lên mạng tự mày mò học kỹ năng quay, dựng phim.

“Lúc đầu vất vả lắm, tập dựng cả ngày lẫn đêm mới xong được một đoạn clip”- Úy nhớ lại. Hiện tại, kênh Hương Sơn Green đã khá nổi tiếng trên mạng xã hội youtube với hơn 56.000 lượt theo dõi. Có những video mới xuất bản trong vòng vài tháng nhưng đã có lượt xem rất lớn, như clip “Dúi rừng ăn với cơm lam tại rừng già” có trên 1,1 triệu lượt xem, clip “Tết Lào 2018” có trên 1,8 triệu lượt xem, clip “Ăn trái cây rừng cực phê” có trên 800.000 lượt xem…

Được biết, cánh rừng già ở quê Úy có tên là rừng Nước Lạnh, vì vào sâu trong rừng khí hậu rất lạnh. Cánh rừng này giáp với biên giới Lào, địa hình vô cùng hiểm trở. Mỗi lần Úy vào rừng phải đi cùng với 5, 6 anh em khác để hỗ trợ nhau.

Chia sẻ thêm về bí quyết kinh doanh, Úy cho biết, để kinh doanh tốt đặc sản quê hương và giữ chân được khách hàng ngoài việc đảm bảo sản phẩm đúng chất lượng, kiểm tra kỹ trước khi giao cho khách còn phải giao hàng nhanh, đúng hẹn và phải tư vấn nhiệt tình mỗi khi khách hàng có thắc mắc. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, hiện tại khi đã có những quy định cấm khai thác mật ong rừng ở một số nơi và vào một số thời điểm.

Úy không bỏ cuộc nhưng cũng không thể vi phạm quy định, anh đang có ý định mở trang trại nuôi ong tự nhiên ở gần những cánh rừng. “Như vậy hằng ngày ong sẽ vào rừng ăn mật và đem về tổ cho mình. Chúng tôi nuôi hoàn toàn bằng mật hoa rừng tự nhiên, như vậy sẽ giảm chi phí đi khai thác rất nhiều. Tuy nhiên để mở được một trang trại như thế cũng không phải đơn giản. Nhưng đó là việc tôi phải làm”, Úy tâm sự.

Việt Nguyên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/9x-quay-clip-trieu-view-quang-ba-dac-san-rung-d107223.html