9X chuyên Văn trở thành kỹ sư phần mềm: 'Lập trình không hề cao siêu'

Từng là học sinh chuyên Văn, không có trong tay bất kì giải thưởng Tin học nào, nhưng Trần Linh Nga (sinh năm 1996) hiện là thực tập về công nghệ thị giác máy tính và máy học tại công ty Recogizer Analytics GmbH.

Trước đó, Nga cũng nhận được cái “gật đầu" từ “ông lớn công nghệ” Amazon.

Cựu 9X chuyên Văn học Khoa học Máy tính

Trần Linh Nga là cựu học sinh lớp chuyên Văn của Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội). Trong những năm cấp 3, Nga theo học chương trình International Baccalaureate (IB) quốc tế tại Lào. Quãng thời gian này cũng là thời điểm Nga nhận ra niềm yêu thích của mình với Vật lý và Toán học.

9X chuyên Văn đang làm thạc sĩ ngành tự động hóa và khoa học máy tính. Ảnh: NVCC

9X chuyên Văn đang làm thạc sĩ ngành tự động hóa và khoa học máy tính. Ảnh: NVCC

Năm 2014, Linh Nga theo học ngành Electronics Engineer tại Đại học Rhine-Waal (Đức) với học bổng 100% học phí. Trong quá trình học, Linh Nga có cơ hội sang Hà Lan thực tập tại công ty NXP Semiconductors - công ty hàng đầu thế giới về sản xuất chip điện cho xe ô tô và các ngành hàng sản xuất - tiêu dùng. Vì thế, Nga có thể học hỏi và trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu về các phần cứng (thiết kế bảng điện), phần mềm (lập trình cho bảng điện và con chip).

Sau khi tốt nghiệp, Nga xin học bổng và được nhận theo học tại ĐH Bonn-Rhein-Sieg (Đức). Chương trình thạc sĩ của Linh Nga đào tạo 2 bằng, nên cô có cơ hội lấy bằng Thạc sĩ ngành Tự động hóa (Autonomous System) tại ĐH Bonn-Rhein-Sieg và thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính (Computer Science) tại ĐH New Brunswick (Canada).

Dành nhiều thời gian nghiên cứu, chủ động trao đổi với các vị giáo sư trong trường về bài học và các dự án, Nga được các giáo sư tin tưởng, giới thiệu thực tập tại công ty công nghệ Recogizer Analytics GmbH chuyên về trí tuệ nhân tạo.

Để có thêm kiến thức thực tế, Nga cũng mạnh dạn 'apply' để đi làm tại một dự án của tập đoàn IBM và được đài thọ toàn bộ chi phí tại Canada.

Vì vậy, luận án tốt nghiệp của Linh Nga là dự án cô bạn thực hiện nghiên cứu với tập đoàn này.

‘Nghề lập trình không hề cao siêu’

Trần Linh Nga: “Mình muốn truyền cảm hứng đến các bạn học sinh rằng chỉ cần tự tin vào chính mình và chăm chỉ nỗ lực cố gắng, chắc chắn các bạn sẽ thành công.”

Tự động hóa và Khoa học Máy tính là hai ngành khoa học khác hẳn nhau. Trong khi đó, Nga bắt đầu với Khoa học Máy tính khá muộn.

Chính vì vậy, Nga đã vạch ra một chiến lược học tập cho bản thân. Linh Nga bắt tay vào việc nghiền ngẫm quyển giáo khoa Introduction to Algorithms - quyển “kinh thánh” của các học sinh chuyên ngành Khoa học Máy tính. Cô cũng lên mạng tìm hiểu chương trình đào tạo Khoa học Máy tính của các trường khác nhau và xác định được những chủ điểm quan trọng để tập trung tìm hiểu. Mỗi ngày, Linh Nga đều lập trình và nhờ giáo sư kiểm tra code của mình rồi xin lời khuyên. Những lúc rảnh rỗi, cô bạn còn tranh thủ xem những video trên YouTube những vấn đề mình không hiểu.

Nga cho rằng, những bài báo về những tấm gương học giỏi với bảng vàng thành tích từ các cuộc thi dễ khiến nhiều học sinh có tâm lý tự ti, cho rằng phải xuất sắc mới có thể trở thành lập trình viên hay theo ngành khoa học máy tính.

“Lập trình không hề là một nghề cao siêu chỉ dành cho những cá nhân xuất sắc”, Linh Nga chia sẻ. Theo cô bạn, dù xuất phát điểm bình thường nhưng có niềm yêu thích, có kế hoạch rõ ràng và nỗ lực cố gắng theo đuổi chắc chắn sẽ thành công.

Đây cũng là lý do đã thôi thúc Linh Nga trở thành trợ giảng cho dự án dạy lập trình miễn phí cho trẻ em Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới - STEAM for Vietnam. Nga hỗ trợ tham gia thử nghiệm lớp học cùng với các thầy cô giáo giảng viên và chuẩn bị tài liệu cho lớp học nhập môn Khoa học máy tính với Python.

Tháng 5 tới, Nga lại tiếp tục vai trò trợ giảng cho lớp Nhập môn thiết kế và lập trình Robotics với VEX IQ.

“Lập trình không hề là một nghề cao siêu chỉ dành cho những cá nhân xuất sắc”. Ảnh: NVCC

Khóa học này sẽ tạo điều kiện cho các học sinh từ 12 đến 17 tuổi có cơ hội được học cùng với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và áp dụng ngay vào thực tế các kiến thức về Toán, Vật lý/Cơ học, Điều khiển học, và Lập trình để thiết kế và điều khiển các chú robot từ đơn giản tới phức tạp.

Đây là điều Linh Nga hứng thú nhất vì đó chính là khởi nguồn của niềm yêu thích công nghệ của mình.

“Mình muốn truyền cảm hứng đến các bạn học sinh rằng chỉ cần tự tin vào chính mình và chăm chỉ nỗ lực cố gắng, chắc chắn các bạn sẽ thành công.”

Lợi thế từ trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa

Những trải nghiệm ở nhiều quốc gia trở thành lợi thế của Linh Nga. Ảnh: NVCC

Hành trình học tập qua nhiều quốc gia đã cho Linh Nga nhiều trải nghiệm thú vị. Đồng nghiệp người Đức hay Hà Lan với phong cách làm việc làm ít - hiệu quả cao, rất minh bạch trong công việc và luôn thẳng thắn góp ý để hiệu suất hoạt động của nhóm tốt hơn. Trong khi đó, những đồng nghiệp đến từ châu Mỹ lại cởi mở và hay bắt chuyện để tạo không khí thoải mái.

Điều đó giúp Nga học được kỹ năng làm việc nhóm chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa. Ngoài ra, khiến Nga có cái nhìn đa chiều một vấn đề, áp dụng kiến thức linh hoạt và đặt câu hỏi đúng trọng tâm. Theo Nga, những kỹ năng này giúp nữ lập trình viên như cô có “lợi thế" hơn so với những đồng nghiệp nam.

Hành trình học tập qua nhiều quốc gia đã cho Linh Nga nhiều trải nghiệm thú vị. Ảnh: NVCC

Từ trải nghiệm của mình, Linh Nga cho rằng, học sinh, sinh viên có thể tranh thủ tận dụng cơ hội để tham gia các chương trình đào tạo, thực tập và tình nguyện ngay trong lúc còn đi học. Mỗi trải nghiệm như một lần đi làm nghiên cứu thị trường để tìm hiểu về các công ty và cơ hội việc làm trong chuyên ngành của mình. Điều này quan trọng không kém cho việc định hướng nghề nghiệp về sau.

Linh Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/9x-chuyen-van-hoc-thac-si-khoa-hoc-may-tinh-lap-trinh-khong-he-cao-sieu-732573.html